Đại sứ Ngô Quang Xuân: Vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được củng cố
Đại sứ Ngô Quang Xuân, người có bề dày kinh nghiệm hoạt động ngoại giao đa phương tại Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức quốc tế khác, đã dành cho Nhân Dân điện tử cuộc trao đổi về việc Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Phóng viên: Được biết ông từng là Đại sứ Việt Nam tại LHQ trong giai đoạn Việt Nam đạt được một trong những dấu ấn ngoại giao quan trọng là bình thường hóa quan hệ với Mỹ, rồi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Đại sứ có thể kể lại những nỗ lực của Phái đoàn thường trực (PĐ) Việt Nam tại LHQ thời gian đó để có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm giúp chúng ta phá thế bao vây, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Mỹ?
Đại sứ Ngô Quang Xuân: Vừa thoát khỏi chiến tranh khốc liệt và lâu dài, cả thập niên 80 Việt Nam bị bao vây, cấm vận về chính trị và kinh tế. Có thể nói ở thập niên 80, PĐ Việt Nam tại LHQ đã tập trung toàn bộ lực lượng để đấu tranh phá thế bao vây cấm vận đó. Cho đến năm 1989 sau khi đã giúp đỡ chính phủ và nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng ta đã chuyển hướng sang tất cả các nội dung ở các diễn đàn diễn ra tại từng khóa Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ. Cả quá trình đó, PĐ Việt Nam tại LHQ đã tiến bộ vượt bậc để đáp ứng được yêu cầu mới.
Việc chúng ta tham gia tất cả các vấn đề mà ĐHĐ LHQ và các tổ chức quốc tế nêu ra tại diễn đàn lớn nhất thế giới này giúp bạn bè quốc tế thấy được Việt Nam có sự tự chủ, độc lập trong việc thực hiện đường lối đối ngoại. Cộng đồng quốc tế thấy sự tự tin, trách nhiệm, chủ động của Việt Nam tham gia các vấn đề quốc tế, vấn đề toàn cầu. Từ đó mà hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được củng cố.
Thông qua các nỗ lực ngoại giao bền bỉ và kiên định, đến năm 1995, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, ký hiệp định khung với Cộng đồng châu Âu (EC). Cũng trong năm đó, Việt Nam bắt đầu chuẩn bị đàm phán gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thể nhận định, năm 1995 như một bước ngoặt quan trọng trong việc hội nhập của Việt Nam vào khu vực và quốc tế. Tại diễn đàn LHQ, chúng ta thể hiện được là thành viên rất bình đẳng. Cho nên các nước thấy được Việt Nam rất tự chủ và tích cực trong đường lối đối ngoại vì hòa bình, ổn định, phát triển và vì sự hợp tác giữa các dân tộc và các quốc gia rất rõ ràng và tích cực.
Tôi nhớ tại khóa họp ĐHĐ tháng 9-1995, lần đầu tiên Đại sứ, Trưởng PĐ Việt Nam được Đại sứ Mỹ tại LHQ, khi đó là bà Madeleine Albright mời dự cuộc tham vấn của Mỹ với ASEAN. Theo thông lệ, trước cuộc họp của ĐHĐ LHQ, đại sứ Mỹ và các nước ASEAN sẽ có các cuộc tham vấn chuẩn bị cho cuộc họp kéo dài ba tháng. Không như tôi hình dung trước đó, cuộc gặp đầu tiên này diễn ra trong không khí rất hữu nghị. Bà Madeleine Albright kể rằng, con gái bà rất yêu mến Việt Nam từ những chuyến đi làm công tác từ thiện của cô tại Việt Nam và cô con gái nói rằng “mẹ phải yêu mến Việt Nam”. Câu chuyện đó khiến tôi cảm thấy rất vui và ngạc nhiên trong cuộc gặp đầu tiên tại LHQ sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của PĐ Việt Nam làm thay đổi suy nghĩ của các quốc gia thành viên LHQ khi đó đã phát huy hiệu quả.
Phóng viên: Sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã trúng cử Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ (khóa 52, 1997-1998), trúng cử phiếu cao nhất làm thành viên của Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 1997-1998, và một lần nữa được tín nhiệm bầu là thành viên ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018, hoàn thành tốt vai trò và trách nhiệm của Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, thành viên của Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021). Thưa Đại sứ, những lần đảm nhiệm các trọng trách khác nhau tại LHQ đó đã giúp cho Việt Nam có được những bài học quý báu gì cho lần ứng cử này?
Đại sứ Ngô Quang Xuân: Nỗ lực tham gia vào các cơ quan khác nhau của LHQ đó, thế giới nhìn vào Việt Nam và thấy rằng Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị rất cao. Tôi nghĩ đây không chỉ là bài học mà chính là kinh nghiệm về ngoại giao đa phương. Ở vị trí nào, trong bất cứ cơ quan nào của LHQ, từ ECOSOC đến Hội đồng Nhân quyền hay Ủy ban Luật pháp quốc tế, nhất là nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam cũng đóng góp hết sức trách nhiệm và chủ động. Các nước đã có độ tin cậy vào vai trò và đóng góp từ phía Việt Nam. Đây rõ ràng là điều rất quan trọng.
Trải qua các vị trí của các cơ quan khác nhau của LHQ, chúng ta có được sự tự tin, hiểu biết, tri thức, bản lĩnh hoạt động tại các cuộc họp đa phương được củng cố, giúp chúng ta có tâm thế vững vàng để bước vào các cuộc họp đa phương ở nhiều vấn đề khác nhau.
