Đại sứ quán Nga tiết lộ điều kiện sống ngày càng khó khăn ở Triều Tiên
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng cho biết điều kiện sinh hoạt tại Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh các hạn chế do đại dịch COVID-19 dẫn đến cạn kiệt vật tư y tế và các nhu yếu phẩm khác.
Các nhà ngoại giao Nga và các thành viên trong gia đình sử dụng xe đẩy đường sắt bằng tay rời Triều Tiên. Ảnh Kyodo
Bài liên quan
Mỹ phối hợp chặt chẽ Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên
Triều Tiên có thể trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân
Em gái của Nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc
Triều Tiên nói Mỹ sai lầm ngay bước đầu khi phản ứng với vụ thử tên lửa
Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào hôm thứ Năm (2/4), các nhân viên của Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng cho biết nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đang rời khỏi Bình Nhưỡng do điều kiện sống ngày càng khó khăn tại đây.
Hiện chỉ còn 290 người nước ngoài còn ở lại Bình Nhưỡng. Vào tuần trước, Liên Hợp Quốc cho biết họ không còn nhân viên quốc tế nào làm việc tại thành phố này. Các văn phòng đại diện của 12 quốc gia bao gồm Anh, Venezuela, Brazil và Đức đã đóng cửa và các nhân viên nước ngoài tại các tổ chức nhân đạo quốc tế đều đã rời khỏi đất nước, theo Đại sứ quán Nga.
Nga là một trong những nước có mối quan hệ ngoại giao thân thiết với Triều Tiên, nhưng các nhân viên đã bắt đầu rời đi do tình trạng thiếu hụt thuốc và nhu yếu phẩm nghiêm trọng. Các nhân viên của Đại sứ quán Nga chia sẻ: “Không phải ai cũng có thể chịu đựng các lệnh giới hạn này vì sự nghiêm trọng chưa từng có của nó, tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm, bao gồm cả thuốc men, cũng như việc không thể giải quyết các vấn đề về sức khỏe”.
Bộ Ngoại giao Nga hồi tháng 2 cũng đã công bố một đoạn video quay cảnh các nhà ngoại giao và gia đình của họ đi qua biên giới từ Triều Tiên trên một chiếc xe đẩy tay.
Hiện các đại sứ từ 9 quốc gia bao gồm Nga, Trung Quốc và Cuba được cho là vẫn ở lại và đang tiếp tục nhiệm vụ của mình ở Triều Tiên.
Các đại sứ quán ở Bình Nhưỡng đã thông báo về tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu trong nước thông qua mạng xã hội và các kênh khác kể từ đầu năm. Đại sứ quán Nga trong bài đăng hôm thứ Năm (1/4) cho biết việc thiếu thuốc có nghĩa là các vấn đề sức khỏe không thể giải quyết ở Triều Tiên.
Hồi tháng 2, báo cáo viên đặc biệt về tình hình Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc từng cảnh báo các biện pháp giới hạn dịch bệnh của quốc gia này đã gây ra tình trạng đã gây khó khăn kinh tế nghiêm trọng ở quốc gia vốn có nhiều nguy cơ về an ninh lương thực này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn của Triều Tiên là việc đóng cửa biên giới với đối tác thương mại Trung Quốc từ tháng 1/2020 để cố gắng ngăn chặn COVID và đợt lũ lụt trên diện rộng vào mùa hè năm ngoái đã làm trầm trọng thêm tình trạng tồi tệ của Bình Nhưỡng.
Tại một cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 2, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết hoạt động sản xuất than đã bị đình trệ do thiếu điện. Một khu liên hợp hóa chất lớn cũng buộc phải đóng cửa vì thiếu các bộ phận thay thế.
Theo một Cơ quan chuyên theo dõi của Hàn Quốc ước tính, Triều Tiên phải đối mặt với tình trạng thiếu 1 triệu tấn ngũ cốc. Tuy nhiên, Triều Tiên có thể nối lại thương mại với Trung Quốc sớm nhất là trong tháng này.
Bình Nhưỡng đã bổ nhiệm cựu Phó Thủ tướng Ri Ryong Nam làm đại sứ mới tại Bắc Kinh vào tháng Hai. Vào cuối tháng 3, ông Kim đã gửi một thông điệp tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi nỗ lực chung chống lại Hoa Kỳ và ông Tập đáp lại rằng ông muốn tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc, Suh Hoon, nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp hồi tháng 3 rằng Trung Quốc và Triều Tiên đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh song phương, tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc đưa tin.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi công chúng tự lực hơn. Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên, ông Kim đã đến thăm các địa điểm xây dựng nhà ở mới ba lần kể từ cuối tháng 3 và khuyến khích mọi người chứng minh tiềm năng của nền kinh tế độc lập của Triều Tiên.