Đại sứ Lào ấn tượng với nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam

Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đã chia sẻ những cảm nhận của ông khi đón Tết Việt. Theo ông,Tết Nguyên đán của người Việt và Bounpimay của người Lào có nhiều nét tương đồng, đó là sự tương đồng về thời khắc thiêng liêng nhất trong năm của mỗi gia đình và đây cũng là dịp để mọi người thân trong gia đình đoàn tụ, sum họp.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Lào, khi chuỗi các hoạt động trọng thể đã được hai Đảng, hai Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước tổ chức nhằm kỷ niệm Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 nhân kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962/5-9-2022) và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18-7-1977/18-7-2022).

Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, trong 6 thập niên qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước dày công vun đắp, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, cũng như không khí đón Tết của Đại sứ quán Lào tại Việt Nam nói riêng và cộng đồng người Lào đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam nói chung.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên (PV): Kính thưa đồng chí Đại sứ! Xin đồng chí điểm lại một số nét nổi bật vềquan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào trong năm 2022 vừa qua?

Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang: Năm 2022 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam và Lào. Hai nước đã cùng trải qua dấu mốc phát triển mới, góp phần làm phong phú thêm lịch sử hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào. Đây là Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, đã để lại những dấu ấn đậm nét trong quan hệ song phương. Nhiều hoạt động kỷ niệm nhân 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 / 5-9-2022), và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18-7-1977 / 18-7-2022) đã được tổ chức từ cấp trung ương đến các địa phương, trải dài trên nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm của người dân hai nước. Những hoạt động này cho thấy quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Tiểu biểu là Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào diễn ra tại cả hai nước, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao. Hai bên cũng tổ chức trao đổi đoàn đại biểu các cấp, tổ chức các cuộc giao lưu, hợp tác giữa các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, trao đổi gặp gỡ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Các hoạt động trao đổi văn học, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và thể thao cũng được xúc tiến.

Các hoạt động này cho thấy quyết tâm bảo vệ, phát triển và nâng tầm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào của lãnh đạo, người dân hai nước như phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào ở thủ đô Vientiane (tháng 7-2022) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith khẳng định: "Tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Lào - Việt Nam không chỉ là tình cảm đồng chí, anh em khăng khít mà còn là tình đoàn kết gắn bó bền chặt, trở thành tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện đã, đang và sẽ sống mãi cùng với người dân hai nước. Chúng ta rất vui mừng khi thấy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện là truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, đã được các thế hệ đi trước dày công vun đắp, đến nay vẫn không ngừng được tăng cường, phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước Lào - Việt Nam".

Một tiết mục văn nghệ trong Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào diễn ra tại thủ đô Vientiane. Ảnh: TTXVN

Một tiết mục văn nghệ trong Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào diễn ra tại thủ đô Vientiane. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, ngay trong những ngày đầu năm 2023, nhận lời mời của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào từ ngày 11 đến 12-1. Đây là chuyến thăm chính thức Lào đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới và cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Lào kể từ khi Thủ tướng Sonexay Siphandone được bầu làm Thủ tướng.

Trong chuyến thăm chính thức lần này, hai Thủ tướng đã hội đàm, chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác và cùng dự lễ bế mạc trọng thể Năm Đoàn kết hữu nghị 2022, với sự tham dự của 200 đại biểu gồm lãnh đạo, cán bộ và đại diện các tầng lớp nhân dân Lào. Thành công của “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022” là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ đặc biệt giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2023 và những năm tới, cả về chiều rộng và chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Năm Đoàn kết hữu nghị giữa hai nước đã truyền đi thông điệp hết sức quan trọng, thể hiện ý nghĩa quan trọng, sống còn của mối quan hệ đặc biệt giữa Lào và Việt Nam, Việt Nam và Lào. Đồng thời cũng cho thế giới thấy mong muốn và sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là cùng nhau vun đắp mối quan hệ này mãi mãi trường tồn, dù cho tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi.

PV: Tình hữu nghị Việt Nam - Lào là di sản quý báu của hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là yếu tố bảo đảm thắng lợi trong sự nghiệp giữ gìn và xây dựng đất nước của mỗi quốc gia ngày nay. Xin Đại sứ nói rõ hơn mối quan hệ đặc biệt này?

Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang: Nhìn lại mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử vừa qua, chúng ta tự hào nhận thấy, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính yêu vun đắp tiếp tục được phát huy. Các lãnh tụ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân hai nước đã cùng nhau cống hiến trí tuệ, công sức, sinh mạng và xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng đầy gian nan thử thách. Đến nay, quan hệ giữa Lào và Việt Nam đã trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng, hiếm có, là tài sản vô giá của hai nước, là quy luật tồn tại và phát triển của hai nước, là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước.

Hiện nay, mặc dù tình hình khu vực và quốc tế liên tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng mối quan hệ trong sáng, khăng khít giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam chưa bao giờ phai mờ mà ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, ngoại giao không ngừng được nâng cao, có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc duy trì thành quả cách mạng, đẩy lùi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Hai nước có sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa… đã có những bước phát triển liên tục. Việt Nam là một trong những nước có nguồn đầu tư lớn nhất tại Lào. Số lượng sinh viên Lào học tập tại Việt Nam ngày càng tăng. Các em được học tập tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam từ Bắc đến Nam và nhận được sự quan tâm đào tạo, giảng dạy tốt từ các thầy, cô giáo của Việt Nam. Đây là nguồn lực quý báu dành cho đất nước Lào trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

PV: Trong những năm qua, hoạt động hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Lào không ngừng được đẩy mạnh. Theo đồngchí Đại sứ, sự hợp tác này có tác động như thế nào trong việc tăng cường sự hiểu biết, giao lưu giữa nhân dân hai nước nói riêng, cũng như thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào nói chung?

Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang: Nhân dân Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào luôn trân trọng, gìn giữ và xây đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước từ bao đời nay. Trong công cuộc đổi mới ngày nay, quan hệ hợp tác, gắn bó giữa hai nước nói chung, giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Lào nói riêng không ngừng được củng cố, tăng cường và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hai nước được hai bên tích cực triển khai thiết thực, hiệu quả.

Nhiều địa phương đã ký kết hợp tác trực tiếp, hoặc có những hoạt động kết nghĩa, nhất là ở các tỉnh có chung đường biên giới. Hoạt động này đã trở thành hình thức phổ biến, được mở rộng trên nhiều lĩnh vực và đem lại hiệu quả ngày càng cao, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đáp ứng những yêu cầu cụ thể, thiết thực về sản xuất, đời sống và việc làm cũng như tình cảm láng giềng của mỗi bên. Đây được coi là một trong những phương thức ngoại giao nhân dân đặc biệt hiệu quả và có nhiều ý nghĩa, bởi một mặt, đó là nhu cầu tự thân đã trở thành truyền thống, mặt khác, đó là xu thế vận động tất yếu của thời đại.

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới quốc gia với chiều dài khoảng 2.340 km, đi qua các tỉnh biên giới của Việt Nam là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với các tỉnh biên giới của Lào là: Phongsaly, Luang Prabang, Houaphanh, Xiangkhouang, Bolikhamxay, Khammouan, Savannakhet, Salavan, Sekong và Attapeu. Các tỉnh này đều có những hoạt động kết nghĩa láng giềng từ lâu đời. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố lớn khác của hai nước đã tổ chức kết nghĩa và không ngừng được nhân rộng ra các địa phương khác.

Có thể thấy, từ truyền thống cho đến hiện tại, sự hợp tác và những hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương của hai nước phát triển mạnh và rất sôi động. Các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giao lưu nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh,… Nổi bật là sự kết nghĩa và hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Vientiane; giữa thành phố Hồ Chí Minh với Thủ đô Vientiane, tỉnh Champasak, tỉnh Attapeu và tỉnh Xiangkhouang; giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Houaphanh; giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh phía Nam Lào; giữa các tỉnh Sơn La, Điện Biên với các tỉnh phía Bắc Lào...

Trong bối cảnh hiện nay, trước những thời cơ và thách thức, việc đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Lào càng khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như của Lào luôn coi trọng, ưu tiên trong việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước và sẽ làm hết sức mình để không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

PV: Đồngchí Đại sứ đã sống nhiều năm ở Việt Nam, vậyđồng chí có ấn tượng gì về đất nước, văn hóa và con người nơi đây?

Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang: Trong thời gian công tác ở Việt Nam, tôi có nhiều ấn tượng sâu sắc về đất nước Việt Nam tươi đẹp với lịch sử lâu đời, đa dạng trên tất cả các khía cạnh.

Qua các cuộc gặp gỡ với những người bạn Việt, tôi nhận thấy người Việt Nam luôn dành tình cảm đoàn kết và hữu nghị sâu sắc đối với đất nước và nhân dân Lào. Người Việt Nam có tính cộng đồng cao, thân thiện, cởi mở và dễ mến. Tôi đã đi khắp mọi miền đất nước Việt Nam, đến đâu tôi cũng được mọi người chào đón thân thiện. Đó là điểm tuyệt vời của văn hóa Việt Nam.

PV: Cùng chung không khí rộn rã chào xuân 2023, cộng đồng người Lào đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam nói chung cũng như cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Lào tại Việt Nam nói riêng đã chuẩn bị những hoạt động gì để đón Tết cổ truyền Việt Nam một cách ý nghĩa và ấm áp nhất?

Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang: Tết cổ truyền Việt Nam là một dịp lễ quan trọng nhất trong năm, là thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Tết Nguyên đán ở Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện niềm khát khao của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn, một năm mới với thật nhiều may mắn, an lành, có ý nghĩa lớn lao. Tết Nguyên đán của người Việt và Bounpimay của người Lào có nhiều nét tương đồng, đó là sự tương đồng về thời khắc thiêng liêng nhất trong năm của mỗi gia đình và đây cũng là dịp để mọi người thân trong gia đình đoàn tụ, sum họp sau một năm lao động, học tập.

Dịp Tết Nguyên đán, cộng đồng người Lào đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam nói chung cũng như cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Lào tại Việt Nam nói riêng đã tổ chức nhiều hoạt động chuẩn bị đón Tết như gói bánh chưng, trang hoàng nhà cửa, tham quan một số cảnh đẹp, hòa mình vào niềm vui của người Việt, trao những món quà ý nghĩa đến những người bạn Việt Nam.

Nhân dịp Tết đến Xuân về, tôi xin kính chúc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội cùng toàn thể nhân dân Việt Nam anh em mạnh khỏe. Xin chúc Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, đạt được mục tiêu đề ra, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PV: Xin cảm ơn đồngchí Đại sứ!

ĐẶNG CƯỜNG - QUỲNH TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dai-su-lao-an-tuong-voi-net-dep-van-hoa-tet-co-truyen-viet-nam-716769