Đại sứ Georgios Stilianopoulos: Hy Lạp mong muốn là cửa ngõ cho hàng Việt Nam vào EU
Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam Georgios Stilianopoulos kỳ vọng hợp tác kinh tế thương mại song phương sẽ có những bước tiến mới qua chuyến thăm của Tổng thống Katerina Sakellaropoulou.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15-19/5.
Trả lời phỏng vấn báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam Georgios Stilianopoulos nêu bật tầm quan trọng của chuyến thăm, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào những bước phát triển mới trong hợp tác kinh tế-thương mại và du lịch trong tương lai.
Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Katerina Sakellaropoulou?
Chuyến thăm sắp tới của bà Katerina Sakellaropoulou là chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Cộng hòa Hy Lạp đến Việt Nam. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Tổng thống Hy Lạp đến thăm TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế và công nghiệp của Việt Nam.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng và vị trí đặc biệt của Việt Nam đối với Hy Lạp. Chuyến thăm nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ và hợp tác song phương tuyệt vời hiện có trên một số lĩnh vực, khi Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển năng động bậc nhất Đông Nam Á với sự hiện diện tích cực trong tất cả các diễn đàn khu vực, cũng như quốc tế.
- Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/4/1975.
- Tháng 3/2007, Hy Lạp mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
- Tháng 12/2010, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Athens.
- Ngày 26/3/2012, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, điều đặc biệt quan trọng là các quốc gia phải thực hiện những nỗ lực nghiêm túc hướng tới việc thiết lập một mạng lưới quan hệ song phương vì lợi ích chung, dù có vị trí địa lý xa cách đến đâu. Đây là những gì đã và đang diễn ra giữa Việt Nam và Hy Lạp.
Bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, hai quốc gia đã nỗ lực trong suốt 47 năm qua, kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, để xây nên những nhịp cầu, hình thành một mối quan hệ thực chất và mang tính xây dựng, nhằm đạt được bước phát triển quan trọng trong hợp tác song phương và ký kết thành công một số hiệp định và thỏa thuận kinh tế.
Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu trên và cùng nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, ưu tiên của Tổng thống Hy Lạp trong thời gian ở Việt Nam là gì, thưa ông?
Trong những năm qua, thương mại song phương Việt Nam-Hy Lạp đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế-thương mại vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng của cả hai nước.
Do đó, tôi tin rằng, trong thời kỳ hậu Covid-19, Hy Lạp nên cùng Việt Nam thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa, cả trên bình diện song phương và đa phương, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của cả hai sau đại dịch và hướng tới đích là cải thiện cuộc sống cho nhân dân hai nước.
Tháng 11 năm ngoái, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân đã thăm chính thức Hy Lạp. Trong cuộc gặp với Tổng thống Sakellaropoulou, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, hướng tới mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch song phương.
Trong khuôn khổ chuyến thăm đó, Tổng thống Sakellaropoulou đã thông báo việc tặng 250.000 liều vaccine Astra-Zeneca cho Việt Nam.
Lô vaccine này đã được chuyển giao trong thời gian nhanh nhất, là cử chỉ đoàn kết của nhân dân Hy Lạp đối với nhân dân Việt Nam, thể hiện tình hữu nghị thủy chung giữa hai dân tộc.
Trong bối cảnh hiện nay, các ưu tiên của chúng ta nên tập trung vào việc đẩy mạnh trao đổi thương mại và phát triển các lĩnh vực tiềm năng.
Về lĩnh vực nông sản, do đặc điểm khí hậu và địa lý, Hy Lạp có sản phẩm nguyên liệu thô chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao, là nền tảng của chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải.
Ngành công nghiệp thực phẩm của Hy Lạp vừa lưu giữ được tính truyền thống, đồng thời vẫn đầu tư vào nghiên cứu đổi mới và phát triển phương pháp sản xuất bền vững.
