Đại sứ Iran khẳng định Mỹ không có quyền kéo dài lệnh cấm vận vũ khí của LHQ
Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) Majid Takht-Ravanchi tuyên bố việc Mỹ kêu gọi kéo dài lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhằm vào Iran là không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đài truyền hình Press TV dẫn lời Đại sứ Takht-Ravanchi nêu rõ Đại sứ Mỹ tại LHQ "sai lầm" khi tin rằng Washington vẫn có quyền khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran theo Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ. Ông Takht-Ravanchi nhấn mạnh Washington không còn là "một bên" trong thỏa thuận hạt nhân Iran, ám chỉ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận này 2 năm trước đây.
Theo Nghị quyết 2231, lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ được dỡ bỏ vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, Mỹ cho biết nước này đang cân nhắc "mọi khả năng" nhằm khôi phục lệnh cấm trên của HĐBA LHQ, theo đó cấm bán vũ khí thông thường cho Iran.
Về phần mình, Iran tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận việc khôi phục lệnh cấm vận nói trên.
Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Iran. Washington đang tìm cách gia hạn lệnh cấm vận của LHQ dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10 tới theo JCPOA.
Năm 2015, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp đã ký với Iran JCPOA nhằm ngăn chặn Teheran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. HĐBA LHQ đã ghi nhận thỏa thuận trên trong một nghị quyết, trong đó vẫn nêu Mỹ là một bên tham gia mặc dù nước này đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Washington đã dựa vào chi tiết này để lập luận rằng có thể khôi phục các biện pháp trừng phạt của LHQ. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia mới đây đã bác bỏ việc Mỹ khẳng định vẫn là một bên của thỏa thuận hạt nhân Iran.
Đại sứ Nga nhấn mạnh đây là điều “nực cười” khi cho rằng Mỹ vẫn là một bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran sau 2 năm rút khỏi thỏa thuận, nhờ vậy Washington có thể kích hoạt trở lại tất cả lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran. Ông nêu rõ: "Họ (Mỹ) không phải là một bên tham gia và không có quyền kích hoạt".