Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Bóng hồng sắc sảo trên 'đấu trường' ngoại giao

Với gần 40 năm trong ngành ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trải qua nhiều 'đấu trường' ngoại giao đầy gian nan, thử thách và trở thành người truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê cho nhiều cán bộ nữ trong cân bằng cuộc sống và vươn lên để tạo 'chất' riêng cho mình với nghề.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. (Ảnh: Tuấn Anh)

Là một người may mắn được tác nghiệp tại nhiều sự kiện có sự tham gia của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, tôi luôn ấn tưởng bởi “chất” riêng trong vị nữ Đại sứ sắc sảo. Đó là tri thức, bản lĩnh, nét thanh lịch và sự quan tâm với những người xung quanh. Và tôi ấn tượng ở cả trang phục của nữ Đại sứ mỗi khi xuất hiện, không cầu kỳ, rực rỡ, khi thì là chiếc váy, bộ vest sẫm màu, khi thì là tà áo dài truyền thống Việt Nam, đều toát lên vẻ thanh lịch và nữ tính.

Yêu nghề bằng cả trái tim

Cách đây gần 40 năm, Đại sứ Nguyệt Nga khi đó là cô sinh viên mới tốt nghiệp “chân ướt, chân ráo” bước vào ngành ngoại giao đúng thời điểm đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn do khủng hoảng kinh tế, bị bao vây cấm vận…

Xuất thân từ “con nhà nòi”, cô sinh viên có sự khởi đầu khá thuận lợi khi đã sớm hiểu phần nào về nghề và có thể bắt nhịp công việc dễ dàng hơn. Thế nhưng, khi đó, tỷ lệ cán bộ nữ làm đối ngoại rất thấp, chỉ khoảng 15% và chỉ có khoảng hai hay ba nữ Vụ trưởng và nữ Đại sứ. Chính vì lẽ đó, cô cán bộ ngoại giao ngày ấy luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực từng ngày.

Đối với nhiều thế hệ các nhà ngoại giao đi trước, đặc biệt là các nhà ngoại giao nữ khi ấy, sau khi vào Bộ Ngoại giao đều có một điểm chung đó là niềm say mê, tận tụy với nghề và tinh thần ham học hỏi. Và đối với Đại sứ Nguyệt Nga cũng vậy, quá trình gắn bó với nghề cũng chính là quãng thời gian bà không ngừng học hỏi và tích lũy về ngoại giao song phương, đa phương, về các vấn đề chính trị - an ninh và kinh tế, xã hội….

Trong ngành ngoại giao, sau thế hệ những tên tuổi nữ quyền được quốc tế nể phục như bà Nguyễn Thị Bình, Hồ Thể Lan, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Hồi, Phan Thúy Thanh... thì Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga thuộc thế hệ những nhà ngoại giao nữ tài danh, được nhiều người trân quý, cảm phục như bà Nguyễn Phương Nga, Hồ Đắc Minh Nguyệt...

Nữ Vụ trưởng đầu tiên về kinh tế của Bộ Ngoại giao, Quan chức cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Phó trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương... chỉ là những gạch đầu dòng nhỏ trong gần 40 năm làm đối ngoại của Đại sứ Nguyệt Nga.

Mỗi lần gặp Đại sứ Nguyệt Nga ở bất cứ sự kiện trong hay ngoài Bộ Ngoại giao, tôi luôn cảm nhận được niềm đam mê và tận tụy với nghề của bà, sự khích lệ tinh thần sáng tạo và tính chuyên nghiệp với những đồng nghiệp.

Không ít lần tôi được nghe những câu cảm thán “phục sát đất” về năng lượng làm việc đến lạ kỳ của Đại sứ Nguyệt Nga. Không ít lần bà thức trắng đêm mỗi khi tham gia đàm phán, tổ chức đăng cai sự kiện quốc tế ở trong nước hay phục vụ đoàn Lãnh đạo cấp cao dự hội nghị quốc tế, song bắt đầu một ngày mới, bà vẫn xuất hiện bằng nụ cười tươi tắn và sảng khoái.

Tôi từng đọc được một bài báo, trong đó Đại sứ Nguyệt Nga đã chia sẻ rằng, hội nhập quốc tế của đất nước trong thời đại số ngày càng toàn diện và sâu rộng, nên công việc của cán bộ ngoại giao không chỉ tăng lên rất nhiều về khối lượng, chất lượng và độ sâu, mà còn đòi hỏi phải có tốc độ và sự sáng tạo, mọi vấn đề đều cần phải có phương án xử lý chủ động và nhanh nhất có thể. Chính vì vậy, nữ Đại sứ cùng các đồng nghiệp trong đơn vị đã luôn đặt ra những chuẩn mực cao, tạo cho nhau những thử thách và cả áp lực trong xử lý công việc, rèn giũa bản lĩnh và kỹ năng, để khi tham gia các “trận đấu” cán bộ ngoại giao Việt Nam không hề thua kém các đồng nghiệp quốc tế.

Người phụ nữ có gần bốn thập niên gắn bó với ngành ngoại giao đó đã trở thành một hình mẫu nhà ngoại giao nữ hiện đại trong lòng nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ. Có thể nói, ở Đại sứ Nguyệt Nga hội tụ đầy đủ những yếu tố cần có của một nhà ngoại giao nữ thời nay: Sắc sảo bởi trí tuệ, thanh lịch trong trang phục và nhân hậu trong thần thái.

Thế nhưng, là một nhà ngoại giao, bà không “cậy” mình là nữ, mà luôn tự hào về những thế mạnh của nữ giới trong nghề. Bởi bà luôn tâm niệm, ngoại giao thực chất là mối quan hệ giữa con người với con người, từ trái tim đến với trái tim và đây chính là nơi sức mạnh mềm, truyền thống nhân ái, sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam được phát huy.