Về cơ sở hạ tầng hàng hải và dịch vụ vận tải trên mạng lưới cảng và đường sắt, chuỗi cung ứng và xếp dỡ hàng hóa là lĩnh vực tiềm năng cho các đối tác đầu tư và kinh doanh mới.
Hy Lạp là một quốc gia có giao thương hàng hải từ thời cổ đại và ngày nay sở hữu đội tàu buôn lớn nhất thế giới. Vận tải biển là một ngành đóng góp lớn vào nền kinh tế quốc dân của chúng tôi.
Về công nghiệp dược, ngành này đang được đầu tư không chỉ công nghệ hiện đại, nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng sản xuất mà còn cả nguồn nhân lực.
Về năng lượng, Hy Lạp có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm trong lĩnh vực tái tạo, cũng như năng lượng thay thế, như hệ thống năng lượng mặt trời và tái chế chất thải.
Về thương mại quá cảnh và chuỗi cung ứng, vị trí địa lý cho phép Hy Lạp kết nối với các thị trường châu Âu, Trung Đông và Biển Đen. Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật nhu cầu về chuỗi cung ứng linh hoạt trong khu vực khiến lợi thế này thời gian gần đây càng trở nên giá trị.
Hy Lạp là một thành viên Liên minh châu Âu (EU) ở ngã ba Địa Trung Hải, Balkans, Đông Nam Âu và châu Á, đồng thời sở hữu cả vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng giao thông, cũng như nguồn nhân lực như tôi đã kể trên, để cấu thành một trung tâm giao thoa thương mại, có thể hỗ trợ và phát triển các khoản đầu tư thương mại trong và ngoài châu Âu.
Trong khi đó, Việt Nam, với dân số 95 triệu người và nền kinh tế đang phát triển nhanh, là một nền kinh tế đầy tiềm năng ở Đông Nam Á và mang đến những cơ hội ngày càng đổi mới để tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư.
Đáng chú ý, là một trong những quốc gia phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam-EU (PCA), Hy Lạp ủng hộ việc sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và đã phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Trên cơ sở đó, Hy Lạp mong muốn Việt Nam tăng cường quan hệ với EU và kỳ vọng sẽ là cửa ngõ cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực của chúng tôi.
Cả Hy Lạp và Việt Nam đều coi trọng phát triển du lịch. Sau đại dịch, cả hai quốc gia đã mở cửa biên giới trở lại và nỗ lực thu hút khách du lịch. Đại sứ hãy chia sẻ kinh nghiệm phục hồi du lịch của Hy Lạp hậu Covid-19?
Du lịch là một trong những hoạt động kinh tế thế mạnh của Hy Lạp cũng như Việt Nam. Đây đồng thời là một lĩnh vực khác mà chúng ta cần khai thác và thúc đẩy hợp tác hơn nữa.
Hiệp định hợp tác năm 2007 giữa Hy Lạp và Việt Nam trong lĩnh vực du lịch tạo cơ sở cho mối liên kết thông qua xúc tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, bán chuyên môn trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục và đào tạo.
Đối phó với đại dịch trong ngành du lịch đã trở thành một ưu tiên hàng đầu của Hy Lạp và chúng tôi đã đạt được thành công.
Hiện nay, Hy Lạp an toàn với Covid-19 và là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới, một đất nước của vẻ đẹp độc đáo, cung cấp cho du khách sự đa dạng về cảnh quan, trải nghiệm, ẩm thực với hơn 3.000 năm văn hóa.
Đó là nơi mà những trải nghiệm tuyệt vời không bao giờ kết thúc, nơi luôn có nhiều thứ để khám phá, thăm thú, thưởng thức và cảm nhận.
Vào mùa Hè này hay những năm tới, Hy Lạp vô cùng mong muốn được chào đón một số lượng lớn hơn nữa công dân Việt Nam “Come and Live their own Myth in Greece” (đến và sống với huyền thoại ở Hy Lạp), để được hòa mình vào lịch sử tri thức hùng tráng của đất nước chúng tôi.