Lực lượng phòng vệ Đài Loan (TQ) diễn tập sẵn sàng chiến đấu cùng tiêm kích tối tân F-16V với nội dung phòng thủ, chống đổ bộ tại căn cứ ở huyện Hoa Liên, phía đông hòn đảo, tối 17/8.
"Chúng tôi luôn duy trì cảnh giác, thực hiện khái niệm 'chiến trường khắp nơi và huấn luyện mọi lúc' để bảo đảm năng lực phòng thủ trong bối cảnh lực lượng đại lục liên tục diễn tập quân sự trong thời gian qua", cơ quan phòng vệ đảo Đài Loan ra thông cáo cho biết.
Hình ảnh do cơ quan phòng vệ Đài Loan công bố cho thấy kỹ thuật viên mặt đất lắp tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon, cùng tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và AIM-9 Siderwinder cho các tiêm kích F-16V trong nhà chứa kiên cố.
6 chiến đấu cơ F-16V sau đó cất cánh làm nhiệm vụ trinh sát và huấn luyện ban đêm, trong đó hai chiếc mang tên lửa.
Hình ảnh kỹ thuật viên Đài Loan lắp tên lửa cho tiêm kích F-16V trong cuộc diễn tập ở huyện Hoa Liên hôm 17/8.
Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về thông tin trên.
F-16V là phiên bản mạnh nhất hiện nay trong gia đình tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Năng lực tác chiến của loại máy bay này thậm chí vượt cả Su-35 của Trung Quốc mua từ Nga.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan đang sử dụng 144 tiêm kích F-16A/B Block 20, 55 chiếc Mirage 2000 mua từ Pháp và 129 chiến đấu cơ nội địa Ching-kuo, tất cả đều được biên chế từ thập niên 1990.
Chính quyền hòn đảo đang thực hiện dự án trị giá 5 tỷ USD nhằm nâng cấp phi đội F-16A/B lên chuẩn F-16V "Viper" hiện đại nhất thế giới với sự hỗ trợ từ Mỹ.
Kể từ sau hợp đồng bán 150 máy bay F-16 được cựu Tổng thống George H.W. Bush thông qua hồi năm 1992, Mỹ đã ngưng bán tiêm kích hiện đại cho Đài Loan nhằm tránh gây căng thẳng với Trung Quốc.
Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng hủy hợp đồng bán 66 chiếc F-16C/D Block 50 cho Đài Bắc vào năm 2011 do áp lực từ Bắc Kinh.
Chính quyền Đài Loan năm 2019 gửi cho Mỹ đề xuất được mua 66 chiến đấu cơ F-16V kèm tên lửa không đối không, không đối đất và gói huấn luyện phi công cùng hai năm bảo dưỡng máy bay trị giá 13 tỷ USD.
Sau khi cân nhắc chính quyền cựu Tổng Donald Trump đã quyết định duyệt thương vụ này bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc.
F-16V được cho là ưu việt hơn đáng kể so với các thế hệ F-16 cũ, kể cả biến thể F-16E/F Block 60 Desert Falcon thiết kế riêng cho Không quân Hoàng gia Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, đây là phiên bản mạnh nhất trước khi F-16V ra đời.
Công nghệ cốt lõi mang lại sức mạnh cho Viper nằm ở radar mảng pha quét chủ động (AESA) AN/APG-83.
Radar này có độ tin cậy cao hơn nhiều, đi kèm tầm hoạt động xa gấp 2 lần con số 296 km của AN/APG-68 của F-16C/D Block 60.
Ngoài ra, các chùm tia điện tử được truyền đi trên nhiều tần số khác nhau sẽ khiến đối phương rất khó phát hiện cũng như thực hiện biện pháp gây nhiễu, giúp máy bay có thể bí mật tung đòn tấn công ở cự ly an toàn.
Ngoài khả năng mang tất cả các loại tên lửa, bom tiên tiến nhất, F-16V Viper còn được bổ sung pod ngắm bắn Sniper, nó sẽ tự động phát hiện, theo dõi mục tiêu cũng như cung cấp tọa độ GPS để dẫn đường cho vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm.
Hầu hết các thiết bị cơ điện trong buồng lái của F-16V đã được thay thế bởi một màn hình hiển thị đa năng do chi nhánh tại Mỹ của Elbit Systems sản xuất.
Ngoài ra, những chiếc F-16 Viper của Đài Loan còn có thêm một tính năng đáng lưu tâm khác, đó là nó được nâng cao khả năng tàng hình nhờ lớp phủ radar HAVE GLASS II (RAM).
Đây là một công nghệ cao cấp chỉ được Mỹ chia sẻ cho một vài đồng minh thân thiết, máy bay với lớp phủ HAVE GLASS II sẽ giảm được diện tích phản xạ radar đi 20 - 30%, kết hợp cùng radar AESA khiến nó thấy trước và bắn trước kẻ thù.
F-16V Viper theo đánh giá có năng lực chiến đấu không thua gì những máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 hiện nay như Su-35 của Nga, JAS 39E/F của Thụy Điển hay Eurofighter Typhoon của châu Âu.
Việt Hùng