Đại sứ Nguyễn Hồng Thao: Đôi điều suy nghĩ về chống dịch

Các nhà khoa học, người dân hãy góp ý nhưng cần tin tưởng vào người chỉ huy với nhãn quan chiến lược của mình để quyết định.

Một trong những nỗ lực lớn góp ý chiến lược cho Chính phủ trong phòng chống đại dịch Covid-19 là của tập hợp các liên minh hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe và môi trường sinh thái ngày 17-8-2021. 38 điều chỉnh cụ thể trong chính sách phòng chống dịch của đất nước mà nhóm các nhà khoa học (cả trong và ngoài nước) đã đưa ra là dựa trên báo cáo nhóm tư vấn khoa học cho chính phủ Anh (SAGE) và tình hình Việt Nam.

Đừng vội chê bai

Đại dịch là quan tâm chung của nhân loại và chính sách công ảnh hưởng đến từng nhà. Ai cũng thấy có trách nhiệm lên tiếng và những người đang điều hành thì cảm thấy phê phán dễ hơn làm. Cá nhân tôi cũng muốn lên tiếng để giản đơn nhất về chính sách và kiến nghị theo tìm hiểu của mình.

COVID-19 có ba đặc điểm khác biệt: nhanh nhất, toàn cầu nhất, nguy hiểm nhất cho sức khỏe người dân và toàn bộ hoạt động của thế giới, tác động từ nông, công nghiệp, vận tải, thương mại, sở hữu trí tuệ, giáo dục, truyền thông, văn hóa, du lịch, thể thao, và thậm chí cả trí tuệ nhân tạo (AI).

Thách thưc toàn cầu phải có giải pháp toàn cầu, thách thức quốc gia phải có giải pháp quốc gia. Tiếc rằng cả thê giới đều bị động và cả hệ thống quản trị công thế giới cũng như từng quốc gia đều nhiễm bệnh.

Bệnh được tuyên bố phát ngày 31-12-2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng tới 30-1-2020 thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới tuyên bố đại dịch. Sự chậm trễ có nhiều lý do và một trong số đó là tính quan liêu, thủ tục rườm rà của Công ước về quy tắc sức khỏe IHR 2005, sự không hợp tác đầy đủ của các nước và sự hạn chế quyền lực của WHO.

Mỗi quốc gia theo đuổi một chiến lược mà mình cho là đúng. Việc phòng chống đại dịch tất nhiên là phải dựa vào khoa học. Càng nhiều số liệu, xử lý tốt thì càng có giải pháp hiệu quả cao. Tuy nhiên, COVID-19 là chưa từng có vì vậy nguyên tắc tiếp cận đề phòng trong bảo vệ môi trường nên được áp dụng. Việc phòng chống dịch nhất là bảo vệ sinh mạng không chờ phải có đủ các nghiên cứu và dữ liệu khoa học mới đưa ra biện pháp. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm là quy trình của cả thế giới trong đợt dịch này không riêng gì Việt Nam.

Vì vậy, đừng vội chê làm thế này là không được, là không khoa học, phê phán đủ đường. Các nhà khoa học, người dân hãy góp ý nhưng cần tin tưởng vào người chỉ huy với nhãn quan chiến lược của mình để quyết định.

Việt Nam đang dồn sức vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Việt Nam đang dồn sức vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Các chiến lược chống dịch

Từ 12-2019 đến nay, các nước trên thế giới áp dụng nhiều giải pháp khác nhau. Thứ nhất là phong tỏa, thắt chặt việc thực hiện giãn cách xã hội. Báo cáo của Nhóm nghiên cứu quốc tế độc lập có 28 nước thực hiện trong giai đoạn đầu và thành công, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Đặc điểm thành công của các nước này là nhanh, kiên quyết, đồng lòng, đặt sinh mạng con người trên hết, sẵn sàng hy sinh kinh tế, không một ai bị bỏ lại phía sau. Nước ta đã đóng cửa sớm ngay từ khi Vũ Hán thông báo dịch, nhờ vậy chúng ta có một năm sống trong hạnh phúc và an toàn.

Chính những nước đi đầu này bây giờ lại phải vật lộn với đợt dịch Delta và nhiều người nghi ngờ với những thành quả trước, thậm chí phủ nhận và đòi hỏi bỏ hẳn cách làm này.

