Đại sứ Na Uy Grete Lochen: Việt Nam ngày càng tiến bộ và cởi mở về quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới

Bản thân là người đồng tính nữ, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cảm nhận rất rõ sự tiến bộ và cởi mở về vấn đề quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBTI) ở Việt Nam.

Đại sứ Na Uy Grete Lochen đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBTI) tại Hội thảo quốc tế 'Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam' ngày 27/5.

Đại sứ Na Uy Grete Lochen đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBTI) tại Hội thảo quốc tế 'Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam' ngày 27/5.

Trả lời phỏng vấn TG&VN bên lề Hội thảo quốc tế 'Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam' ngày 27/5, Đại sứ Grete Lochen đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBTI và chia sẻ trải nghiệm thực tế của mình khi bà cũng thuộc cộng đồng này.

Thưa Đại sứ, bà đánh giá thế nào về những tiến bộ của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBTI?

Ở châu Á, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ cũng như ngày càng cởi mở hơn về vấn đề quyền của người LGBTI. Chúng ta đã được thấy một cộng đồng LGBTI trẻ, đa dạng và đầy tự hào ở Việt Nam cũng như sự chấp nhận nhiều hơn của xã hội đối với họ.

Việt Nam cũng đã thực hiện các biện pháp pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền của cộng đồng LGBTI. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014 đã xóa bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới.

Đặc biệt, Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 (Điều 37), có hiệu lực vào tháng 1/2017, đã cho phép phẫu thuật chuyển giới được thực hiện ở Việt Nam.

Là Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và bản thân là người đồng tính nữ, cá nhân tôi đã được trải nghiệm sự tiến bộ này rất rõ ràng.

Hoạt động trong ngành ngoại giao nhiều năm, tôi đã đi công tác ở nhiều nước châu Á. Việt Nam là nước duy nhất cấp visa ngoại giao cho bạn đời của tôi. Ở các nước khác, cô ấy chỉ được cấp giấy phép lao động như người phục vụ hoặc trợ lý riêng của tôi. Đó là cách duy nhất để cô ấy đi cùng tôi.

Điều này không khiến những người như tôi cảm thấy tự hào hay được tôn trọng, mà chỉ cảm thấy thêm tổn thương và bị gạt ra bên lề xã hội. Thật là nhẹ nhõm vì điều này chưa từng xảy ra ở Việt Nam!

Những tiến bộ này là một khởi đầu tốt. Mặc dù vẫn còn nhiều việc cần làm, nhưng cá nhân tôi cho rằng Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu về sự hòa nhập cho các nước khác trong khu vực.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần cố gắng nhiều hơn để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc thông qua Luật chuyển đổi giới tính, đồng thời nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và công chúng nói chung.

Trong hành trình thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBTI, Na Uy đã hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam như thế nào?

Tôi biết khá rõ cộng đồng LGBTI ở Việt Nam. Họ xứng đáng và cần nhận được sự hỗ trợ và tôn trọng của chúng ta.

Nhiều người trong số họ đã phải trải qua những câu chuyện rất đau lòng. Sự phân biệt đối xử, quấy rối tình dục vẫn tồn tại ở công sở, trường học, gia đình cũng như khi tiếp cận các dịch vụ y tế.

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, hàng nghìn người thuộc cộng đồng LGBTI rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương và cô đơn. Điều này diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Tôi rất vui khi nhận thấy một số bộ, ngành và cơ quan Chính phủ Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo đảm quyền của cộng đồng LGBTI và bảo vệ họ khỏi sự phân biệt đối xử, quấy rối dựa trên xu hướng tình dục và bản dạng giới của họ.

Chúng tôi rất vui khi được hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy tại Hội thảo quốc tế về “Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và UNDP tổ chức mới đây.

Cuối tháng 3 năm nay, tôi cũng đã được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mời tham dự một sự kiện của Học viện để chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong việc thúc đẩy quyền của người LGBTI và xây dựng một xã hội hòa nhập, nơi tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe và tôn trọng.

Na Uy cũng thường đề cập vấn đề này trong các cuộc họp song phương và đa phương, mới đây nhất là chuyến thăm của Quốc vụ khanh Na Uy Bjørg Sandkjær vào tháng trước.

Đại sứ Na Uy Grete Lochen, Quốc vụ khanh Na Uy Bjørg Sandkjær gặp gỡ đại diện của cộng đồng LGBTI tại Việt Nam vào tháng 5/2022.

Đại sứ Na Uy Grete Lochen, Quốc vụ khanh Na Uy Bjørg Sandkjær gặp gỡ đại diện của cộng đồng LGBTI tại Việt Nam vào tháng 5/2022.

