Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản - tấm gương phụng sự Đạo pháp và Tổ quốc

Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản, thế danh Trần Đức Bản, sinh năm Tân Mão (1891), trong một gia đình Nho học nhiều đời kính tin Tam bảo và giàu lòng yêu nước tại làng Giáo Phòng, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản, thế danh Trần Đức Bản, sinh năm Tân Mão (1891), trong một gia đình Nho học nhiều đời kính tin Tam bảo và giàu lòng yêu nước tại làng Giáo Phòng, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Phụng đạo yêu nước

Thủa nhỏ, Đức Bản theo học chữ Hán. Năm 10 tuổi, cậu phát tâm xuất gia đầu Phật với Sư Tổ chùa Cát Chử, huyện Trực Ninh, được Tổ ban pháp danh là Thanh Bản.

Năm 15 tuổi, Sư thụ giới Sa di. Năm 1910, thụ giới Tỷ khiêu tại giới đàn chùa Quy Hồn, thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định với đạo hiệu là Tuệ Quang.

Từ năm 1914 -1918, Sư được nghiệp sư cho du phương học đạo tại các chốn Tổ: chùa Long Đọi, chùa Mai Xá, chùa Cao Đà (Hà Nam), chùa Gôi, chùa Keo, chùa Trà Lũ (Nam Định), chùa Vệ, chùa Phúc Nhạc (Ninh Bình)……..

Năm 1919, Tỷ khiêu Thích Thanh Bản được Sơn môn công cử vào trụ trì chùa Ngọc Lâm, tổng Thanh Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tại đây sư đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia đội Nông vận và đội tuần vệ của xã Ngọc Lâm.

Tháng 6 năm 1930, Sư liên hệ với các sư trong vùng, cùng một số chí sĩ yêu nước ở địa phương góp tiền, góp vàng ủng hộ cho phong trào Xô Viết còn non trẻ. Nhiều lần sư cầm cờ đỏ búa liềm, cùng đoàn người đi biểu tình chống chế độ thực dân, đòi quyền lợi cho người lao động. Chính trong thời gian này sư được kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Năm 1932 - 1933, nhà cầm quyền kiểm soát gắt gao những người biểu tình, chúng đưa sư vào diện nghi vấn đặc biệt. Một lần, bọn mật thám theo dõi, phát hiện chùa Ngọc Lâm là cơ sở ấn loát tài liệu Đường Cách mệnh và may cờ búa liềm, chúng đã đốt phá chùa giết chết 6 bà vãi và một sư bác trong chùa, bắt giam sư Bản.

Năm 1935, sư đã cùng với các sư trong tỉnh thành lập Hội An Nam Phật học, tại chùa Lễ (An Lạc), thị xã Vinh và được bầu làm Phó Hội trưởng.

Từ năm 1936, sư được Hội An Nam Phật học tỉnh và tổ chức Đảng phân công vào các vùng duyên hải của tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh như: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Chân Lộc (Nghi Lộc), Thiên Lộc (Can Lộc), Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Hoa (Kỳ Anh) Một cơ sở cách mạng bị lộ khiến nhiều người bị bắt, Ngài phải rời vùng duyên hải lánh về miền Tây xứ Nghệ và được các sư liên lạc với tổ chức của ta, đưa Ngài về vùng Thanh Chương.

Cuối năm 1943, Ngài được bầu làm Ủy viên Ban chấp ủy Kỳ bộ Việt Minh tỉnh Nghệ An và tu sửa chùa Đá ở Anh Đô (huyện Đức Thọ) làm điểm hội họp, liên lạc bí mật của Kỳ bộ Việt Minh và Xứ ủy Trung kỳ, được tổ chức phân công làm công tác binh vận trong lòng địch, in ấn tài liệu tuyên truyền cách mạng bao gồm Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ của Mặt trận Việt Minh. Đồng thời lấy chùa Mây Quây, Chân Lộc (huyện Nghi Lộc) làm trụ sở sơ tán của Hội An Nam Phật học tỉnh.

Năm 1944, Ngài về chùa Ngọc Lâm tổ chức Lễ Khánh đản Quán Âm Bồ tát, đồng thời tuyên truyền cho tất cả các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể yêu nước về mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh. Chính quyền thực dân đã sai tay chân khám xét chùa phát hiện thấy cờ Đảng, tài liệu của Mặt trận Việt Minh và vũ khí (mã tấu, lựu đạn…) chứa trong gầm các ban thờ, chúng liền đốt chùa, bắt sư Bản cùng một số người đưa về giam tại huyện lỵ Tiên Yên (Quỳnh Bá). Sau đó đưa ra Thanh Hóa. Tại đây, giặc Pháp hết dùng lời dụ dỗ ngon ngọt đến dùng cực hình tra tấn sư vẫn một lòng sắt son với cách mạng, không tìm được chứng cứ chúng phải phóng thích Ngài.