Trung Quốc trung thành với giãn cách xã hội. Khi dịch bùng phát lại tại 18 tỉnh, họ cũng chỉ cần ba tuần để “bóc tách F0” và ổn định. Song giãn cách xã hội rất cần có nền kinh tế vững, đủ cung cấp thiết yếu cho người dân tại vị và kỷ luật. Phạm vi giãn cách xã hội càng rộng thì càng ảnh hưởng đến kinh tế và người dân. Vậy nên, không phải nước nào cũng có thể áp dụng giãn cách xã hội mãi được.

Ngoài ra, một số quốc gia thực hiện chiến lược tạo miễn dịch cộng đồng bằng việc để tự lây nhiễm. Tuy nhiên, đa số các quốc gia chọn cách tạo miễn dịch cộng đồng bằng việc tiêm vaccine, làm nền tảng để trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Moderna và Oxford đã đi tiên phong nghiên cứu từ ngày 20-1-2020 khi mới có 600 người chết vì COVID-19. Vaccine đã mang lại niềm vui cho Mỹ, Anh, Israel và nhiều nước giàu có khác. Tuy nhiên, khi niềm hi vọng vào vaccine chưa định hình được cuộc sống “bình thường mới” thì chủng Delta xuất hiện.

Israel, quốc gia có 62% người dân đã tiêm chủng hai mũi, đang chuẩn bị giãn cách xã hội lần thứ 4. New Zealand áp dụng giãn cách toàn quốc. Mỹ và các nước khác kêu gọi tiêm mũi thứ 3. Nên nhớ, lượng vaccine chỉ tập trung ở bảy nước sản xuất, còn lại đều phải phụ thuộc. Vaccine trở thành “vũ khí chính trị”, vì vậy nếu các nước không thể chủ động nguồn cung mà hoàn toàn dựa vào chiến lược chống dịch bằng vaccine hoàn toàn thì vô cùng khó khăn và không khả thi.

Vì vậy, một mặt các nước phải tìm kiếm nguồn cung vaccine, ví dụ thông qua “ngoại giao vaccine”, một mặt phải chủ động sản xuất vaccine. Vaccine có vai trò quan trọng giảm thiểu số ca bệnh chuyển nặng và tỷ lệ tử vong song không nên chủ quan cho rằng cứ tiêm phủ toàn bộ là đạt miễn nhiễm cộng đồng. Vaccine không thay thế giãn cách xã hội và các biện pháp y tế công cộng như 5K. Chúng là các thành phần bổ trợ cho nhau trong một chiến lược phòng chống dịch chung.

TP.HCM đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt kết hợp xét nghiệm, vaccine và chăm sóc F0 để sớm vượt qua đại dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt kết hợp xét nghiệm, vaccine và chăm sóc F0 để sớm vượt qua đại dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chọn lựa nào cho Việt Nam?

Việt Nam chưa có vaccine chính thức được sử dụng, hạn chế về nguồn lực kinh tế so với các nước giàu có, vì vậy phải có một chiến lược linh hoạt, mềm dẻo.

Trong ngắn hạn, giãn cách xã hội vẫn là biện pháp chống dịch phải áp dụng mặc dù giải pháp này gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, làm đời sống người dân gặp phải nhiều vấn đề khó khăn về vật chất lẫn tinh thần.

Trong tình hình cấp bách, chuyện cứu trợ đừng chú trọng vào việc so đo giấy tờ, thủ tục. TP.HCM có 11 triệu dân, trong đó tôi tạm tính có khoảng 3 triệu hộ ngoại tỉnh, trong đó coi là 2 triệu hộ cơ nhỡ, thiếu thốn. Hãy triển khai tốt nhất có thể chương trình 2 triệu phần lương thực, tuyên bố miễn tiền trọ, điện nước cho họ để không phải đi đâu trong một tháng thực hiện giãn cách.

Ngoài ra, phải có kịch bản phòng chống dịch cấp quốc gia, cấp địa phương, ngành, công khai nhằm nâng cao vai trò chống dịch cấp cơ sở, địa phương dưới sự giám sát và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ để đảm bảo chính sách chống dịch vừa hiệu quả, vừa thống nhất giữa các tỉnh, thành...

