Đại sứ Pháp Nicolas Warnery: Chia sẻ vaccine Covid-19 cần dựa trên tinh thần đoàn kết và nhân văn
Trả lời phỏng vấn TG&VN, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho rằng Pháp và Việt Nam chung tay trong cuộc chiến Covid-19 là điều hiển nhiên. Hai nước đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong lúc hai bên cần nhất.
Thưa Đại sứ, ngày 12/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng tải trên Twitter thông tin Pháp quyết định chia sẻ cho Việt Nam 670.000 liều vaccine Astra Zeneca thông qua cơ chế COVAX. Đại sứ có thể chia sẻ ý nghĩa của hoạt động này đối với quan hệ 2 nước?
Việc Pháp trao tặng lô vaccine phòng Covid-19 gồm 670.080 liều AstraZeneca là cử chỉ thể hiện tình đoàn kết của Pháp dành cho một đất nước bạn bè đang trong giai đoạn khó khăn. Các lãnh đạo Việt Nam đã đề nghị chính phủ Pháp và chúng tôi đã hồi đáp lại yêu cầu này.
Nước Pháp cũng đã nhận được sự trợ giúp của Việt Nam trong làn sóng dịch đầu tiên vào tháng 3/2020, với những lô khẩu trang đúng lúc nước Pháp đang hết sức cần.
Chúng tôi rất vinh dự hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng toàn dân của Việt Nam, đây cũng là giải pháp duy nhất để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh một cách bền vững.
Đại sứ quán Pháp và Tổng Lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đóng góp một phần khiêm tốn đối với chiến dịch tiêm chủng được triển khai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dành cho cộng đồng người Pháp tại Việt Nam và toàn thể nhân viên người Việt Nam làm việc trong mạng lưới ngoại giao Pháp.
Pháp và Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ, là đối tác lâu đời, có quan hệ chiến lược. Mối quan hệ chặt chẽ này gắn bó hai dân tộc chúng ta. Vì vậy, cũng là hiển nhiên khi chúng tôi chung tay trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.
Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của cơ chế COVAX trong việc phân bổ, cung ứng vaccine trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay? Qua đó, theo Đại sứ, hợp tác đa phương phòng chống đại dịch có ý nghĩa như thế nào?
Cơ chế COVAX là một công cụ tuyệt vời và cần thiết của tình đoàn kết quốc tế. Được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng vào tháng 4/2020, được hỗ trợ ngay từ ngày đầu thành lập bởi Liên minh châu Âu (EU) và Pháp, cơ chế COVAX tạo điều kiện để tiếp cận vaccine Covid-19 một cách công bằng cho mọi quốc gia.
Hơn 156 triệu liều vaccine đã được chuyển đến các nước thụ hưởng thông qua cơ chế này, trong đó 9.176.100 liều vaccine dành cho Việt Nam.
Mục tiêu từ bây giờ cho đến cuối năm của COVAX là cung cấp đủ số liều vaccine (khoảng 1,2 tỷ liều) để đạt được ít nhất 20% dân số được tiêm chủng trong 92 quốc gia thuộc khuôn khổ Cam kết Thị trường Tiến bộ (AMC-advanced market commitment).
Bên cạnh các đóng góp tài chính cho cơ chế COVAX để mua và vận chuyển vaccine, Pháp đã khuyến khích thiết lập cơ chế trao tặng vaccine từ những quốc gia sẵn có. Chính phủ Pháp cũng thông báo sẽ chia sẻ, trong năm nay, 60 triệu liều và EU đã cam kết 150 triệu liều.
Hợp tác đa phương đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.
Theo Đại sứ, điều gì là quan trọng nhất khi các quốc gia chia sẻ và hỗ trợ vaccine lẫn nhau?
Trước thách thức dịch bệnh toàn cầu này, cũng như những khó khăn về cung cấp vaccine với rất nhiều quốc gia, chúng ta phải cùng nhau đoàn kết, có tinh thần nhân văn và tập thể, tùy theo khả năng của mỗi quốc gia. Ngoại giao vaccine cũng là một nỗ lực cho những mục tiêu này.
Việc kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam năm 2020 rất hiệu quả. Thông qua chính sách truy vết và giãn cách xã hội, Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong. Chính sách 5K được các cơ quan triển khai triển khai và người dân thực hiện một cách nghiêm túc.
Tháng 4 vừa qua, đợt dịch mới xảy ra nghiêm trọng hơn, nhanh hơn và rộng hơn trên toàn quốc. Làn sóng thứ 4 này rất nguy hiểm, do đó, việc tiêm chủng là giải pháp duy nhất để có thể đảm bảo việc kiểm soát dịch bệnh lâu dài, giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và xã hội cũng như mở cửa lại biên giới.