Luôn trăn trở vì sự tiến bộ của phụ nữ

Dù bộn bề công tác chuyên môn là vậy, song Đại sứ Nguyệt Nga luôn “đau đáu” về thúc đẩy bình đẳng giới và là một trong những nữ Vụ trưởng đi đầu đẩy mạnh, triển khai nhiều hoạt động, sáng kiến nhằm nâng tầm phấn đấu, gắn kết chị em trong ngành.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trao đổi cùng các đại biểu tại Diễn đàn Việt Nam – Australia về nâng cao vai trò và đóng góp phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại trong kỷ nguyên số, ngày 3/10/2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trao đổi cùng các đại biểu tại Diễn đàn Việt Nam – Australia về nâng cao vai trò và đóng góp phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại trong kỷ nguyên số, ngày 3/10/2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Khác với thời điểm gần 40 năm trước khi Đại sứ Nguyệt Nga mới bước chân vào ngành, hiện nay tỷ lệ cán bộ nữ trong ngành đã tăng mạnh lên đến hơn 44%, với tỷ lệ nữ Đại sứ và nữ Vụ trưởng là gần 17% và Phó Vụ trưởng nữ là khoảng 29% - cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình tương ứng 9,8% và 20% của các Bộ, ngành trung ương. Những con số này cho thấy bức tranh bình đẳng giới của Bộ Ngoại giao nay đã mang diện mạo mới, rất đáng tự hào.

Đại sứ Nguyệt Nga đã từng chia sẻ bên lề một hội thảo rằng, những con số “biết nói” đó khiến bà “rất phấn khởi và vô cùng tự hào. Bởi lẽ, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều cán bộ nữ ngoại giao được công nhận tài năng, có nhiều cơ hội vươn lên và được giao phó đảm nhận những trọng trách lớn hơn”.

Dù bức tranh bình đẳng giới của ngành đã có những gam màu tươi sáng sau nhiều thập niên, song Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, vẫn còn đó không ít thách thức đang đặt ra đối với nỗ lực bình đẳng giới.

Đặc biệt là kỷ nguyên số đã và đang làm thay đổi căn bản phương thức phát triển của nhân loại, từ sản xuất, tiêu dùng, tư duy, lối sống…đến sự kết nối, tương tác trong xã hội và quan hệ giữa các quốc gia. Điều đó tất yếu đòi hỏi các “nhà ngoại giao 4.0”, dù là ở nước phát triển hay đang phát triển, không chỉ phải có cách nghĩ mới, cách làm mới trong những vấn đề vốn có lâu nay như thể chế và chính sách bình đẳng giới, định kiến xã hội, cân bằng giữa công việc - cuộc sống - gia đình..., mà còn phải kịp thời nắm bắt xu thế cũng như những thay đổi và chủ động thích ứng.

Trong một chia sẻ mới đây tại buổi giao lưu cuối năm mang tên “Chị em ngoại giao chúng mình”, Đại sứ Nguyệt Nga đã chia sẻ rằng, trong thời đại số, trước muôn vàn thách thức hiện hữu song cũng có không ít cơ hội đón chờ, mỗi cán bộ nữ phải sẵn sàng cho sự thay đổi, phải học hỏi không ngừng, có ý chí đi đến cùng đam mê và khát vọng với niềm tin “chúng ta phải làm được và sẽ làm được”.

“Cốt cách của cán bộ nữ ngoại giao Việt Nam thời đại số thể hiện ở bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, năng lực sáng tạo, đa năng và lòng nhân ái,” nữ Đại sứ nhấn mạnh. Nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng, cán bộ ngoại giao nói chung và cán bộ nữ ngoại giao nói riêng cần luôn cập nhật kiến thức, chủ động nắm bắt các công nghệ mới để thích ứng với kỷ nguyên số, chủ động nâng cao kỹ năng cần thiết trong công việc như tư duy sáng tạo, kỹ năng tương tác, kết nối rộng rãi, làm việc nhóm, quản lý thời gian, năng lực lãnh đạo, thích ứng với thay đổi, ứng phó với thách thức và xử lý khủng hoảng…

Đại sứ Nguyệt Nga coi sự gắn kết, sẻ chia giữa phụ nữ với nhau như một điểm tựa hết sức thiết yếu để thành công trong thế giới toàn cầu hóa thời nay. Có lẽ vì vậy mà nữ Đại sứ đã là một trong những nữ cán bộ ngoại giao nhiệt tâm thúc đẩy những ý tưởng về thiết lập “Mạng lưới nữ Vụ trưởng – Đại sứ và Trưởng Cơ quan đại diện của Bộ Ngoại giao” để làm nòng cốt cho gắn kết các thế hệ nữ ngoại giao, “Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội”, giao lưu kết nối các Đại sứ nữ quốc tế tại Hà Nội với cán bộ nữ ngoại giao nước ta, Dự án giữa hai Bộ Ngoại giao Việt – Úc về “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trong kỷ nguyên số” …

Trong mỗi bài phát biểu, mỗi câu chuyện chia sẻ và cả những vấn đề mà nữ Đại sứ đưa ra luôn chất đầy một tinh thần truyền lửa đam mê đến với những đồng nghiệp nữ, vẫn làm việc hăng say để bảo đảm sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành ngoại giao, để tà áo dài Việt Nam có thể tỏa sáng ở các diễn đàn quốc tế.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-nguyet-nga-bong-hong-sac-sao-tren-dau-truong-ngoai-giao-138563.html