Đài Loan 'khát' phi công chiến đấu
Đài Loan (Trung Quốc) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt phi công quân sự để đề phòng các trường hợp khẩn cấp, trong bối cảnh căng thẳng ở eo biển leo thang.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu, có khả năng dẫn đến xung đột ở eo biển Đài Loan, là sự va chạm giữa các máy bay quân sự xuất hiện ngày càng thường xuyên gần đây.
Hầu như mỗi ngày, các phi công Đài Loan đều lái F-16, do Mỹ sản xuất, để ngăn chặn máy bay chiến đấu từ đại lục.
Các cuộc chạm trán nhằm thăm dò khả năng phòng vệ của hòn đảo, nhưng đồng thời cũng buộc phi công của cả hai bên phải tránh những sai lầm có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng mất kiểm soát.
Đại tá đã nghỉ hưu Mountain Wang nhớ lại cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài 5 phút với máy bay phản lực của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hơn một thập kỷ trước.
“Tôi phải cảnh giác cao độ, không để xảy ra bất cứ tai nạn nào với hậu quả khôn lường”, ông nói.
Rủi ro hiện nay thậm chí cao hơn, không chỉ vì Trung Quốc đang điều thêm máy bay phản lực với phi công kinh nghiệm hơn đến gần đảo chính Đài Loan, lực lượng phòng vệ hòn đảo còn phải với vấn đề dài hạn khác. Đó là tình trạng thiếu phi công trầm trọng.
Ai có thể lái máy bay?
Hôm 1/9, Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố 14 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đại lục đã bay qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan. Trong số 14 máy bay trên, 10 chiếc là tiêm kích J-11 và 4 chiếc là tiêm kích bom JH-7.
Ngoài ra, 9 máy bay khác của Trung Quốc đã bay vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan ở khu vực phía tây nam hòn đảo, bao gồm một chiếc Y-8 ASW, 5 chiếc J-16, 2 chiếc H-6 và một chiếc KJ-500.
Các cuộc xuất kích là một phần trong chuỗi hoạt động tập trận quân sự của Bắc Kinh. Kể từ đầu tháng 8, quân đội Trung Quốc đại lục thường diễn tập gần đảo Đài Loan nhằm đáp trả chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Nhưng đó chưa phải là tất cả nỗi lo đối với hòn đảo này. Đài Loan đang "khát" phi công trầm trọng.
Theo Bloomberg, với tốc độ hiện tại, hòn đảo có thể cần tới 50 năm để đào tạo đủ phi công, lấp đầy buồng lái những chiếc máy bay mà họ dự tính bổ sung vào giữa thập kỷ tới.
Nhưng Đài Loan có thể không đủ thời gian để làm như vậy. Các chỉ huy quân đội Mỹ dự đoán Bắc Kinh có khả năng hành động trên eo biển Đài Loan trong vòng 5 năm tới, và các cuộc xâm nhập hàng ngày đang làm hao mòn máy bay phản lực và phi công của hòn đảo.
Sự thiếu hụt này cho thấy giới hạn trong việc Đài Bắc phụ thuộc vào việc mua khí tài quân sự từ Mỹ. Đài Loan sẽ cần thêm ít nhất 100 phi công nữa vào năm 2026 để vận hành 66 chiếc F-16V tiên tiến của công ty Lockheed Martin mà nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã đồng ý mua hai năm trước.
Theo số liệu của phía Đài Loan, từ năm 2011 đến 2019, đảo này chỉ có thêm 21 phi công đủ khả năng và điều kiện lái tiêm kích F-16.
“Đài Loan chú trọng rất nhiều vào việc chuẩn bị quân sự. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn là ai có thể lái máy bay?”, Jang Chyi-lu, một nhà lập pháp Đài Loan cho biết.
Khó khăn của Đài Loan
Nỗ lực thu hút và đào tạo thêm phi công của Đài Loan đã bị cản trở bởi một loạt các yếu tố, từ tỷ lệ sinh của hòn đảo suy giảm cho đến những vụ tai nạn.
Quân đội Đài Loan đã chứng kiến 4 vụ rơi máy bay trong năm nay, trong đó có một vụ tai nạn liên quan đến máy bay F-16 hồi tháng 1. Vào tháng 5, một máy bay huấn luyện bị rơi, khiến phi công thiệt mạng.
Chang Yan-ting, lãnh đạo lực lượng phòng vệ trên không, nói rằng “không được đào tạo đầy đủ” là yếu tố góp phần gây ra sự cố như vậy.