Các bài toán về nguồn cung vaccine đã được triển khai tốt. Một mặt, Chính phủ thúc đẩy “ngoại giao vaccine”, mặt khác đầu tư cho quá trình sản xuất vaccine nội của Việt Nam một cách khoa học, an toàn, hiệu quả. Nếu Việt Nam thành công chế tạo vaccine hiệu quả, nước ta sẽ là một trong 14 quốc gia có khả năng tự chủ vaccine.

Về vấn đề cách ly F0 tại nhà cũng cần được nghiên cứu và thực hiện hiệu quả hơn. Bài học từ Singapore cho thấy trước đây họ chủ trương điều trị F0 tại nhà (chắc là do quá tải). Nhưng gần đây, họ điều chỉnh chữa trị cho F0 tại bệnh viện, trong khi yêu cầu F1 tự cách ly ở nhà để theo dõi.

Đây là bài toán sàng lọc và cũng là bài toán về năng lực hệ thống y tế, cần linh hoạt trong thực hiện. Cần rút kinh nghiệm và nghiên cứu mô hình sàng lọc và xây dựng hệ thống y tế hiệu quả để về lâu dài có thể thích nghi tốt với SARS-CoV-2 và các đại dịch tương tự trong tương lại.

Điều quan trọng là khâu tổ chức phòng chống dịch phải cực kỳ hiệu quả. Dịch không phân biệt vùng miền, tỉnh, thành hay địa giới hành chính. Vì vậy, nhiều địa phương đôi khi tỏ ra lúng túng trong tổ chức phòng, chống dịch làm sao vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh tế, vừa đảm bảo mạng sống người dân được an toàn.

Cần phải nhìn nhận dịch bệnh theo vùng nguy cơ, như Chính phủ khuyến cáo từ trước, là “vùng xanh” (an toàn), hay “vùng đỏ” (nguy cơ cao). Các chuyên gia đều cho thấy, khi vùng đỏ trỗi dậy và hệ thống y tế, giường bệnh quá tải thì không có cách nào khác là phải giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, ngay cả khi giãn cách thì các hoạt động cung ứng cũng cần được tạo điều kiện để không bị đứt gãy hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng. Không để các địa phương tự ý “ngăn sông cấm chợ”, hoặc áp dụng các biện pháp chống dịch cực đoan không cần thiết. Trong khi đó, vùng xanh vừa đề phòng, phải 5K và tầm soát, nhưng cũng vừa duy trì sản xuất, trở thành “hậu phương” cho vùng đỏ.

Một điều nữa cũng cần chú ý, rút kinh nghiệm là đối tượng ưu tiên khi có dịch. Điều này rất quan trọng vì nguồn lực của chúng ta (tiền của, vaccine, giường bệnh,…) đều hữu hạn trong khi tốc độ lây lan dịch bệnh lại rất nhanh. Trong chiến đấu không thể dàn quân khắp các mặt trận mà cần có đánh điểm, có ưu tiên cho từng mục tiêu cụ thể.

Ưu tiên số một là hệ thống y tế, các y bác sĩ tuyến đầu, quân đội công an – những người phải được bảo vệ tối đa (ưu tiên vaccine, đồ bảo hộ,…). Sau đó, chính là người già, có bệnh nền để họ không trở nặng, gây quá tải y tế.

Kế tiếp chính là những người nghèo khó, họ dễ bị tổn thương do các biện pháp chống dịch như giãn cách. Vậy nên, các gói sinh kế, y tế kịp thời là vừa nhân văn, vừa giúp họ an tâm và ủng hộ giải pháp chống dịch của nhà nước.

Quan trọng tiếp theo là những người tham gia sản xuất ngay khi dịch bệnh giãn cách. Điều này giúp duy trì chuỗi cung ứng và kinh tế có đà phục hồi sau đại dịch.

Cuối cùng là vấn đề công nghệ. Chúng ta hô hào công nghiệp 4.0 nhưng 1,5 năm nay từ một Blue Zone sang một loạt app tờ khai y tế, app đăng ký tiêm chủng, app di cư... Thời gian đủ để tích hợp tất cả các app vào thành một và cho mỗi người một QR code là đủ để khắc phục mọi loại giấy tờ thời đại dịch.

ĐẠI SỨ NGUYỄN HỒNG THAO

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su-/chinh-kien/dai-su-nguyen-hong-thao-doi-dieu-suy-nghi-ve-chong-dich-1010264.html