Đài Phát thanh Giải phóng - Âm vang thời khắc lịch sử
Vào thời điểm 'một ngày bằng 20 năm', mọi sự chỉ đạo nhanh nhất và rộng khắp nhất không gì bằng làn sóng phát thanh. Đài Phát thanh Giải phóng vinh dự được cất cao tiếng nói của Đảng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chuyển mọi thông điệp đến đối phương và sẵn sàng dập tắt luận điệu lạc lõng lâu nay của quân thù để biến thành tiếng nói chân chính và đầy khí thế cách mạng, tiếng nói của Sài Gòn giải phóng.
Binh chủng đặc biệt tiến về Sài Gòn
Được xây dựng trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn ở chiến khu Đ vào những năm 1960 khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, Đài Phát thanh Giải phóng chính thức lên sóng vào tháng 2/1962. Mặc dù địch điên cuồng tìm mọi cách tiêu diệt nhưng với tinh thần quả cảm, sáng tạo, Đài Phát thanh Giải phóng vẫn giữ vững làn sóng, trở thành người bạn gần gũi, tin cậy, nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam.
Những thông tin được phát trực tiếp từ chiến trường bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài đã truyền đi thông điệp với cả thế giới về khát vọng hòa bình và độc lập, thống nhất Tổ quốc, đồng thời vạch trần những âm mưu, tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Những ngày tháng tư năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã bước vào giai đoạn then chốt, Sài Gòn – sào huyệt cuối cùng của địch hầu như bị vây chặt bốn bề. Ngày 26/4, một đoàn quân tiền phương của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, trong đó có Đài Phát thanh Giải phóng đã khẩn trương lên đường tiến về Sài Gòn. Họ không phải là những người cầm súng nhưng là một binh chủng đặc biệt.
Ngày 28/4, những trận pháo kích mở màn trận quyết chiến ngay cửa ngõ Sài Gòn, cùng lúc quân Sài Gòn tháo chạy khỏi Biên Hòa và những trận đánh xe tăng dữ dội nhất tràn ngập căn cứ thiết giáp địch ở Long Thành, trên sóng Đài Phát thanh Giải phóng phát đi tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam buộc chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận yêu sách của chính phủ cách mạng đề ra.
Ngày 29/4, trong khi cuộc chiến trên làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng vẫn được duy trì liên tục, đoàn tiền phương của Đài do đồng chí Thanh Nho dẫn đầu vẫn khẩn trương trên những chiếc xe com măng ca, xe vận tải Zin từ chiến khu hướng về Sài Gòn. Sứ mệnh đặt trên vai họ vô cùng quan trọng và hết sức nặng nề.
Vì tầm quan trọng của nhiệm vụ tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn, từ đầu tháng 4, Trung ương đã chi viện các nhóm chuyên viên kỹ thuật và phóng viên được trang bị đầy đủ phương tiện như một đài phát thanh lưu động đã xuất phát từ Hà Nội vào miền Nam hợp lực cùng với Đài Phát thanh Giải phóng.
Ông Nguyễn Hữu Phước vẫn nhớ rõ ngày đặc biệt năm xưa, khi ông là một chiến sĩ của Đài Giải phóng đang hướng về Sài Gòn: “Chúng tôi nhất định phải bảo đảm tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn và toàn bộ cơ sở thông tin – tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn trọn vẹn, phát sóng liên tục, tuyên truyền rộng khắp.
Cả nước và thế giới đang hướng về đây và chăm chú lắng nghe. Số phận của chế độ Sài Gòn kết thúc thế nào sẽ được biết từ đây. Vấn đề kỹ thuật, tình huống xấu nhất không thể phát đi từ Sài Gòn… Có nhiệm vụ lớn lao nào hơn đặt lên vai chúng tôi. Tiếp quản Sài Gòn chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là tiếp quản trọn vẹn để từ đó cất lên tiếng nói toàn thắng của cách mạng”.
9 giờ 30 phút ngày 30/4, người ta nghe thấy trên Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi liên tục lời tuyên bố đơn phương của Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn và chờ cách mạng vào bàn giao chính quyền. Kèm theo đó là lời của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng tham mưu trưởng Quân lực Sài Gòn thay mặt tổng thống yêu cầu các đơn vị quân đội Sài Gòn buông súng…
10 giờ 45 phút, xe tăng của Lữ đoàn 203 Quân giải phóng hất tung cổng sắt Dinh độc lập. 11 giờ 30 phút, Quân đội tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn và sau đó phát đi lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh.