“Những vụ tai nạn mà chúng ta đã thấy vài năm qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và tình hình dự kiến còn tồi tệ hơn trong tương lai”, ông Chang nói.
Không chỉ vậy, khoảng 80% sinh viên đại học ở Đài Loan bị cận thị do thời gian học trên lớp dài và tần suất sử dụng thiết bị điện tử ở mức độ cao.
Lịch trình bận rộn cũng ngăn cản các phi công có kinh nghiệm đào tạo người mới. Đài Loan yêu cầu 250 giờ huấn luyện bay trước khi một phi công có thể lái máy bay chiến đấu như F-16.
Trong khi đó, Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã báo cáo khoảng 960 máy bay của PLA vào năm 2021, so với khoảng 380 chiếc vào năm 2020.
Những cuộc chạm trán như vậy không chỉ là cách Trung Quốc phô diễn sức mạnh. Việc buộc Đài Loan phải liên tục "xua đuổi" máy bay chiến đấu được cho là sẽ làm chậm khả năng đào tạo phi công mới, và gây hao mòn khả năng phản ứng của hòn đảo trong cuộc xung đột thực sự.
Giải pháp
Đài Loan thừa nhận trong một tuyên bố rằng áp lực từ Trung Quốc là "nghiêm trọng", nhưng cho biết khả năng đáp trả của họ "chưa bao giờ giảm sút".
“Lực lượng phòng vệ trên không đang tích cực tăng cường tân binh, nâng tỷ lệ phân bổ phi công cho phi đội F-16 và tăng cường khả năng sẵn sàng có mặt của nhân viên. Những biện pháp này có thể đáp ứng nhu cầu về phi công trong tương lai”, theo tuyên bố của Lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan.
Vào tháng 3, 70% trong số 1.076 người được hỏi bởi Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Đài Loan cho biết họ sẵn sàng tham chiến để bảo vệ hòn đảo trước cuộc tấn công. Con số này cao hơn hẳn so với mức 40% vào tháng 12/2021.
Chiang Ming-chun, 18 tuổi, cho biết anh quyết tâm trở thành phi công bất chấp mối lo ngại khi căng thẳng khu vực gia tăng.
“Cha mẹ hỏi tôi tại sao không chọn binh chủng khác? Tôi nói với họ rằng đó là nguyện vọng của tôi”, Chiang, người sẽ là sinh viên năm nhất của Học viện Không quân, cho biết. “Nếu tôi không làm điều đó ngay bây giờ, tôi sẽ hối hận vì mình không theo đuổi ước mơ”.
Quyết tâm đó đã được thể hiện rõ vào tháng trước tại Cánh huấn luyện bay thứ 7 trên Căn cứ Chihhang ở phía đông thành phố Đài Đông. Căn cứ nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, sẽ “ngôi nhà mới" của những chiếc F-16V, cũng như 33 chiếc máy bay phản lực tiên tiến Brave Eagle dự kiến được phát triển tại hòn đảo vào năm 2024.
Matt Shen, một huấn luyện viên tại căn cứ, cho biết việc bộ phim "Top Gun: Maverick" (Phi công siêu đẳng Maverick) được phát hành, với cờ Đài Loan được nhìn thấy trên chiếc áo khoác của Tom Cruise, đã thu hút thêm nhiều lá đơn đăng ký mới.
“Chúng tôi nghĩ rằng việc tuyển dụng sẽ dễ dàng hơn trong hai năm tới vì Top Gun quá nổi tiếng”, Shen nói. “Nhiều thanh niên mơ ước được bay”.
Ông Shen cho biết hơn một nửa trong số 70-80 học viên hàng năm tại trung tâm đã được gửi đến khu vực tiêm kích F-16 để đối phó với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự. Cách đây vài năm, con số này chỉ bằng 1/3.
Các trường dạy bay cũng bắt đầu nhận thực tập sinh có điểm học tập thấp hơn để đảm bảo họ có được nhiều ứng viên đáp ứng được cả yêu cầu về thể chất và thị lực.
Đài Loan đã nới lỏng quy tắc yêu cầu thị lực 20/20 và cung cấp phẫu thuật mắt cho một số người muốn gia nhập.
Shen, người hướng dẫn phi công, cho biết con trai của ông cũng có kế hoạch tham gia lực lượng trên không. Ông không ngăn con trai mình đăng ký, bất chấp nguy cơ ngày càng tăng về các cuộc đụng độ nguy hiểm với máy bay quân sự Trung Quốc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-loan-khat-phi-cong-chien-dau-post1342688.html