Dải mây gây mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc có tràn sang Việt Nam?
Dải mây Front Mei-yu đang gây mưa lịch sử ở Trung Quốc chỉ xuất hiện trong phạm vi nhất định, không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác.
Hơn 1 tháng qua, Trung Quốc gồng mình gánh chịu hậu quả của đợt mưa lũ lịch sử chưa biết bao giờ kết thúc. Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, tác động của dải mây hội tụ có tên Front Mei-yu là nguyên nhân chính gây ra đợt mưa này.
Dải mây này có di chuyển xuống phía nam và tác động đến các hình thái thời tiết của nước ta, nhất là khi mưa lũ đang có xu hướng phức tạp ở các tỉnh miền núi phía bắc là vấn đề nhiều người quan tâm.
Front Mei-yu không di chuyển xuống phía nam
Trao đổi với Zing, ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bác bỏ khả năng dải mây hội tụ Front Mei-yu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Chuyên gia này giải thích rằng dải mây đang gây mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc và Nhật Bản là hình thế đặc trưng của khu vực này. Đây là hình thái thời tiết điển hình, không phải tự nhiên xuất hiện rồi biến mất.
Ông Long nói mỗi một khu vực có một loại hình thái hoạt động đặc trưng. Các dải hội tụ như Front Mei-yu chỉ xuất hiện trong phạm vi nhất định, không thể di chuyển từ vùng này sang vùng kia.
"Sự tác động của dải mây này đến thời tiết Trung Quốc là quy luật bình thường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hình thái gây mưa có thể ngày càng trở nên cực đoan hơn, điều này rất khó để dự báo trước", Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói và một lần nữa khẳng định các dải mây gây mưa lịch sử ở Trung Quốc không thể ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ông Long cũng dẫn ra những số liệu trong quá khứ khi lũ lớn trên lưu vực sông Lý Tiên, sông Nguyên của Trung Quốc chảy truyền về đã gây lũ bất thường trên sông Đà và sông Thao như năm 2008, 2015, 2018.
Tuy nhiên, lũ xuất hiện không đồng bộ. Khi truyền về lãnh thổ Việt Nam, dòng sông được mở rộng, dòng chảy lũ có tổn thất và bẹt sóng lũ. Các đợt lũ này không gây lũ lớn trên toàn lưu vực sông Hồng.
Lũ lớn trên mức báo động 3 ở lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ hình thành khi xuất hiện tổ hợp nhiều hình thế thời tiết gây mưa lớn (như bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, rãnh áp thấp…) kết hợp với nền chân lũ ở mức cao trong nhiều ngày.
Do đó, dòng chảy lũ từ Trung Quốc không đóng góp nhiều trong sự hình thành lũ lớn trên lưu vực sông Hồng nhưng sẽ làm gia tăng mức độ phức tạp diễn biến lũ trên nền lũ cao đã được hình thành từ trước.
Nguy cơ về mưa lũ cực đoan
Tại hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc mới đây, ngành khí tượng thủy văn nhận định lượng mưa trong tháng 9 ở miền Bắc sẽ cao hơn 15-30% so với nhiều năm trước.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây là con số của một hiện tượng rất đáng lưu ý, nếu đặt trong bối cảnh 2/3 số tỉnh của Trung Quốc đang có mưa lớn lịch sử.
Ông Cường lo ngại khu vực miền núi phía bắc đang chịu tổn thương của rất nhiều loại hình thiên tai, trong đó có động đất. Đây là vùng bị tổn thương nghiêm trọng bởi 2 cực mùa hạ khô kiệt ở tầng đất mặt và mùa lũ diễn ra liên tục.
"Tổn thương 5 năm qua dồn lại đến bây giờ khiến các thảm sinh học vốn đã rất cân bằng giờ bị phá vỡ hết cấu trúc. Tới đây, tất cả các yếu tố có thể cộng hưởng lại, cho thấy nguy cơ cao về mùa mưa lũ cực đoan ở miền Bắc", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Cung cấp thêm các thông tin về mùa mưa lũ năm nay, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết nhiệt độ mặt nước ở khu vực có hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở vùng xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn có khả năng duy trì trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh trong những tháng cuối năm.
Do tác động của pha lạnh nên thời tiết, khí hậu ở nước ta có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, mưa bão có khả năng gia tăng hơn từ mùa thu năm nay.
Theo nhận định chung, tổng lượng mưa các tháng có xu thế ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy mưa lớn trong một thời gian ngắn mới có thể gây nên những trận lũ lớn và đặc biệt lớn.
"Với những diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay và tình hình mưa lũ đang xảy ra ở các tỉnh phía nam Trung Quốc cho thấy sự phức tạp của mùa mưa lũ năm nay ở khu vực Bắc Bộ nói riêng, trên toàn quốc nói chung. Nguy cơ về xuất hiện lũ lớn luôn tiềm ẩn và cần được theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thường xuyên", ông Khiêm cho biết.
Hiện, nhận định mới nhất của cơ quan khí tượng cho thấy đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7-10/2020 phổ biến ở mức báo động 1, báo động 2 (cao hơn năm 2019). Riêng trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông Thái Bình đạt ở mức dưới báo động 1.
Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt là khu vực Tây Bắc. Những đợt mưa lớn được dự báo diễn ra nhiều hơn trong tháng 8 và tháng 9.
Cùng với sự tác động của những hình thái trên Biển Đông như áp thấp nhiệt đới và bão, mưa lũ sắp tới ở miền Bắc đang là một trong những thách thức lớn của hệ thống phòng chống thiên tai từ cấp Trung ương đến địa phương.