Đại sứ Nadav Eshcar: Việt Nam-Israel chung tay chống lại sa mạc hóa và hạn hán, đảm bảo phát triển bền vững

Nhân dịp Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán (17/6) của Liên hợp quốc, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar đã có bài viết về những tác động tiêu cực của tình trạng sa mạc hóa và hạn hán đối với nền nông nghiệp Việt Nam cũng như tầm quan trọng của các hành động chống lại thực trạng này. TG&VN trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Đại sứ Nadav Eshcar: Việt Nam và Israel cần chung tay chống lại sa mạc hóa và hạn hán để đảm bảo tương lai bền vững.

Khi khám phá không gian, chúng ta sẽ thấy vô số hành tinh không có sự sống, bao phủ bởi sa mạc. Trái đất là một hành tinh đặc biệt - đầy sức sống với nước và sinh vật. Nhưng nếu nhìn kĩ hơn, không phải nơi nào trên Trái đất cũng may mắn như thế. Có rất nhiều khu vực rộng lớn khô cằn mà sự sống gần như không thể tồn tại được.

Con người là loài duy nhất có thể chiến thắng sa mạc. Loài người, vốn có tư duy tìm ra giải pháp, đã vượt qua những khó khăn và sống được trên sa mạc. Con người đã tìm ra nước và bóng râm, cũng như tìm ra các loại giống cây trồng và vật nuôi phù hợp vốn có thể tồn tại trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt gần như không có nước.

Trong kỷ nguyên công nghệ chúng ta đang sống hiện nay, con người đã học cách phát triển những phương thức mới và phức tạp để sống trong sa mạc và hồi sinh nó. Tuy thế, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến tình trạng ấm lên toàn cầu và cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn đang tiếp diễn. Con người đã sử dụng quá mức tài nguyên và kết quả là sa mạc bắt đầu mở rộng hơn nữa. Đất màu mỡ dành cho nông nghiệp ngày càng ít đi và thoái hóa, còn nước ngọt đang mặn hơn, không còn phù hợp để uống hay tưới tiêu.

Là một người Israel tới từ một vùng đất ở trung tâm Trung Đông, tôi nhận ra giá trị của nước ngọt hiếm có và tầm quan trọng của công nghệ cũng như kiến thức để chống lại nạn sa mạc hóa. Tôi nhìn vào Việt Nam với một lòng ghen tị không che giấu. Vùng đất vốn có rất nhiều sông suối này khiến tôi chỉ có thể mơ đến. Đất nông nghiệp màu mỡ có thể trồng được lúa nước chất lượng cao và nhiều loại cây ăn quả tuyệt vời. Lượng mưa lớn đều đặn nhìn chung làm ẩm đất. Mọi thứ ở đây tự sinh sôi. Ở quê hương xa xôi của tôi, nếu đất không được con người tắm tưới, nó sẽ ngay lập tức trở nên khô vàng.

Khi cha tôi và thế hệ của ông đặt chân tới Israel, họ thấy một đất nước với khí hậu khắc nghiệt, nóng và khô. Họ phải hồi sinh nó để sống. Họ phải tìm ra những giải pháp sáng tạo, làm ra nước ngọt. Họ phát hiện ra cách để dùng rất ít nước tưới cho nhiều cây trồng - tưới nhỏ giọt. Theo cách này, mỗi cây sẽ nhận được lượng nước chính xác cần thiết trực tiếp vào rễ cây. Không hơn không kém. Kỹ thuật này đã phát triển trong nhiều thập kỷ và tiến bộ hơn theo thời gian. Hiện cây trồng cũng được bón phân cần thiết bên cạnh tưới nước. Quá trình này được máy tính hóa và được kiểm soát chất lượng tự động.

Ngoài tiết kiệm được rất nhiều nước, nó còn một lợi ích lớn khác. Bằng cách tối đa hóa tận dụng nước, nhu cầu tưới tràn trở nên thừa thãi. Lượng nước dư do tưới tràn, vốn thường bay hơi, để lại khoáng chất trong đất và dần dần hủy hoại nó. Do đó, trên thực tế tưới tiêu bằng cách tưới tràn khiến đất canh tác trở nên kém màu mỡ đi và đẩy nhanh sự sa mạc hóa cũng như phá hủy đất.

Một sự phát triển công nghệ nữa là khử mặn nước. Nhà khoa học Israel Alexander Zarchin đã phát triển một phương thức gọi là “thẩm thấu ngược”.