Cùng với các cơ quan đại diện ngoại giao khác tại Hà Nội, chúng tôi đã và đang đóng góp ý kiến vào các dự luật quan trọng của Việt Nam như Luật chuyển đổi giới tính. Thật đáng khích lệ khi nhận thấy những phản hồi tích cực của Bộ Y tế mặc dù vẫn còn nhiều quy trình quan trọng cần thực hiện trước khi trình Quốc hội thông qua.

Na Uy và Việt Nam đều ủng hộ nhất quán các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) và nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ưu tiên toàn cầu của Na Uy là tăng cường tập trung vào các quyền bình đẳng, kể cả vấn đề phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục và bản dạng giới. Đối với những người LGBTI+, đó là quyền được sống không bị kỳ thị, không cảm thấy xấu hổ, không bị phân biệt đối xử và không bị coi là những người vô hình.

Do đó, Đại sứ quán Na Uy đang hỗ trợ cộng đồng LGBTI tại Việt Nam thông qua việc tham dự các sự kiện PRIDE (cuộc diễu hành hay lễ hội dành cho người LGBT) hằng năm cũng như hợp tác với LHQ tại Việt Nam và các cơ quan Chính phủ để chia sẻ kiến thức, nâng cao nhận thức và tăng cường đối thoại xây dựng giữa các bên liên quan để đảm bảo cộng đồng LGBTI không bị bỏ lại phía sau.

Vậy kinh nghiệm của Na Uy trong việc giải quyết tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên xu hướng tình dục và bản dạng giới là gì?

Na Uy đã đi được một chặng đường dài kể cả trong hoạt động lập pháp (phi hình sự hóa đồng tính, thông qua Luật Hôn nhân không phân biệt giới tính, và Luật chống phân biệt đối xử) cũng như thay đổi thái độ của công chúng.

Là một người đồng tính nữ, tôi lớn lên ở Na Uy khi đồng tính vẫn bị coi là một tội danh. Năm nay, kỷ niệm 50 năm sự kiện tội danh này bị xóa bỏ ở Na Uy (1972).

Đến tận năm 1977, đồng tính vẫn bị coi là một căn bệnh tâm thần. Đối với nhiều người trong cộng đồng của chúng tôi, đó là thứ văn hóa im lặng và xấu hổ tràn lan.

Vì thế, thật đáng khích lệ khi nhận thấy những thay đổi đáng kể trong sự chấp nhận của xã hội hiện nay. Đó là nhờ những nỗ lực bền bỉ, không ngừng và vô cùng can đảm của chính các tổ chức LGBTI và nhờ vào các đạo luật về hòa nhập được các nước thông qua.

Là một công chức, tôi cho rằng chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ người dân của mình, không chỉ là đa số mà cả thiểu số. Chính phủ phải góp phần tích cực để ngăn chặn sự phân biệt đối xử, quấy rối và thậm chí là bạo lực.

Tương tự, các nhà hoạch định chính sách cũng phải tư duy trực quan trong hoạch định chính sách và xây dựng các biện pháp có tác động đến cộng đồng LGBTI. Chỉ có sự tham gia/tham vấn hiệu quả và có ý nghĩa của những người có liên quan như chính cộng đồng LGBTI mới có thể tạo ra những biện pháp có tác động tích cực.

Đây là cách tiếp cận của Chính phủ Na Uy. Chúng tôi đã và đang đóng vai trò tích cực như một người vận động cho quyền của người LGBTI, tại cả Hội đồng Nhân quyền LHQ, Đại hội đồng LHQ và trong đối thoại song phương.

Tuy nhiên, ở Na Uy vẫn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử, quấy rối và ngôn ngữ thù hận đối với cộng đồng LGBTI.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, người LGBTI, đặc biệt là những người chuyển giới, vẫn gặp phải những thách thức nghiêm trọng trong cuộc sống hằng ngày, bị phân biệt đối xử, quấy rối và dễ bị tổn thương hơn về sức khỏe tâm thần. Điều này khiến cho tỷ lệ tự tử ở những người LGBTI có xu hướng cao hơn.

Sự xấu hổ và sợ hãi về định kiến và phân biệt đối xử vẫn khiến những người LGBTI trẻ uống nhiều rượu và nghiện ma túy nhiều hơn.

Bản thân Na Uy vẫn phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện tình trạng này, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch. Và chúng ta đều phải chung tay để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra!

Xin cảm ơn Đại sứ!

Đại sứ Na Uy Grete Lochen và các đại biểu, khách mời tại Hội thảo quốc tế 'Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam' ngày 27/5.

Đại sứ Na Uy Grete Lochen và các đại biểu, khách mời tại Hội thảo quốc tế 'Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam' ngày 27/5.

(thực hiện)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-na-uy-grete-lochen-viet-nam-ngay-cang-tien-bo-va-coi-mo-ve-quyen-cua-nguoi-dong-tinh-song-tinh-chuyen-gioi-185627.html