Ngoài ra, từ những kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều vị trí khác nhau đó, ta tích lũy được kinh nghiệm về cơ chế phối hợp, chỉ đạo từ Bộ Ngoại giao ở trong nước tới PĐ và cơ chế báo cáo từ PĐ trở về Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao. Ta có cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, bảo đảm cho hoạt động của chúng ta một cách thống nhất.
Một bài học thu được không kém phần quan trọng đó là sau bao nhiêu năm hoạt động, đứng vào các vị trí lãnh đạo của các cơ chế đa phương đó, chúng ta tích lũy được hiểu biết, kỹ năng hoạt động. Chính các thế hệ làm đối ngoại đa phương đã tiếp thu được kinh nghiệm, bề dày đó để thể hiện trong các nhiệm kỳ tiếp theo một cách vững vàng hơn, đóng góp tốt hơn.
Có như vậy, trong hội nhập chúng ta phối hợp được lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng quốc tế một cách phù hợp. Thực tế, chúng ta thấy được quan hệ đối ngoại, đặc biệt trong cơ chế hoạt động đa phương, luôn được dựa trên nguyên tắc là các bên cùng có lợi, các bên cùng thắng. Chúng ta làm cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một thành viên có đủ năng lực, sự tự tin, và đặc biệt là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm để hoàn thành tốt vai trò mà cộng đồng thế giới tín nhiệm giao phó.
Phóng viên: Đại sứ đánh giá thế nào về việc lần này Việt Nam được tất cả các nước khu vực châu Á -Thái Bình Dương đồng thuận cao giới thiệu là ứng cử viên duy nhất của khu vực cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021?
Đại sứ Ngô Quang Xuân: Chúng ta thấy vị thế và uy tín của Việt Nam đã được củng cố rõ ràng ở hoạt động ngoại giao đa phương và đặc biệt tại LHQ. Chính vị thế và uy tín đó giúp chúng ta có thể thuyết phục các thành viên khu vực ủng hộ Việt Nam.
HĐBA là cơ chế bảo đảm an ninh nhưng nó bao trùm nhiều vấn đề khác, trong lúc đó Việt Nam đã thể hiện qua các vị trí khác nhau cả ở LHQ và các diễn đàn chuyên ngành, khu vực khác như IPU, ASEM, APEC,.... Công việc phức tạp khác nhau nhưng ở vị trí nào Việt Nam cũng đều hoàn thành tốt vai trò của mình. Chúng ta cũng đã có được uy tín tại các diễn đàn đa phương như APEC, đặc biệt trong những năm gần đây, Việt Nam luôn thể hiện rõ nét vai trò tích cực trong ASEAN, các đối tác đối thoại rất coi trọng vị thế của Việt Nam trong tổ chức này. Tôi cho đây là sự kết hợp hài hòa, tích cực của nhiều yếu tố để chúng ta có thể hoàn thành được nhiệm vụ tốt nhất.
Qua hoạt động của nhiệm kỳ HĐBA trước, sau 10 năm chúng ta tiếp tục hoạt động, đóng góp trách nhiệm và tích cực tại các cơ chế, nên tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ được tín nhiệm cao cho vị trí Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021.
Phóng viên: Tình hình thế giới hiện nay so với 10 năm trước đã có những thay đổi đáng kể, nhưng với bề dày kinh nghiệm của Việt Nam, theo Đại sứ, Việt Nam sẽ đóng góp như thế nào cho công việc của HĐBA LHQ?
Đại sứ Ngô Quang Xuân: Đúng là hiện nay tình hình chính trị thế giới rất phức tạp, điều mà các thành viên LHQ cảm thấy bất an. Một loạt các vấn đề trước đây vốn âm ỉ nay bùng phát như quan hệ Mỹ-Nga; cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; hay việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển đại sứ quán tới Israel, công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel,… Chính vì vậy những nhiệm vụ truyền thống và phi truyền thống của LHQ và nhất là của HĐBA bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tham gia giải quyết xung đột giữa các quốc gia là một nhiệm vụ phức tạp nhưng với uy tín và kinh nghiệm của mình chúng ta sẽ chủ động thực hiện tốt vai trò, đóng góp cho ổn định, hòa bình của thế giới.
Việt Nam đã hoàn thành tám Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ cho giai đoạn 2000-2015 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hiện chúng ta và các quốc gia khác đang thực hiện 17 Mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể của chương trình phát triển bền vững của LHQ cho giai đoạn 2015-2030. Những kinh nghiệm thực tiễn có giá trị của Việt Nam chính là sự đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tốt hơn.
Đặc biệt năm 2020 Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta sẽ có thể gắn kết nhiệm vụ của Chủ tịch ASEAN với nhiệm vụ của Ủy viên không thường trực HĐBA cùng một nhiệm kỳ. Từ đó có thể đóng góp được rất nhiều, nhất là vấn đề làm thế nào để duy trì, liên kết an ninh hòa bình ổn định ở khu vực với toàn cầu.
Tôi tin tưởng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam sẽ luôn tích cực, chủ động, đóng góp thiết thực cho việc duy trì hòa bình, ổn định chung trong khu vực và trên toàn thế giới, đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động của HĐBA LHQ.
Phóng viên: Xin cảm ơn Đại sứ!