Đại sứ Mai Phan Dũng: Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm vào hoạt động chung của IPU, cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Geneva (Thụy Sỹ) là một sự kiện đối ngoại nghị viện có ý nghĩa rất quan trọng.

Lễ tiễn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân lên đường thăm chính thức Senegal, Morocco và tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Thụy Sỹ, ngày 22/7. (Nguồn: quochoi.vn)
Trước thềm chuyến công tác dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6, tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sỹ của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ) đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam.
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và thông điệp chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Geneva và tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sỹ? Đại sứ kỳ vọng thế nào về sự kiện đặc biệt này?

Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là diễn đàn đối ngoại nghị viện quan trọng bậc nhất trên phạm vi toàn cầu. Đây là sự kiện được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, một tần suất rất đặc biệt, bên cạnh các kỳ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức 2 lần một năm.
Đặc biệt, Hội nghị này chỉ luân phiên tổ chức tại ba trung tâm đa phương lớn nhất thế giới, bao gồm New York (Mỹ), Vienna (Áo) và Geneva (Thụy Sỹ), là nơi tập trung các cơ quan chủ chốt của Liên hợp quốc và các thể chế đa phương hàng đầu toàn cầu.
Nếu như Đại hội đồng IPU là diễn đàn thường xuyên, thì Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới được ví như “Hội nghị thượng đỉnh” của kênh đối ngoại nghị viện, bởi đây là nơi quy tụ đông đảo nhất các lãnh đạo nghị viện từ khắp các châu lục, để cùng bàn thảo về những chính sách chiến lược, định hình hợp tác nghị viện toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức lớn của thời đại, từ hòa bình - an ninh, phát triển bền vững, đến thúc đẩy nhân quyền và bình đẳng
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Geneva là một sự kiện đối ngoại nghị viện có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để ta tiếp tục đóng góp tích cực và có trách nhiệm với hoạt động chung của IPU, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác IPU - Liên hợp quốc.
Việc tham dự Hội nghị ở cấp cao nhất thể hiện mạnh mẽ cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, nhất là trong bối cảnh Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương đang phải đương đầu với nhiều thách thức, cũng như trách nhiệm đóng góp của Quốc hội Việt Nam vào những nỗ lực chung nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Đây cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc Chủ tịch Quốc hội tham dự và có bài phát biểu tại phiên thảo luận chung của Hội nghị khẳng định vai trò và vị thế ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện trách nhiệm và vai trò của cơ quan lập pháp Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời truyền tải thông điệp về một Việt Nam năng động, chủ động hội nhập và sẵn sàng hợp tác vì hòa bình, công lý và thịnh vượng chung.
Chúng tôi kỳ vọng chuyến công tác này sẽ góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước thành viên IPU và thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Thụy Sỹ. Đồng thời, đây cũng là dịp để Việt Nam học hỏi từ các quốc gia khác trong việc xây dựng pháp luật và giám sát chính sách quốc gia, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình phát triển đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với những ưu tiên phát triển và hội nhập của Việt Nam.
Chủ đề của Hội nghị lần này là: "Một thế giới đang hỗn loạn: Hợp tác nghị viện và chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân". Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của chủ đề này?
Chủ đề của Hội nghị lần này được đánh giá là rất phù hợp và cấp thiết trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều biến động sâu sắc và phức tạp. Từ xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, đến những thách thức an ninh phi truyền thống và khoảng cách phát triển ngày càng gia tăng – tất cả đòi hỏi sự hợp tác toàn diện và hiệu quả hơn nữa giữa các quốc gia.
Chủ đề nhấn mạnh vai trò của nghị viện các nước trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đối thoại và hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân – nguyện vọng chung của nhân dân thế giới. Đây cũng là tầm nhìn và cam kết mà Việt Nam đã và đang kiên trì theo đuổi, với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong mọi hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại nghị viện.
Những nội dung chính trong chương trình nghị sự tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 là gì? Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự kiến sẽ tham gia đóng góp gì tại diễn đàn đa phương này, thưa Đại sứ?
Hội nghị có một chương trình nghị sự toàn diện với nhiều phiên thảo luận quan trọng. Ngoài phiên toàn thể về chủ đề chung, còn có 5 phiên thảo luận nhóm về những vấn đề đang thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế như: thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong nghị viện, đổi mới sáng tạo để ứng phó với các biến động toàn cầu, vai trò của nghị viện trong định hình tương lai kỹ thuật số, bảo vệ và thúc đẩy quyền của những người dễ bị tổn thương, và hợp tác quốc tế để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự kiến sẽ có bài phát biểu tại phiên toàn thể, trong đó nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và hợp tác đa phương. Đoàn Việt Nam cũng sẽ tham gia thảo luận tại các phiên chuyên đề về thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong nghị viện và hợp tác quốc tế để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Đồng thời, đoàn Việt Nam sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Tuyên bố chung của Hội nghị, khẳng định lập trường và quan điểm của Việt Nam trên các vấn đề quốc tế quan trọng.
Bên lề Hội nghị, Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành tiếp xúc song phương, thúc đẩy quan hệ nghị viện với các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.
"Nếu như Đại hội đồng IPU là diễn đàn thường xuyên, thì Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới được ví như “Hội nghị thượng đỉnh” của kênh đối ngoại nghị viện, bởi đây là nơi quy tụ đông đảo nhất các lãnh đạo nghị viện từ khắp các châu lục, để cùng bàn thảo về những chính sách chiến lược, định hình hợp tác nghị viện toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức lớn của thời đại, từ hòa bình - an ninh, phát triển bền vững, đến thúc đẩy nhân quyền và bình đẳng." (Đại sứ Mai Phan Dũng)

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 diễn ra từ ngày 29-31/7 tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: IPU)
Đại sứ cảm nhận thế nào về vai trò của đối ngoại Quốc hội trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế? Trong bối cảnh khủng hoảng và đầy biến động hiện nay, thông qua ngoại giao đa phương, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực và có trách nhiệm ra sao tới hòa bình và thịnh vượng trên thế giới?
Đối ngoại nghị viện là trụ cột quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, bên cạnh đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, giúp mở rộng mạng lưới đối tác và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước của Việt Nam.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội không chỉ góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương và đa phương, mà còn khẳng định vị thế, vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam luôn kiên trì lập trường ủng hộ giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Thông qua các cơ chế đa phương như IPU, ASEAN, Liên hợp quốc, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đồng thuận quốc tế, thúc đẩy hợp tác vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững. Đây cũng là minh chứng cho chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
"Chúng tôi kỳ vọng chuyến công tác này sẽ góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước thành viên IPU và thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Thụy Sỹ." (Đại sứ Mai Phan Dũng)