Trong ngày 30/4, việc di chuyển vào trung tâm Sài Gòn trở nên khó khăn bởi sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, người dân từ khắp nơi đổ ra đường chào đón Bộ đội giải phóng, kéo dài từ Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn cho tới ngã tư Bảy Hiền. Đoàn của Đài Phát thanh Giải phóng phải tản ra mỗi xe một hướng. Tiến thêm một bước về tới Sài Gòn thì dòng người mỗi lúc một đông thêm, đoàn xe nhích chậm chạp từng chút một.
Đoàn tập trung ở Đại học Bách khoa rồi thẳng tiến về Đài Phát thanh Sài Gòn ở đường Nguyễn Đình Chiểu. Vì lạc đường, mãi đến hơn 19 giờ đoàn mới bắt đầu sắp xếp cho buổi phát thanh. Đài Phát thanh Sài Gòn được đổi thành Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng (ngày 1/9/1976 được đổi thành Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh). Hai phát thanh viên Nguyễn Hữu Phước và Vương Thanh Liêm được chọn lên sóng cho buổi phát thanh đặc biệt tối 30/4.
Thời điểm tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn không có kho băng mà chỉ gán ghép tạm bợ. Hệ thống máy móc của Đài cũng không phải hiện đại và tốt. Đài sử dụng băng ma-nhê, còn thời sự thì đọc thẳng, vì có những bản tin không thu kịp.
Tuy nhiên, không ai bảo ai, tất cả đều hạ quyết tâm nhanh chóng tiếp quản và đảm bảo tiếng nói đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam được vang xa, rộng khắp với đồng bào cả nước và trên thế giới. Cuối cùng, mọi công đoạn chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng của lịch sử đã hoàn tất. Đầu băng thu sẵn được đặt vào phát, nhạc hiệu và câu chào hiệu vang lên hứng khởi, đầy rạo rực.
Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng
Đúng 20 giờ ngày 30/4/1975, phát thanh viên Vương Thanh Liêm cất cao giọng đọc: “Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng - Phát thanh từ Sài Gòn-Tiếng nói của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…”.
Phát thanh viên Nguyễn Hữu Phước tiếp lời bằng những thông báo đầu tiên của chính quyền cách mạng, chính sách đối với vùng mới giải phóng, thông tin chiến sự... Giọng của hai phát thanh viên thật hùng hồn, truyền cảm, kịp thời thông báo tới cả thế giới và toàn quốc biết được kết cục của cuộc kháng chiến kéo dài hơn 30 năm đã chấm dứt. Sài Gòn thật sự được giải phóng.
5 giờ sáng ngày 1/5, chương trình tiếp tục lên sóng phản ánh không khí đón mừng chiến thắng… Các chương trình phát thanh đã góp phần nhanh chóng ổn định tình hình tại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Nhớ lại ngày đầu tiên đầy khó khăn, ông Cao Xuân Phách vẫn bùi ngùi: “Khi đó tôi là phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng về thành phố tiếp quản đài sớm nhất. Công việc lúc bấy giờ là chuẩn bị cho một bản tin thời sự. Thông tin các nơi bắt đầu thành lập chính quyền cách mạng ra làm sao, thông tin bà con ta về thành phố, người bị thương được chăm sóc như thế nào ở các bệnh viện...”.
Ông Nguyễn Hữu Phước, con trai của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, lúc này là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau giải phóng là Quyền Chủ tịch nước thì giây phút ấy, trái tim ông Phước như thắt lại trong lồng ngực. Ông thổn thức xúc động khi được chọn là phát thanh viên xướng lên bản tin đầu tiên vào thời khắc đất nước thống nhất.
Còn với bà Vương Thanh Liêm, những năm tháng hòa bình sau này, mỗi khi có ai gợi lại ký ức về giây phút được cất cao giọng đọc trong veo, ngọt từng lời từng chữ trên làn sóng phát thanh giải phóng, bà luôn rưng rưng tràn lệ. Cho đến những ngày cuối cuộc đời, bà Liêm vẫn ôm trọn một niềm hạnh phúc và tự hào về thời khắc thiêng liêng của dân tộc.