Đại sứ Nga: Đức lâm 'ngõ cụt' trong chính sách ủng hộ Ukraine, sẽ chẳng có vũ khí kỳ diệu nào cả
Nga cho rằng, quan niệm về việc giáng một 'thất bại chiến lược' vào Moscow đang nhanh chóng mất đi sức hút ở Đức, thay vào đó là sự chú ý vào ý tưởng mở lại đối thoại.
Ngày 15/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lần đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin sau gần 2 năm. Theo Điện Kremlin, cuộc trò chuyện đề cập Ukraine, các diễn biến ở Trung Đông và quan hệ song phương. Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý duy trì liên lạc thông qua các trợ lý của họ.
Ngày 23/12, Đại sứ Nga tại Berlin Sergei Nechayev cho rằng, việc cử tri Đức coi cuộc khủng hoảng Ukraine là vấn đề trọng tâm và lập trường của họ sẽ tác động đến kết quả cuộc bầu cử Quốc hội sớm ở quốc gia Trung Đông, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2025 là lý do dẫn đến cuộc gọi trên.
Ông lưu ý: "Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người dân phản đối việc leo thang xung đột hoặc sự can dự trực tiếp của Đức", đồng thời, áp lực của công chúng với việc bình thường hóa quan hệ Berlin-Moscow đang tăng lên dần.
Bên cạnh đó, tham vọng áp đặt một "thất bại chiến lược" lên Nga đã không còn nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Đức, ngay cả trong số những nhân vật chính trị cứng rắn, do họ biết kết quả như vậy là "không khả thi".
Thay vào đó, những lời kêu gọi tái lập đối thoại với Moscow và theo đuổi một thỏa thuận hòa bình đang trở nên phổ biến hơn trong các cuộc thảo luận công khai.
Nhận định, chính sách của Đức ủng hộ Kiev 'bằng mọi giá' đã lâm vào ngõ cụt, nhưng Berlin vẫn "ngần ngại thừa nhận điều này", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh thêm, việc trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine, bao gồm cả vũ khí sát thương, sẽ kéo dài xung đột, đồng thời làm xấu đi mối quan hệ giữa Moscow và các quốc gia cung cấp vũ khí.
Cũng theo Đại sứ Nga, Moscow đã cảnh báo rõ ràng với Berlin về việc sẽ đáp trả bất kỳ hành động thù địch nào, bao gồm cả khả năng cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Kiev và kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Mỹ tại Đức.
Ông Nechayev chỉ ra rằng, ngay cả những người "ghét Nga nhất" cũng phải thừa nhận rằng, không có thứ "vũ khí kỳ diệu nào cả và tên lửa Taurus cũng sẽ không thay đổi được tình hình trên mặt trận".