Đài Loan trước nguy cơ bị 'mắc kẹt' trong giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc

CNN đăng tải, chưa đầy 24 giờ sau khi Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar đặt chân xuống Đài Loan trong chuyến công du lịch sử thể hiện sự ủng hộ của Washington với Đài Bắc, Trung Quốc đã kịp đưa ra thông điệp của mình.

Vào sáng thứ Hai (10/8), cùng thời điểm ông Azar thăm thú thành phố Đài Bắc, một số phi cơ chiến đấu Trung Quốc đã bay qua đường ranh giới hiện trạng trên biển phân chia Đài Loan với đại lục Trung Quốc. Vài ngày sau đó, quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn tại vùng biển gần Đài Loan. Những động thái này được truyền thông Trung Quốc miêu tả là lời "cảnh báo" tới những ai đang tìm kiếm sự độc lập cho hòn đảo.

Mỹ luôn duy trì mối quan hệ thân thiết với Đài Loan, tuy nhiên cho tới gần đây, Washington vẫn tránh thể hiện thái độ trực tiếp để không làm "mếch lòng" Bắc Kinh. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và thề sẵn sàng dùng vũ lực để khẳng định điều đó.

Bộ trưởng Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ từng tới thăm Đài Loan kể từ năm 1979. Chuyến đi là sự kiện mới nhất trong loạt động thái gây chú ý của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đưa Mỹ tới gần hơn với Đài Bắc.

"Thông điệp gửi tới Bắc Kinh là chúng tôi có một đối tác tại Mỹ và Mỹ có tình hữu nghị tại Đài Loan", người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu trả lời phỏng vấn CNN ngày 12/8.

Ông Wu cho hay, mặc dù "rất quan ngại" về những hành động của chính quyền Trung Quốc trong những tháng gần đây hướng vào cả Đài Loan và các láng giềng trong khu vực, nhưng ông vẫn tin tưởng, Đài Bắc có thể giữ cho quan hệ với Bắc Kinh và Washington được tách rời nhau.

"Mỹ công khai nói… quan hệ của họ với Đài Loan không phụ thuộc vào quan hệ của họ với bất kỳ ai", ông Wu chia sẻ. "Chúng tôi luôn đối mặt với lời đe dọa từ Trung Quốc và kể cả khi quan hệ giữa Đài Loan với Mỹ là tốt hay xấu, thì mối đe dọa vẫn còn đó".

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: getty)

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: getty)

Tuy nhiên, do các nỗ lực thu hẹp khoảng cách của Washington diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần như chắc chắn sẽ gây thêm bất ổn cho mối quan hệ Mỹ-Trung, Đài Loan có thể bị vướng vào một tình thế bấp bênh với Trung Quốc.

Chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học Seton Hall là Maggie Lewis ví von, "điều Đài Loan cần từ Mỹ là một cuộc hôn nhân ổn định chắc chắn chứ không phải là một mối quan hệ lãng mạn nóng bỏng".

Không ngạc nhiên khi Trung Quốc bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước chuyến công du của Bộ trưởng Azar. "Tôi muốn nhấn mạnh, nguyên tắc Một Trung Quốc được cộng đồng quốc tế công nhận trên toàn cầu. Bất kỳ nỗ lực nào bỏ qua, từ chối hoặc thách thức nguyên tắc đó đều sẽ thất bại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin tuyên bố ngày 5/8.

Theo nhiều chuyên gia, phản ứng của Bắc Kinh đối với chuyến thăm của ông Azar vẫn còn khá kiềm chế. "Nhưng không nên hiểu nó như là sự chấp nhận của Bắc Kinh trước quan hệ Mỹ-Đài được cải thiện", giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế của Đại học Bucknell Zhiqun Zhu đánh giá. "Hiện tôi không làm gì không có nghĩa là tôi sẽ không làm gì trong tương lai".

Tình thế khó khăn của Đài Loan

Chính quyền Đài Loan được cho là rất "quan ngại" về khả năng tuột dốc trong quan hệ với Trung Quốc. Giới chức Đài Bắc không hy vọng Bắc Kinh sẽ sử dụng Đài Loan như một lý do để làm chệch hướng dư luận khỏi các vấn đề kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng tại đại lục.

"Từ góc nhìn của Đài Loan, mối quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ càng tốt đẹp, Đài Loan sẽ càng được bảo vệ", ông Joseph Wu nói.

Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 5/2020 do Pew Research tổ chức, 79% người dân Đài Loan được hỏi ủng hộ quan hệ thân cận hơn với Washington và chỉ 36% bày tỏ ý thái độ tương tự về thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho thấy, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và cộng sự đang cảnh giác trước việc hướng tới Mỹ một cách quá nhanh chóng hoặc khả năng bị mắc kẹt trong những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc.

Trong một bài phát biểu trước chuyến thăm của Bộ trưởng Azar, bà Thái từng nhấn mạnh, giữa mối quan hệ Mỹ-Trung đang tuột dốc, Đài Loan "không được khuất phục trước áp lực".

"Nhưng chúng ta cũng không nên tiến tới quá vội vàng trước sự ủng hộ", bà Thái ám chỉ rằng, Đài Loan nên thận trọng trong quan hệ với Bắc Kinh cho dù Washington đang công khai bày tỏ tinh thần đoàn kiết Mỹ-Đài.

Ông Joseph Wu thừa nhận, Đài Loan muốn tránh đối đầu với Bắc Kinh. "Chúng tôi có chiến lược riêng khi đối phó với Trung Quốc và chiến lược của đó là chúng tôi không muốn bị rơi vào một tình huống mà Đài Loan trở thành một mục tiêu", ông chỉ ra. "Chúng tôi không muốn khiêu khích Trung Quốc".

Theo các học giả, thực chất Đài Loan không có nhiều lựa chọn. Giám đốc Viện Trung Quốc của Trường SOAS London là Steve Tsang phân tích, hòn đảo hầu như không còn bạn bè quốc tế nào và hiện đang đối mặt với một chính phủ Trung Quốc cứng rắn. Vì thế, họ chỉ có thể tìm tới Mỹ.

"Đài Loan đang ở trong một tình thế rất khó khăn. Mỹ là chính phủ duy nhất công khai ủng hộ họ", ông Tsang cho hay. "Vì thế họ chỉ có thể hợp tác với bất kỳ chính quyền nào tại Washington".

Hậu tháng 11

Giới chuyên gia nhận xét, tất cả những quyết định gần đây của Mỹ khiến Trung Quốc giận dữ như tiến gần hơn tới Đài Loan, đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và cấm các ứng dụng Trung Quốc hoạt động tại Mỹ…, gần như được đưa ra nhằm giúp ông Trump tái đắc cử vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, không gì có thể đảm bảo lập trường này sẽ được duy trì sau khi bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc vào tháng 11 – cho dù ông Trump có chiến thắng hay không.

Giáo sư Zhu từ Đại học Bucknell nói, một mối quan hệ đối kháng lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không tiếp diễn sau tháng 11 bởi vì hai nước cần phải bắt tay với nhau trong nhiều vấn đề kinh tế và an ninh.

"Đài Loan cần phải nghĩ về điều đó…. Những gì họ đang làm có thể có ý nghĩa từ lập trường của họ, nhưng chúng có phục vụ cho lợi ích của Đài Loan về lâu dài hay không?", ông Zhu đặt câu hỏi.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dai-loan-truoc-nguy-co-bi-mac-ket-trong-giang-co-giua-my-va-trung-quoc-20200816092127153.htm