Đại sứ Pháp tại Việt Nam: Hà Nội độc đáo và quyến rũ
Cách đây 20 năm, thành phố Hà Nội của Việt Nam và Caen của Cộng hòa Pháp nằm trong số các thành phố được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là 'Thành phố Vì hòa bình'. Nhân dịp Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14-7), phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary về sự kiện đặc biệt này.
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary.
- Thưa ngài Đại sứ, tháng 7-1999, thành phố Hà Nội (Việt Nam) được UNESCO trao tặng giải thưởng "Thành phố Vì hòa bình". Cùng năm đó, thành phố Caen (Pháp) cũng được vinh danh. Xin ngài Đại sứ cho biết đánh giá của ngài về sự kiện đặc biệt này cũng như những điểm tương đồng giữa hai thành phố?
- Bước ngoặt những năm 2000 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và thành phố Hà Nội. Năm 1997, Hà Nội là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ lần thứ 7. Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất do Việt Nam đứng ra tổ chức vào thời điểm đó và cũng là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức tại châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó đến nay, chưa có Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ nào được tổ chức tại khu vực này. Hai năm sau đó, UNESCO công nhận Hà Nội là "Thành phố Vì hòa bình", cùng năm với thành phố Caen của Pháp.
Lịch sử Hà Nội và Caen có nhiều điểm vừa khác biệt, vừa tương đồng: Hà Nội có lịch sử hàng nghìn năm và hiện là một đô thị với khoảng 8 triệu dân, trong khi Caen là một thành phố cổ với dân số 100.000 người. Cả hai thành phố đều mang những dấu tích chiến tranh trong thế kỷ XX. Hà Nội đã hứng chịu nhiều bom đạn trong chiến tranh, mà trụ sở Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hiện giờ vẫn còn lưu chứng tích. Caen cũng phải chịu các đợt ném bom chiến lược của Đồng minh trong Thế chiến lần thứ 2 và là nơi diễn ra Trận chiến Normandie sau khi Đồng minh đổ bộ ngày 6-6-1944.
Nhưng vượt lên tất cả, hai thành phố luôn quyết tâm cam kết vì hòa bình. Đặc biệt, Hà Nội đã thể hiện vai trò nổi bật vào tháng 2 vừa qua khi thành phố chào đón Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un. Còn Caen, ngày 4 và 5-6 vừa qua, thành phố đã tổ chức Diễn đàn thế giới Normandie lần hai vì hòa bình, ngay trước lễ kỷ niệm 75 năm quân Đồng minh đổ bộ, với sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cả hai sự kiện lớn diễn ra tại Hà Nội và Caen đều lan tỏa mạnh mẽ những giá trị hòa bình đến với cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Bertrand Lortholary đi dạo bên Hồ Hoàn Kiếm
- Để được công nhận là "Thành phố Vì hòa bình", các thành phố phải đáp ứng một số tiêu chí như đóng góp vào công cuộc đấu tranh vì hòa bình, đạt được các tiêu chuẩn về xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường sống, khuyến khích văn hóa, giáo dục, chăm lo cho thế hệ trẻ, tăng cường hợp tác quốc tế… Ngài đánh giá như thế nào về nỗ lực của Hà Nội nhằm đáp ứng những tiêu chí này?
- Hà Nội hay Caen, dĩ nhiên đã đáp ứng tất cả những tiêu chí để được UNESCO ghi nhận là thành phố vì hòa bình. Tôi xin nhấn mạnh đến một trong số những tiêu chí này: Chất lượng của những quan hệ đối tác quốc tế. Về phương diện này, quan hệ hợp tác phi tập trung giữa các thành phố và địa phương là một mảng quan trọng trong quan hệ Pháp - Việt.
Hà Nội từ lâu đã thiết lập quan hệ đối tác với vùng Ile-de-France cũng như với Toulouse - thành phố vừa là nơi diễn ra Hội nghị Hợp tác phi tập trung Pháp - Việt lần thứ 11 vào tháng 4 vừa qua. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự sự kiện này.
Thành phố Caen cũng đang có những trao đổi với tỉnh Phú Thọ. Hai địa phương đã thống nhất về các chủ đề hợp tác và đang trong quá trình chuẩn bị cho một dự án hợp tác.
- Ngài Đại sứ dự báo như thế nào về sự phát triển của Hà Nội trong tương lai và những kỳ vọng của ngài đối với mối quan hệ hợp tác giữa Pháp với Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng ?
- Như tôi đã đề cập, mối quan hệ giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France sẽ được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới, sau chuyến thăm của bà Valérie Pécresse, Chủ tịch vùng Ile-de-France.
Quan hệ hợp tác này liên quan đến nhiều lĩnh vực. Với nhiều kinh nghiệm về đô thị hóa và quy hoạch phát triển, Pháp sẽ giúp Hà Nội phát huy những thế mạnh riêng của thành phố. Viện Đào tạo các nghề đô thị, nay là Paris Région Expertise (PRX), từ 18 năm nay đã hợp tác với UBND thành phố Hà Nội trong lĩnh vực phát triển đô thị. PRX phát huy những thế mạnh của vùng Ile-de-France trong các lĩnh vực: Kiến trúc, đô thị, giao thông công cộng, môi trường, di sản và du lịch.
Sự phát triển của Hà Nội cũng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Pháp, đặc biệt là tuyến đường sắt đô thị số 3 của Hà Nội, với hỗ trợ tài chính của Pháp và sự tham gia của một liên danh doanh nghiệp Pháp, sẽ cho phép cải thiện điều kiện đi lại của người dân Hà Nội, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Một dự án chợ đầu mối đang trong quá trình trao đổi với công ty Semmaris để người dân Hà Nội được thụ hưởng thực phẩm an toàn và chất lượng...
Tôi rất lạc quan về tương lai mối quan hệ giữa Pháp với Việt Nam và với thành phố Hà Nội nói riêng.
- Xin ngài Đại sứ chia sẻ cảm nghĩ của ngài sau khoảng thời gian sống và làm việc tại Hà Nội ?
- Chỉ còn vài tuần nữa là nhiệm kỳ công tác của tôi sẽ kết thúc. Và ngay lúc này, tôi đã cảm thấy tiếc nhớ môi trường sống độc đáo và đầy quyến rũ của Hà Nội. Ba năm sống tại Việt Nam, tôi đặc biệt nhớ đến sự tiếp đón mà người Hà Nội dành cho tôi, nhớ không khí vô cùng đặc biệt của những ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Mỗi ngày đại diện cho nước Pháp tại Việt Nam trong suốt ba năm qua, đối với tôi, là một đặc ân và niềm hạnh phúc.
- Xin trân trọng cảm ơn ngài Đại sứ!