Đại Lâm tự lực giảm nghèo

Để giảm nghèo hiệu quả, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) quan tâm khơi dậy ý chí tự lực của người nghèo và sự hỗ trợ tại chỗ. Toàn bộ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát được xã hội hóa, không trông chờ cấp trên.

Tăng thu nhập tại chỗ

Đến thăm gia đình chị Giáp Thị Xoan (SN 1965), hộ nghèo ở thôn Hậu, xã Đại Lâm chúng tôi thấy được cố gắng, khát vọng vươn lên của người mẹ đơn thân.

 Chị Giáp Thị Xoan chăm sóc đàn gia cầm.

Chị Giáp Thị Xoan chăm sóc đàn gia cầm.

Chị Xoan kể về chặng đường đầy chông gai của hai mẹ con: “Con trai tôi sinh năm 2002. Đến tuổi lao động cháu đi làm công nhân ở một khu công nghiệp tại thị xã Việt Yên. Năm 2023, trên đường đi làm về, cháu bị tai nạn giao thông, bất tỉnh hàng tháng trời, nay tuy đã tỉnh táo nhưng chưa thể làm được việc nặng. Hằng ngày chỉ ở nhà quanh quẩn giúp mẹ việc lặt vặt, hoàn cảnh vốn đã khó khăn nay càng thêm vất vả".

Nhờ chương trình cho vay vốn giảm nghèo, chị Xoan được vay 100 triệu đồng để mua con giống gà, vịt, ngỗng và sửa chữa, nâng cấp chuồng trại để chăn nuôi. Sở dĩ chị lựa chọn nuôi gia cầm vì phù hợp với hoàn cảnh, không phải đi làm xa, có thể ở nhà chăm sóc con. Hiện nay, gia đình chị nuôi khoảng 200 con/lứa, ngoài cho ăn cám, thức ăn còn được chế biến từ ngô, thóc, rau xanh của gia đình. Gia cầm được chăn thả bán tự nhiên nên chất lượng tốt, tiêu thụ dễ dàng, giá bán cao, bình quân xuất bán 2 lứa/năm. Hằng tháng chị đều trả lãi vốn vay đầy đủ, đúng hạn, kinh tế của gia đình vững vàng hơn. Dự kiến sau 60 tháng của chu kỳ vay vốn, chị tiếp tục vay thêm để phát triển sản xuất, có điều kiện thoát nghèo.

Trên địa bàn xã Đại Lâm hiện còn 16 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo. Với mục tiêu tăng thu nhập cho các gia đình này, UBND xã đã xây dựng phương án sản xuất cho Tổ cộng đồng chăn nuôi gà lai Hồ thả vườn. Theo ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm Tổ trưởng, nghề chăn nuôi gà thả vườn phù hợp với điều kiện của người dân địa phương. Nếu chọn vật nuôi là gia súc thì đòi hỏi số vốn lớn, rủi ro cao khi không may xảy ra dịch bệnh và diện “phủ sóng” không cao vì không phải hộ nghèo, cận nghèo nào cũng đủ nguồn lực đối ứng, kinh nghiệm chăn nuôi. Dự án tạo việc làm tại chỗ cho các lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, góp phần nâng cao thu nhập (dự kiến tăng 20-30% thu nhập cho các hộ), thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của xã.

Tổng kinh phí thực hiện hơn 400 triệu đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 là 220 triệu đồng. Các hộ tham gia dự án đối ứng hơn 180 triệu đồng để cải tạo chuồng nuôi, thức ăn, thuốc thú y, vắc-xin… Đến nay, hơn 5 nghìn con gà của các hộ nghèo, cận nghèo sinh trưởng tốt, chuẩn bị đến kỳ xuất bán. Theo tính toán của các gia đình, với diễn biến của thị trường gà thịt hiện nay, sau khi trừ chi phí mỗi hộ bình quân lãi khoảng 8 triệu đồng.

Huy động xóa nhà tạm cho người nghèo

Thấu hiểu nỗi lo của các hộ nghèo về nhà ở, thiếu chỗ “an cư, lạc nghiệp”, xã Đại Lâm rà soát và lên phương án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho từng gia đình cụ thể. Mỗi trường hợp lại có cách hỗ trợ khác nhau, tạo điều kiện tốt nhất để các hộ có được căn nhà kiên cố. Đặc biệt là toàn bộ kinh phí do địa phương, gia đình và xã hội hóa, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp, không đề nghị huyện hỗ trợ. Điều này thể hiện tinh thần chủ động, quyết tâm từ phía cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể đến chính các hộ nghèo, cận nghèo.

 Cán bộ xã Đại Lâm thăm hỏi, động viên cháu Hoàng Minh Vũ.

Cán bộ xã Đại Lâm thăm hỏi, động viên cháu Hoàng Minh Vũ.

Hoàn cảnh của hai chị em Hoàng Thị Thu Cúc (SN 2006) và Hoàng Minh Vũ (2009) ở thôn Trạng rất đáng thương. Bố mẹ hai cháu qua đời do tai nạn rủi ro và bệnh hiểm nghèo. Chị em nương tựa vào nhau trong căn nhà dột nát, họ hàng, làng xóm cưu mang nhưng vẫn không thể bù đắp được thiệt thòi và nỗi buồn mồ côi.

Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình người có công, xã Đại Lâm đã đưa hai cháu vào diện hỗ trợ xây nhà. Chỉ trong thời gian ngắn, cuối tháng 7 vừa qua, ngôi nhà mới đã hoàn thành với diện tích hơn 60m2, chi phí hết 440 triệu đồng, trong đó xã hỗ trợ 60 triệu đồng, còn lại do hai bên nội ngoại giúp đỡ. Hai cháu có chỗ ở sạch sẽ, khang trang, cháu Vũ xúc động: “Từ ngày có nhà mới, cháu và chị gái vui lắm. Cháu yên tâm học tập, chị gái sau giờ đi làm vất vả về nhà có chỗ nghỉ ngơi”.

Kinh nghiệm huy động nội lực, khơi dậy nỗ lực giảm nghèo còn được vận dụng trong trường hợp gia đình anh Vũ Văn Đo (SN 1971), hộ cận nghèo ở thôn Tiền. Do sức khỏe kém, anh không lao động nặng được, ở nhà làm ruộng vườn, chăn nuôi, vợ anh tần tảo đi làm phụ vữa nhiều năm qua. Gia đình sống trong căn nhà tường đất, dột nát, mùa mưa có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đầu năm nay, được thôn, xã vận động, tuyên truyền, gia đình anh quyết tâm xây nhà mới. Từ nguồn tiền tiết kiệm và sự hỗ trợ của địa phương, gia đình anh Đo vừa khánh thành ngôi nhà hai tầng trên nền đất cũ. “Nhiều khi tôi không tin gia đình có ngôi nhà to đẹp thế. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến điều này, cuộc sống như sang trang mới vậy” - anh Đo nói.

Theo Ủy ban MTTQ xã Đại Lâm, đến nay, xã đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đạt 100% chỉ tiêu. Đồng chí Phạm Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, với những cách làm sáng tạo nêu trên, đến cuối năm nay, Đại Lâm dự kiến có 10 hộ thoát nghèo, không còn hộ nghèo là gia đình chính sách, có công với cách mạng. Với những hộ còn lại, xã tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ tạo việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, để người nghèo có cơ hội vươn lên.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dai-lam-tu-luc-giam-ngheo-151307.bbg