Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ: Nhật chọn bên nào?
Trung Quốc và Nhật đã gạt bỏ sự ngờ vực và hiềm khích lịch sử trong buổi đầu đại dịch COVID-19, nhưng gần đây, căng thẳng giữa hai nước lại nhanh chóng leo thang.
Theo tờ South China Morning Post, trong khi Trung Quốc và Nhật gạt bỏ sự ngờ vực và hiềm khích lịch sử trong những ngày đầu của đại dịch qua việc Tokyo gửi những thùng khẩu trang đến Trung Quốc kèm dòng thơ hàm ý cùng nhau chia sẻ khó khăn, trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa hai quốc gia lại nhanh chóng leo thang.
Nhật phá vỡ quan điểm trung lập về vấn đề Đài Loan?
Theo SCMP, trong những tuần gần đây, sau khi một số quan chức cấp cao của Nhật phá vỡ quan điểm trung lập truyền thống của Tokyo để thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan, khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận, các nhà quan sát Trung Quốc đang đặt câu hỏi liệu Nhật có chọn đứng về một bên hay không.
“Định hướng chiến lược của Nhật đã thay đổi kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Để làm hài lòng Mỹ, Nhật đã thổi bùng xung đột về Biển Hoa Đông và nhấn mạnh nhiều hơn vào sự khác biệt của họ với Trung Quốc về các giá trị an ninh và dân chủ” - ông Hu Jiping - Phó chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc - cho biết.
Gần đây, các quan chức Nhật ngày càng lên tiếng ủng hộ Đài Loan khi Bắc Kinh gia tăng áp lực lên hòn đảo, bao gồm việc thường xuyên đưa máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của họ.
Trong tháng này, Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso cho biết nước này sẽ cùng với Mỹ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị Trung Quốc tấn công và coi cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan là một mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh của Tokyo.
Trong một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ ra vấn đề an ninh của Đài Loan là ưu tiên của họ, kêu gọi "hòa bình và ổn định" tại hòn đảo này. Nhật cũng nêu quan ngại về eo biển Đài Loan trong sách trắng quốc phòng được công bố hôm 13-7.
“Ổn định tình hình xung quanh Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật và sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Do đó, chúng ta cần phải chú ý đến tình hình khu vực bằng sự cảnh giác đối với khủng hoảng. Cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan đang nghiêng về phía Trung Quốc và khoảng cách dường như đang tăng lên qua từng năm” - trích sách trắng quốc phòng Nhật.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Nhật khẳng định không có thay đổi nào về chính sách đối với Đài Loan. Một quan chức quốc phòng cho biết không giống như Mỹ và các đồng minh châu Âu, Nhật sẽ không xem Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh nhưng lo ngại về việc xây dựng quân đội của họ.
Ông nói: “Chúng tôi đã tiến hành phân tích về khả năng của Trung Quốc trong sách trắng, đặc biệt là về tên lửa đạn đạo, năng lực hạt nhân và tình hình trên Biển Đông”.
Bắc Kinh từ lâu đã coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và sẽ dùng mọi cách để khiến Đài Loan trở về với đại lục kể cả việc sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
Quan hệ Trung - Nhật: “nóng về kinh tế, lạnh về chính trị”
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật thường được mô tả là “nóng về kinh tế, lạnh về chính trị”, phản ánh thực tế rằng quan hệ kinh tế ngày càng tăng đã không khiến quan hệ chính trị giữa hai quốc gia chặt chẽ hơn. Theo ông Hu, việc Tokyo phản đối Bắc Kinh gần đây cho thấy Nhật có thể sẵn sàng hy sinh các mối quan hệ kinh tế đó để có lợi cho hợp tác an ninh với Mỹ.
Từ lâu, Trung Quốc và Nhật đã có những tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông do Nhật kiểm soát (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Ngoài ra, việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh hồi tháng 1 phép lực lượng tuần duyên của họ nổ súng chống các tàu nước ngoài đã làm dấy lên lo ngại ở Nhật.
Theo SCMP, Bắc Kinh đã kiềm chế trước những phát biểu gần đây của Tokyo. Phần lớn những lời chỉ trích của Bắc Kinh đều nhắm vào quyết định của Tokyo về việc xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.
Theo tờ Financial Times, Mỹ và Nhật đã tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan.
Nhật cũng đang tiến tới tăng cường quan hệ quân sự và ngoại giao với các cường quốc tầm trung khác như Anh và Đức. Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi cho biết lần đầu tiên nước này sẽ cùng tập trận với Anh ở vùng biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi.
Ông Kishi cho biết nhiệm vụ trọng tâm của các cuộc tập trận này sẽ là chống cướp biển, nhưng một quan chức quốc phòng Nhật khác cho biết việc này cũng nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/dai-loan-trung-quoc-va-my-nhat-chon-ben-nao-1001874.html