Đại sứ:Câu chuyện gia đình tôi cho thấy quãng đường dài trong quan hệ Việt-Mỹ
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper đã đề cập câu chuyện 'duyên nợ' của gia đình ông với Việt Nam để từ đó nhìn ra sự đặc biệt trong con đường quan hệ giữa hai nước.
“Chỉ qua 1 thế hệ từ cha tôi là một người cựu binh từng tham chiến tại Quảng Trị những năm 1966-67, đến giờ tôi lại trở thành Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Một ví dụ đó thôi cũng cho thấy rất nhiều điều về quan hệ song phương của chúng ta, về thiện chí, lòng tin của hai bên trong nhiều năm qua,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ tại sự kiện giới thiệu Giám đốc Quốc gia mới bổ nhiệm của Chương trình Hòa Bình (Peace Corps), ông Mikel Herrington ngày 19/5.
Điểm sáng trong quan hệ Việt –Mỹ
Theo Đại sứ Knapper, lĩnh vực giao lưu Nhân dân, hợp tác giáo dục là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và Peace Corps là đại diện tiêu biểu nhất cho quan hệ hợp tác đó.
Chương trình giảng dạy Tiếng Anh tại Việt Nam của Chương trình Hòa bình chính thức được thành lập từ sau lễ ký kết hiệp định thực thi vào tháng 7/2020, là sự hợp tác giữa Chương trình Hòa bình và Bộ GD&ĐT.
Từ khi tới Việt Nam vào tháng 10/2022, nhóm 9 tình nguyện viên dạy Tiếng Anh đã hoàn thành chương trình đào tạo đa văn hóa, ngôn ngữ và chuyên môn. Họ được phân công về 9 trường Trung học Phổ thông tại Hà Nội. Họ sẽ sống tại địa bàn cùng những gia đình người Việt để học hỏi và hòa nhập với văn hóa Việt Nam.
“Trải qua một chặng đường dài, từ chỗ có chung lịch sử quá khứ đau thương đến nay, việc Chương trình Hòa bình có mặt Việt Nam đã thể hiện sự thiện chí và tin tưởng lẫn nhau trong sự quan tâm của Hoa kỳ với Việt Nam,” Đại sứ Knapper nói.
Cho đến nay Peace Corps đã triển khai các hoạt động đầu tiên tại Việt Nam với 9 tình nguyện viên đầu tiên và phía Bộ cũng đang phối hợp chặt chẽ với Washington để trong tháng 10 tới đón đoàn tình nguyện viên thứ hai, theo TS Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT cho biết.
"Các tình nguyện viên đầu tiên của chương trình đang hoạt động, hòa nhập tốt với người dân, mang luồng gió mới, bầu không khí mới cho những ngôi trường họ đến và cộng đồng người dân,” TS Phạm Quang Hưng nói.
Sự khác biệt
Chia sẻ về hoạt động của các tình nguyện viên Peace Corps tại Việt Nam, ông Mikel Herrington cho biết, các tình nguyện viên đã có thời gian dài chuẩn bị trước khi sang Việt Nam với sứ mệnh hòa bình. Họ dành rất nhiều thời gian để học tiếng Việt, văn hóa Việt Nam, ngoài việc được đào tạo về phương thức giảng dạy.
“Tới Việt Nam, các tình nguyện viên được tham gia cả đám cưới của người dân địa phương, tiệc thôi nôi hay các hoạt động thể thao cùng người dân. Việc sống và làm việc trong cộng đồng địa phương nơi họ giảng dạy hàng ngày, tiếp xúc 24/7, giúp họ xây dựng sự kết nối rất khác biệt so với những giáo viên chỉ dạy 3 tiết/tuần,” Giám đốc Quốc gia Peace Corps Mikel Herrington chia sẻ.
Theo ông Mikel, tại Việt Nam, Peace Corps đặt ra các mục tiêu thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị thông qua hỗ trợ chương trình giảng dạy ngoại ngữ của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Bên cạnh đó, chương trình cũng đóng góp vào thúc đẩy mối giao lưu giữa Nhân dân hai nước, giúp cho các học sinh, thầy cô giáo và cộng đồng địa phương hiểu hơn về Hoa Kỳ. Mặt khác cũng trao cơ hội những tình nguyện viên Hoa Kỳ được trải nghiệm những câu chuyện về con người và đất nước Việt Nam, sau đó truyền tải về quê nhà.
"Là một người có câu chuyện riêng với Việt Nam, bản thân tôi rất tự hào những gì các tình nguyện viên (Peace Corps) đã và đang làm tại Việt Nam,” Đại sứ Knapper chia sẻ.
Kể từ khi Chương trình Hòa bình được thành lập bởi Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1961, hơn 240.000 công dân Mỹ đã thực hiện công tác tại 143 quốc gia trên toàn thế giới. Hiện có gần 900 tình nguyện viên của Chương trình Hòa bình đang công tác tại 45 quốc gia ở Châu Phi, Châu Âu, Địa Trung Hải và Châu Á, Châu Mỹ và Thái Bình Dương để góp phần hỗ trợ các ưu tiên của các chính phủ và cộng đồng địa phương.