Đại sứ Mỹ nói về việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết, gần 20 năm trước, ông từng làm việc ở Việt Nam. Khi trở lại với vai trò Đại sứ, các đối tác thường hỏi ông về tình hình ở Việt Nam hiện nay khác như thế nào so với trước đây.
Tại cuộc họp báo của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink tại Hà Nội ngày 12/10, Đại sứ Knapper nói đã nhận được câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm trước việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc lần thứ hai.
Ông Knapper nói đến 3 khía cạnh, gồm y tế, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng, để nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện quyền con người, thông qua việc tạo nên những thay đổi tích cực trong cuộc sống và sinh kế của người dân.
Đại sứ Mỹ nói rằng, khi trở lại Việt Nam, ông nhận thấy thay đổi ở Việt Nam trong 3 lĩnh vực này “rõ ràng như ngày và đêm”, tạo nên những thay đổi tích cực đối với cuộc sống và sinh kế của người dân.
Về y tế, ông Knapper cho biết hợp tác Việt – Mỹ trong lĩnh vực này bắt đầu từ 15 năm trước, khi chương trình PEPPA được khởi động để giúp Việt Nam phòng chống HIV/AIDS, khi bệnh này đang rất nghiêm trọng. Khi đó, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á tham gia chương trình. Hiện nay, ông Knapper cho biết hợp tác y tế đã trở thành một trụ cột trong quan hệ Việt – Mỹ. Ông nhấn mạnh sự cam kết của Chính phủ Việt Nam không chỉ ở cấp Trung ương, mà cả các chính quyền địa phương trong đối phó với HIV/AIDS, bệnh lao, và gần đây nhất là COVID-19.
Đại sứ Knapper khẳng định Mỹ rất tự hào vì hợp tác giữa hai nước trong phòng chống COVID-19, khi Việt Nam gửi khẩu trang và thiết bị y tế cho Mỹ vào thời điểm rất khó khăn, còn Mỹ cung cấp cho Việt Nam 40 triệu liều vắc xin COVID-19. Ông cho biết lý do Mỹ có thể làm điều này là vì tin tưởng vào chiến dịch tiêm chủng mà Chính phủ Việt Nam thực hiện có tổ chức và rất hiệu quả.
Về biến đổi khí hậu, ông Knapper nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại sứ Mỹ khẳng định điều này thể hiện vai trò lãnh đạo của Việt Nam không chỉ ở khu vực mà trên toàn cầu, đồng thời cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Ông cho biết, khi thăm các tỉnh, thành của Việt Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, các lãnh đạo địa phương của Việt Nam cũng rất nỗ lực để bảo vệ cuộc sống của người dân, giảm nhẹ tác động của thiên tai, có những bước đi cụ thể để chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013, các văn bản pháp luật liên quan và được tôn trọng, triển khai trên thực tế, được khẳng định qua các thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, công tác phòng chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
Về cơ sở hạ tầng, ông Knapper kể rằng khi đi Hạ Long cách đây 15 năm, ông mất 4 tiếng rưỡi, trên con đường 2 làn gồ ghề, nhưng nay ông chỉ mất 2 tiếng, nhờ con đường cao tốc 6 làn. Ông đánh giá rằng việc Việt Nam nâng cấp, mở rộng những con đường và sân bay, phát triển giao thông đến những vùng xa xôi ở Tây Bắc và Tây Nguyên đang thúc đẩy kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại lợi ích cho cuộc sống và sinh kế của người dân.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kritenbrink bày tỏ hy vọng rằng, với tư cách một thành viên quan trọng của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết về nhân quyền, hợp tác với Mỹ để giải quyết những nhiệm vụ trong lĩnh vực này.