Đại lễ Vesak 2025: Lan tỏa thông điệp hòa bình, khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Từ ngày 6 đến 8/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2025 sẽ chính thức diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của đông đảo tăng ni, phật tử, học giả Phật giáo và đại biểu quốc tế.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh-địa điểm tổ chức Vesak 2025.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh-địa điểm tổ chức Vesak 2025.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc tại Việt Nam trong năm nay, đồng thời là sự kiện văn hóa, tâm linh, đối ngoại đặc biệt do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức.

Đại lễ Vesak năm nay mang chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, một lần nữa khẳng định thông điệp nhân văn, tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật.

Đại lễ Vesak 2025 là lễ hội văn hóa, tôn giáo vì hòa bình.

Đại lễ Vesak 2025 là lễ hội văn hóa, tôn giáo vì hòa bình.

Năm nay, Đại lễ Vesak diễn ra tại Việt Nam trong bối cảnh cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và hướng tới 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025).

Với quy mô dự kiến lên tới hàng chục nghìn người tham dự, đại lễ Vesak 2025 là minh chứng sống động cho sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như vai trò tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Liên hợp quốc.

Sự kiện là dịp để khẳng định với quốc tế về chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như thực tiễn đời sống tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Đại đức lão hòa thượng Thích Trí Quảng, đệ tứ Giáo hội Phật giáo Việt Nam khảo sát tiến độ chuẩn bị Đại lễ Vesak 2025.

Đại đức lão hòa thượng Thích Trí Quảng, đệ tứ Giáo hội Phật giáo Việt Nam khảo sát tiến độ chuẩn bị Đại lễ Vesak 2025.

Theo bà Trần Thị Minh Nga, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo), Việt Nam luôn nhất quán chủ trương tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động chính đáng. Việc tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sự quan tâm thiết thực của Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo trong nước đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động quốc tế. Nhà nước luôn tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo và đáp ứng nhu cầu tinh thần tôn giáo của đồng bào có đạo.

Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo) Trần Thị Minh Nga phát biểu.

Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo) Trần Thị Minh Nga phát biểu.

Để bảo đảm thành công cho đại lễ Vesak 2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã thành lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của đại diện các cơ quan từ trung ương đến địa phương, tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ an ninh trật tự, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Các địa bàn liên quan như tỉnh Tây Ninh và một phần tỉnh Long An sẽ phối hợp triển khai hỗ trợ giao thông thuận lợi, lưu trú sinh hoạt cho tăng ni, phật tử, đại biểu trong và ngoài nước cùng các hoạt động văn hóa tôn giáo trong chuỗi sự kiện của đại lễ.

Các hoạt động hậu cần chuẩn bị cho đại lễ Vesak 2025.

Các hoạt động hậu cần chuẩn bị cho đại lễ Vesak 2025.

Hiện diện tại Việt Nam đến nay đã hơn hai nghìn năm, và từ năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Phật giáo đã phát huy vai trò trong tiến trình phát triển của đất nước và khẳng định là một phần không thể tách rời của văn hóa dân tộc.

Với tinh thần “hộ quốc, an dân”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tích cực tham gia các lĩnh vực, từ giáo dục, từ thiện, bảo vệ môi trường... Gần đây nhất, phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã sang thăm, gặp gỡ chư tăng và hỗ trợ người dân tỉnh Mandalay (Myanmar) góp phần khắc phục hậu quả nặng nề sau động đất. Hoạt động này thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật, tính kết nối và tương trợ cộng đồng Phật giáo trong khu vực.

Khảo sát, đo các cung đường cắm cờ Phật giáo tại đại lễ Vesak 2025.

Khảo sát, đo các cung đường cắm cờ Phật giáo tại đại lễ Vesak 2025.

Đây là lần thứ tư Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm và sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với chính sách tôn giáo cởi mở, bình đẳng và tiến bộ ở Việt Nam, đồng thời khẳng định rõ nét chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.

Đại lễ Vesak 2025 không chỉ là sự kiện của riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn là dịp để lan tỏa các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội, xiển dương giá trị giáo lý của Đức Phật vì hòa bình và phụng sự nhân sinh trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Lan tỏa các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Lan tỏa các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Khi tinh thần đoàn kết, khoan dung, từ bi của đạo Phật kết hợp với chính sách tôn giáo nhân văn, tiến bộ của Nhà nước, sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển hài hòa giữa tôn giáo và xã hội.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn tồn tại định kiến, xung đột tôn giáo, Việt Nam khẳng định là quốc gia có chính sách tôn giáo cởi mở và ổn định, các tôn giáo được tạo điều kiện hoạt động bình đẳng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chung của toàn dân tộc

Từ Đại lễ Vesak 2025-một sự kiện tôn giáo mang tầm quốc tế, lại thêm cơ hội để khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, góp phần xây dựng một đất nước hòa bình, nhân ái và phát triển bền vững.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dai-le-vesak-2025-lan-toa-thong-diep-hoa-binh-khang-dinh-chinh-sach-tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam-post875436.html