Đại sứ Bỉ: Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde rất thân thuộc và trân trọng Việt Nam

Trở lại Việt Nam trên cương vị mới bằng chuyến thăm cấp Nhà nước, Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde rất thân thuộc, trân trọng đất nước và con người Việt Nam.

Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ từng thăm Việt Nam vào tháng 3/2012 khi còn là Thái tử và Công nương.

Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ từng thăm Việt Nam vào tháng 3/2012 khi còn là Thái tử và Công nương.

Trở lại đất nước hình chữ S

Chia sẻ với báo giới trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31/3-4/4 của Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche nhấn mạnh đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên đến Việt Nam của Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde.

Tuy nhiên, trước đây, Nhà vua Philippe từng đến thăm Việt Nam vào các năm 1993, 2003 và 2012 với tư cách là Thái tử Philippe, còn Hoàng hậu Mathilde đã đến Việt Nam năm 2012 với tư cách Công nương Bỉ và năm 2023 với tư cách Chủ tịch danh dự Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Bỉ.

"Điều này cho thấy Hoàng gia Bỉ rất thân thuộc, trân trọng đất nước và con người Việt Nam", Đại sứ Karl Van Den Bossche nói.

Theo Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, chuyến thăm diễn ra trong bầu không khí thân tình và ấm áp khi hai nước vừa bước qua dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973-22/3/2023) và đang mở ra một chặng đường mới của nửa thế kỷ tiếp theo.

Ông đặc biệt lưu ý việc Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ chỉ thực hiện một hoặc hai chuyến thăm cấp Nhà nước mỗi năm, bao gồm một nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và một nước ngoài khối. Việc Việt Nam được chọn là điểm đến ngoài EU năm nay thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam đối với Bỉ.

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche. (Ảnh: Thu Trang)

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche. (Ảnh: Thu Trang)

Do tính chất đặc biệt của chuyến thăm, tháp tùng Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde có gần 150 đại biểu cấp cao, thành viên Hoàng gia, quan chức, doanh nghiệp... Đặc biệt, đoàn có sự góp mặt của 5 Bộ trưởng, bao gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Maxime Prevot; Bộ trưởng, Chủ tịch vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort; Bộ trưởng, Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Elisabeth Degryse; Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Wallonia Adrien Dolimont và Bộ trưởng Brussels của chính quyền vùng Flanders Cieltje Van Achter.

Đáng chú ý, sự hiện diện đầy đủ của các vị Thủ hiến 3 vùng chính của Bỉ, gồm: Flanders (nói tiếng Hà Lan), Wallonia (nói tiếng Pháp) và Brussels (Thủ đô, song ngữ), cho thấy sự đa dạng của đoàn cấp cao Bỉ cũng như mối quan tâm đặc biệt tới Việt Nam.

Bên cạnh các quan chức, tháp tùng Nhà vua và Hoàng hậu còn có 34 giám đốc điều hành các công ty lớn nhỏ và 16 đại diện các trường học của Bỉ.

Với quy mô của đoàn, Đại sứ Bỉ mong rằng, hai bên sẽ đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, ký kết nhiều văn bản hợp tác trong chuyến thăm, dự kiến bao gồm 4 văn kiện cấp cao tại Phủ Chủ tịch, 21 văn kiện khác tại các địa điểm của Hà Nội và 9 văn kiện tại TP Hồ Chí Minh.

Đại sứ Karl Van Den Bossche nhấn mạnh mục đích và ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde. (Ảnh: Minh Thư)

Đại sứ Karl Van Den Bossche nhấn mạnh mục đích và ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde. (Ảnh: Minh Thư)

4 lý do để lựa chọn Việt Nam

Lý giải về việc Hoàng gia Bỉ lựa chọn điểm đến là Việt Nam cho chuyến thăm cấp Nhà nước, Đại sứ Karl Van Den Bossche nêu bật 4 lý do.

Một là, Bỉ là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973. Hai nước đang khởi đầu hành trình 50 năm tiếp theo và chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ thể hiện mong muốn củng cố và tăng cường mối quan hệ song phương hơn 5 thập kỷ với Việt Nam.

