Đại sứ Ấn Độ: New Delhi dẫn đầu chiến dịch tiêm chủng toàn cầu ngừa COVID-19
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma chia sẻ vơívề năng lực dẫn đầu của cường quốc Nam Á này trong chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19.
Khi thế giới tiếp tục chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19, những nỗ lực toàn cầu ngày càng tập trung vào việc phát triển vaccine. Ấn Độ, từ lâu được xem là “Nhà thuốc của Thế giới”, đang đi đầu trong những nỗ lực này.
Ngày 16/1, New Delhi đã phát động đợt tiêm chủng lớn nhất thế giới từ trước đến nay, với 2 loại vắc xin “Made in India” để chống dịch COVID-19. Theo đó, trong giai đoạn đầu, 300 triệu người thuộc diện ưu tiên cao (hầu hết là nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe, người cao tuổi và những người mắc bệnh hiểm nghèo) được tiêm vaccine phòng bệnh. Cụ thể, hơn 2 triệu người đã được tiêm chủng ngừa COVID-19 trong 11 ngày đầu tiên của chiến dịch, nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Hôm 28/1, tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về chương trình nghị sự Davos của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định: “Hai loại vaccine “Made in India” đã được giới thiệu với thế giới, và nhiều loại vaccine khác sẽ tiếp tục được sản xuất và có sẵn tại Ấn Độ”.
Hiện tại, một trong 2 loại vaccine đang sử dụng ở Ấn Độ là Covishield, được phát triển bởi Đại học Oxford và AstraZeneca, được sản xuất bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ, công ty sản xuất vaccine lớn nhất thế giới có trụ sở tại Pune.
Loại vaccine thứ hai là Covaxin, hoàn toàn xuất xứ bản địa, được phát triển và sản xuất bởi Công ty dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ, có trụ sở tại khu vực Hyderabad. Ngoài ra, hiện có ít nhất 4 loại vaccine ứng cử viên khác đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau ở Ấn Độ.
Chương trình tiêm chủng chống lại COVID-19 của Ấn Độ tiếp tục khẳng định danh tiếng vững chắc của quốc gia này với tư cách là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Trong đó có các hoạt động nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ, cùng hệ sinh thái phát triển tốt liên kết các khu vực công và tư. Các học viện và ngành công nghiệp để không ngừng thúc đẩy đổi mới.
Ngày nay, hơn 60% sản lượng vaccine toàn cầu đến từ Ấn Độ. New Delhi cung cấp 1,5 tỷ liều vaccine hàng năm cho hơn 150 quốc gia. Ấn Độ cũng là nhà cung cấp vaccine DPT, BCG và bệnh sởi lớn nhất toàn cầu. Năng lực vaccine của Ấn Độ và khả năng cung cấp vaccine an toàn, với chi phí thấp một cách nhanh chóng, đã được các cơ quan y tế toàn cầu cũng như các tổ chức khác tận dụng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mua 70% vaccine tiêm chủng thiết yếu từ Ấn Độ. Trong đó Sáng kiến vắc xin toàn cầu (GAVI) và Quỹ Gates đều cung cấp vaccine số lượng lớn được sản xuất ở Ấn Độ.
Đề cập đến khả năng dược phẩm của Ấn Độ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gần đây lưu ý rằng, năng lực sản xuất vắc xin của Ấn Độ là một trong những tài sản tốt nhất mà thế giới có hiện nay. Bên cạnh đó, Ấn Độ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Ấn Độ cũng là nước đi đầu trong việc cung cấp vaccine hiệu quả. Toàn bộ dây chuyền cung cấp vaccine đã được số hóa thông qua Mạng lưới vắc xin điện tử thông minh (eVIN). Bản thân việc triển khai vaccine COVID-19 đang được giám sát thông qua Mạng lưới vaccine COVID-19 kỹ thuật số (Co-WIN). Mạng này sẽ được sử dụng để lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá chiến dịch.
Đại dịch COVID-19 đã nêu bật vị thế của Ấn Độ như một đối tác đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe toàn cầu với thế mạnh chính về sản xuất, nghiên cứu và phát triển, cộng với đổi mới. Điều này được chứng thực bằng việc Ấn Độ đã cung cấp những lô thuốc hỗ trợ cho gần 150 quốc gia trên khắp các châu lục để giúp họ kiểm soát tác động của COVID-19.
Thủ tướng Modi khẳng định: “Năng lực sản xuất và phân phối vaccine của Ấn Độ sẽ được sử dụng vì lợi ích của toàn nhân loại”. Được dẫn dắt bởi tầm nhìn đó, vaccine COVID-19 của Ấn Độ đang được vận chuyển đến nhiều nước trên thế giới, củng cố thông điệp rằng Ấn Độ vẫn sẵn sàng gánh vác trách nhiệm toàn cầu với tư cách là một đối tác đáng tin cậy.
Ngoài ra, Ấn Độ sẽ cung cấp 10 triệu liều vaccine cho châu Phi và 1 triệu liều cho các nhân viên y tế của Liên Hợp Quốc dưới chương trình COVAX của GAVI. Việc cung cấp vaccine miễn phí cho các quốc gia khác nhau cũng đang được thực hiện theo từng giai đoạn. Hơn nữa, Ấn Độ đang giúp nhiều quốc gia phát triển cơ sở hạ tầng để tiêm chủng thành công.
Đợt tiêm phòng của Ấn Độ chống lại COVID-19 cũng tái khẳng định tầm nhìn của Thủ tướng Modi về “Atmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự cường). Đồng thời nhấn mạnh nỗ lực của Ấn Độ trong việc xây dựng năng lực tại quê nhà, để trở thành đối tác hiệu quả hơn cho cộng đồng toàn cầu.
Thông điệp của Ấn Độ rất đơn giản: Bất cứ nơi nào Ấn Độ có khả năng, lợi ích sẽ đến với toàn thế giới.