Trong phản ứng hóa học này, nước biển được tách thành nước uống và khoáng chất. Israel là nước đầu tiên dùng các nhà máy khử mặn với quy mô công nghiệp. Ngày nay, một nửa lượng nước uống của Israel xuất phát từ nước mặn ở Địa Trung Hải.

Khí hậu khắc nghiệt không thân thiện ở Israel, tình trạng thiếu nước liên tục, đất đai khô cằn và không màu mỡ đã buộc người Israel phải phát triển kiến thức về nước. Sinh ra đã không có nhiều lựa chọn, với nhu cầu tồn tại và trong khí hậu khó khăn, nhiều chuyên gia hàng đầu về nước đã xuất hiện ở Israel. Giữa sa mạc Negev ở Nam Israel có Viện nghiên cứu sa mạc Blaustein, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới về vấn đề chống sa mạc hóa.

Trong những năm qua, chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu ở mức độ chưa từng thấy. Ngay cả Việt Nam, một đất nước luôn có nhiều nước và sinh vật, cũng bị ảnh hưởng mạnh vì biến đổi khí hậu. Con sông Mekong rộng lớn chảy vào biển, đi qua các tỉnh đồng bằng miền Nam Việt Nam, đã hứng chịu tình trạng suy giảm lượng nước nghiêm trọng cũng như lưu lượng dòng chảy thấp, cuối cùng khiến nước mặn từ biển tràn vào sông và bờ sông. Ngoài ra, lượng mưa giảm khiến nhiều khu vực lớn, đặc biệt là ở duyên hải từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, trở nên khô hơn đáng kể.

Hạn hán và thiếu nước là một tình trạng mới ở Việt Nam và nhiều cư dân địa phương cảm thấy bất lực, không thể tự cung cấp trên mảnh đất này.

Chính phủ Việt Nam hiểu mức độ của cuộc khủng hoảng này và thực tế nó đang và sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới. Nhiều vùng đất canh tác hơn sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng và trở nên quá tải. Chính phủ đang sẵn sàng phân bổ năng lượng và nguồn lực cần thiết cho nông dân ở các tỉnh nhằm giúp họ đối phó, đồng thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn mới.

Israel và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao 27 năm trước, tiếp tục thắt chặt sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đối phó với nạn thiếu nước là một lĩnh vực mà hai nước thực hiện hợp tác rất hiệu quả và ý nghĩa. Israel vui mừng chia sẻ với bạn bè những kiến thức đã thu được trong nhiều thập kỷ qua. Kinh nghiệm và kiến thức mà Israel đã dày công tích lũy giờ có thể dùng được ở Việt Nam. Tôi tin rằng Việt Nam cũng sẽ đi qua con đường khó khăn này, nhưng Việt Nam có thể tận dụng kiến thức sẵn có này ở Israel để đem lại những giải pháp giảm nhẹ tình trạng khó khăn nhanh hơn.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp và là nguồn lương thực chất lượng cao không chỉ cho người dân nước mình mà còn cho cả thế giới. Chúng tôi ở Israel cũng tận hưởng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi cảm thấy vui mừng khi nông dân Việt Nam chọn sử dụng công nghệ và thiết bị Israel.

Liên hợp quốc đã tuyên bố ngày 17/6 là Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán, nhấn mạnh hơn vấn đề sa mạc hóa là một thách thức toàn cầu và đã có những hành động để nâng cao nhận thức chống lại thực trạng này. Chúng tôi ở Đại sứ quán Israel tại Việt Nam không phí hoài thời gian và cũng đang thúc đẩy chủ đề này.

Chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tiến hành một cuộc hội thảo trực tuyến về cách thức đối phó với nạn xâm nhập mặn, cũng như đề xuất giải pháp trong lĩnh vực tưới tiêu thông minh và trồng cây ở đất nhiễm mặn. Chuyên gia Israel Schlomo Kramer sẽ điều hành cuộc hội thảo, với sự tham gia của đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiến hành các hội thảo với sự dẫn dắt của đại diện các công ty Israel trong lĩnh vực quản lý nước, nông và ngư nghiệp ở các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, nơi họ sẽ trình bày các giải pháp của mình.

Biến đổi khí hậu đang rất nghiêm trọng và tác động của nó với chúng ta thật tồi tệ. Nhưng tôi hoàn toàn tin rằng nếu tất cả chúng ta, người Việt Nam, người Israel và những người khác chung tay, chúng ta sẽ chiến thắng.

Nadav Eshcar

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nadav-eshcar-viet-nam-israel-chung-tay-chong-lai-sa-mac-hoa-va-han-han-dam-bao-phat-trien-ben-vung-117523.html