Đại lễ Vesak 2025 cho thấy thực tế tự do tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam

'Đến với Đại lễ Vesak 2025 tại TPHCM, bạn bè quốc tế sẽ tận mắt thấy được đời sống thực tiễn về tự do tín ngưỡng tôn giáo, về sự bình đẳng giữa các tôn giáo trong xã hội Việt Nam', Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.

Sáng nay (24/4), tại hội nghị do Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức ở Hà Nội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, kiêm Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan Đại lễ Vesak lần thứ 4 năm 2025 diễn ra từ 6-8/5 tại TPHCM.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, kiêm Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, kiêm Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

Theo Thượng tọa, đây là một sự kiện đối ngoại hết sức quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với sự tham dự của các đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đại lễ Vesak 2025 được tổ chức nhằm mục đích khẳng định vai trò, vị thế của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam, trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

“Đến với sự kiện này, bạn bè quốc tế chứng kiến tận mắt sự chuyển mình mạnh mẽ, những thành tựu phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ của TPHCM mà của Việt Nam. Đặc biệt, bạn bè quốc tế sẽ tận mắt thấy được đời sống thực tiễn về tự do tín ngưỡng tôn giáo, về sự bình đẳng giữa các tôn giáo trong xã hội Việt Nam. Qua đó thấy được cam kết mạnh mẽ trong vấn đề thực thi đường hướng nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam đối với tự do tôn giáo, phản bác lại những thông tin sai lệch”, Thượng tọa nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, trong không khí cả nước phấn khởi chào mừng sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại lễ Vesak 2025 tiếp tục khẳng định truyền thống Phật giáo Việt Nam 2.000 năm lịch sử luôn đồng hành cùng dân tộc, qua việc xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức lần đầu tiên được cung rước, tôn trí tại TPHCM.

Xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức là biểu tượng thiêng liêng, thực tiễn và sinh động về sự đóng góp của tăng ni, Phật tử trong việc đấu tranh giành độc lập dân tộc, góp phần đem lại Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Điểm lại 3 kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc diễn ra tại Việt Nam trước đây, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay: Năm 2008, Đại lễ được tổ chức ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội, cho bạn bè quốc tế thấy sự phát triển của đất nước sau công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa.

Năm 2014 và 2019, Đại lễ tổ chức ở 2 ngôi chùa là Bái Đính - Ninh Bình và Tam Chúc – Hà Nam, để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng Phật giáo thế giới cũng như bạn bè quốc tế.

Lần này, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ tại một cơ sở đào tạo giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để bạn bè quốc tế thấy được tầm vóc, quy mô phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có 3 buổi làm việc với Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc để thống nhất chủ đề chính của Đại lễ là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.

Bên cạnh 2 thông điệp chính về “đoàn kết” và “bao dung”, vốn là truyền thống văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chủ đề của Đại lễ cũng thể hiện nội dung thông điệp của Liên Hợp Quốc về hòa bình, phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, vì nhân sinh, nhân phẩm con người, vì sự phát triển bền vững và hòa bình thế giới.

“Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được 620 tham luận bằng tiếng Anh, 330 tham luận bằng tiếng Việt của các chư tăng, học giả từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới; tập trung vào các chủ đề về hòa bình, phát triển bền vững, ứng dụng giáo lý Phật giáo trong xã hội hiện đại”, Thượng tọa thông tin thêm.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-le-vesak-2025-cho-thay-thuc-te-tu-do-tin-nguong-ton-giao-tai-viet-nam-2394623.html