Ra tù, sư lại cùng nhân dân trong vùng nổi dậy cướp chính quyền (tháng 8 năm 1945) rồi tham gia các phong trào diệt đói, diệt dốt.

Năm 1946, hưởng ứng "Tuần lễ vàng" và lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nghệ An, sư đã kêu gọi Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống; theo tiếng gọi non sông, cởi cà sa ra tiền tuyến.

Tháng 6 năm 1949, Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt được thành lập, Ngài được suy tôn làm Chứng minh đạo sư.

Năm 1951, Ngài được tổ chức tín nhiệm, cử tham gia Ủy ban Liên Việt tỉnh Nghệ An và bầu làm Phó Chủ tịch. Giai đoạn này; một mặt Ngài lo hoằng dương Phật pháp, cùng với tín đồ trùng tu lại các ngôi chùa cho Tăng Ni, Phật tử tu học; một mặt vận động Phật tử và nhân dân tham gia vào công cuộc kháng chiến - kiến quốc nêu cao khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", tổng động viên toàn dân tập trung sức người sức của, đẩy mạnh kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc.

Cuối năm 1953 đầu năm 1954, được tổ chức phân công Thượng tọa Thanh Bản, Thượng tọa Mật Thể, sư ông Thanh Tuyên, sư ông Nguyên Hòa và các sư bác trong chùa đã cùng nhân dân trong huyện thồ lương thực, gạo muối, thuốc men ra Thanh Hóa dọc theo sông Mã lên Cò Nòi, Sơn La tập kết, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1955 trong đợt cải cách ruộng đất, Ngài đã bị quy là địa chủ cường hào vì chùa có nhiều ruộng đất, người chấp tác. Nhưng xét Ngài có công lao với cách mạng nên chỉ bị quy kết là địa chủ kháng chiến và cho đi cải tạo nhân phẩm tại Tân Kỳ. Dưới ánh sáng Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 2, về nhiệm vụ sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất; Thượng tọa đã được sửa sai, về chùa và tiếp tục vận động các Tăng Ni, Phật tử tăng gia lao động sản xuất, tiếp tục mở các lớp bình dân học vụ, huấn luyện dân quân tự vệ và thực hiện các nghi lễ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân trong vùng, huấn luyện dân quân tự vệ và thực hiện các nghi lễ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân trong vùng.

Tuy chiến tranh loạn lạc nhưng Ngài vẫn âm thầm hành Bồ tát đạo, với cương vị là bậc mô phạm cao Tăng trong giới tu hành, Ngài đã được mời tham gia ngôi Tam sư các giới đàn để truyền trao giới pháp cho Tăng Ni tại các chốn Tổ của tỉnh Hà Nam Ninh, Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh; Truyền thụ Tam quy, Ngũ giới cho bà con Phật tử.

Với trình độ uyên thâm Tam giáo, Đại lão Hòa thượng đã dịch một số đầu sách như: Tâm lang thiện bản, Tam giáo hành trì bí chỉ, Độ tử pháp lược, Trần Triều Thánh kinh, Khoa nghi cúng Tổ Không Lộ,....

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm)

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm)

Về cõi Tịnh Độ

Dòng chảy thời gian cứ dần trôi qua, thân người theo đó mà đổi thay từng ngày. Cuộc đời Đại lão Hòa thượng như đám mây giữa không trung, như ngọn đèn treo trước bão biển, lại thêm sương gió phong ba dặm trường nên đến lúc mỏi mòn, dừng bước trên con đường phục vụ Đạo pháp, phụng sự Tổ quốc. Ngài đã thuận theo lý vô thường, quảy gót về Tây, an nhiên thị Phật vào ngày 21 tháng 3 năm 1962, tức ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Dần. Trải qua 72 mùa hoa sen nở, ứng thân hóa độ Sa bà và 52 hạ lạp.

Để ghi nhận những thành tích đóng góp của Đại lão Hòa thượng cho cách mạng, ngày 19 tháng 9 năm 2016, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành quyết định số 2044/QĐ-CTN, về việc truy tặng Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc.

Tài liệu tham khảo

1. GHPGVN tỉnh Nghệ An, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: quá khứ, hiện tại&tương lai, Nab Hồng Đức, 2013.

2. Nguyễn Đại Đồng, Thích Thọ Lạc đồng chủ biên, Lịch sử Phật giáo Nghệ An, Nxb Tôn giáo, 2022

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dai-lao-hoa-thuong-thich-thanh-ban-tam-guong-phung-su-dao-phap-va-to-quoc.html