Hai là, sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc của Việt Nam như một con hổ châu Á mới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều công ty Bỉ.

Đồng thời, Việt Nam đang nỗ lực phát triển bền vững với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trên hành trình đó của Việt Nam, Bỉ mong muốn đồng hành và hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, sạch và logistics thông minh.

Ba là, sự tương đồng khi cả hai nước đều ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và tích cực tham gia, đóng góp vào các thể chế khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN và EU.

Trong lịch sử, hai nước đều trải qua những cuộc chiến tranh. Bỉ là nơi đầu tiên trên thế giới chịu ảnh hưởng của vũ khí hóa học trong Thế chiến I, trong khi Việt Nam cũng gánh chịu hậu quả nặng nề từ chất độc da cam. Hai nước đồng cảm sâu sắc và có mối quan tâm chung về khử nhiễm chất độc hóa học. Hiện Bỉ đang hỗ trợ Việt Nam trong các dự án xử lý đất nhiễm độc, biến những vùng đất ô nhiễm thành khu vực có thể sử dụng cho nông nghiệp, công nghiệp và nhà ở.

Trong chuyến thăm lần này, Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ dự kiến sẽ thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh, tham quan triển lãm về chất độc da cam và gặp gỡ các nạn nhân chất độc màu da cam. Những hoạt động này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn tái khẳng định cam kết của Bỉ trong việc đồng hành cùng Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh.

Bốn là, hai nước chia sẻ tương lai chung và tương đồng mục tiêu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và tăng cường giao lưu nhân dân.

Điển hình là khu công nghiệp xanh Deep C hay Công ty John Cockerill của Bỉ đang triển khai dây chuyền sản xuất máy xúc tác hydro. Qua đó, Bỉ có thể giúp Việt Nam không chỉ tự chủ năng lượng xanh, mà còn trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Đông Nam Á.

Nổi tiếng về công nghệ sinh học và dược phẩm, Bỉ mong muốn tăng cường hợp tác cùng Việt Nam trong lĩnh vực này.

Một minh chứng là Tập đoàn GSK, dù là tập đoàn của Anh, nhưng trung tâm nghiên cứu và sản xuất lớn nhất của GSK lại đặt tại Bỉ, với hơn 5.000 nhân viên. Điều đáng nói là 30% dân số Việt Nam được tiêm chủng bằng vaccine của GSK, qua đó cho thấy Bỉ có thể hỗ trợ hiệu quả cho lĩnh vực y tế tại Việt Nam.

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cũng là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện có hơn 5.000 cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Bỉ, đóng vai trò quan trọng trong việc vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước có nhiều cơ hội để thảo luận về nông nghiệp bền vững, về ứng dụng công nghệ nano...

Ngoài ra, Việt Nam và Bỉ đang cùng hướng tới mô hình ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong nền kinh tế mỗi nước cũng như trong hợp tác kinh tế song phương. Mô hình này sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh cho các công ty Việt Nam muốn xuất khẩu sang EU, đồng thời tạo sân chơi bình đẳng cho mọi người thông qua các tiêu chuẩn lao động công bằng và bảo đảm quyền của phụ nữ.

Trong chuyến thăm, hai nước cũng sẽ thảo luận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, thể thao.

"Những nội dung toàn diện và lịch trình đầy hứa hẹn đó sẽ khiến chuyến thăm của Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde không chỉ mang ý nghĩa ngoại giao, mà còn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, khoa học, giáo dục và văn hóa, khởi đầu cho một tương lai mới trong mối quan hệ Việt Nam-Bỉ", Đại sứ Karl Van Den Bossche khẳng định.

Toàn cảnh họp báo thông tin về chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ. (Ảnh: Minh Thư)

Toàn cảnh họp báo thông tin về chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ. (Ảnh: Minh Thư)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-bi-nha-vua-philippe-va-hoang-hau-mathilde-rat-than-thuoc-va-tran-trong-viet-nam-309141.html