Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc gỡ khó việc 'xin visa' cho xuất khẩu nông sản

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vừa có Công điện số: TCOCD272 gửi các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Y tế đề nghị thống nhất giao một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS Việt Nam) tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Lệnh 248, 249 để Đại sứ quán trao đổi với Hải quan Trung Quốc.

Năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành "Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài" (Lệnh 248) và "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" (Lệnh 249) có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/2022.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn khi xin mã số xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn khi xin mã số xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Trong đó, nhiều nội dung quy định mới được bổ sung, sửa đổi và thay thế các quy định liên quan trước đây, nhằm mục đích nâng cao công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, đặc biệt là quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc phải đăng ký với cơ quan hải quan nước này.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng đúng và đủ các quy định của Trung Quốc, đảm bảo các hoạt động xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc diễn ra liên tục, thuận lợi khi Lệnh 248, 249 được thực thi, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã thường xuyên liên hệ, trao đổi với cơ quan Hải quan sở tại để tìm hiểu các quy định liên quan và yêu cầu phía bạn có văn bản hướng dẫn nhằm kịp thời cung cấp cho các bộ chức năng quản lý lĩnh vực nông sản, thực phẩm trong nước thông tin, hướng dẫn tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.

Đến nay, việc triển khai đăng ký doanh nghiệp theo yêu cầu của Hải quan Trung Quốc cơ bản hoàn thiện. Tính đến ngày 07/3/2022, có 1.853 doanh nghiệp được Hải quan Trung Quốc cấp mã, đảm bảo xuất khấu nông sản, thực phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình các doanh nghiệp đăng ký mã số để xuất khẩu sang Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được kiến nghị, phản ánh từ các Bộ chức năng và doanh nghiệp về một số vấn đề vướng mắc, tồn tại trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.

Trong đó, một số vướng mắc hay gặp như: Một số doanh nghiệp đã được cập nhật lên hệ thống nhưng chưa được cấp tài khoản truy cập; khi xử lý hồ sơ trên hệ thống đã thao tác đúng nhưng một số trường hợp không hiển thị; một số doanh nghiệp và sản phẩm chưa thể làm thủ tục xuất khẩu do hệ thống Hải quan Trung Quốc chưa hiển thị mã.

Từ thực tế này, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời các ngành chức năng và doanh nghiệp trong nước đôn đốc, trao đổi với Hải quan Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hoàn thành việc phê duyệt cấp mã doanh nghiệp và sản phẩm, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế rà soát lại số doanh nghiệp và sản phẩm đã đề xuất với Hải quan Trung Quốc nhưng chưa được phê duyệt, cấp mã; liệt kê cụ thể những khó khăn vướng mắc trong quá trình đăng ký.

Ngoài ra, để đảm bảo tập trung thông tin, tránh tình trạng mỗi Bộ hoặc đơn vị phụ trách của Bộ phản hồi thông tin riêng lẻ như thời gian vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị các Bộ thống nhất giao cho một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS) tập hợp thông tin từ các Bộ, đơn vị phụ trách gửi cho Đại sứ quán để trao đổi với Hải quan Trung Quốc.

Trước đó, nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong đáp ứng các quy định tại Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các vấn đề như cơ quan này sẽ tiếp tục làm đầu mối trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc và phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý tại các địa phương để triển khai tiếp việc đăng ký doanh nghiệp; tăng cường trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật khi đăng ký trên cổng thông tin điện tử một cửa của Hải quan Trung Quốc; tháo gỡ việc chậm cấp mã số doanh nghiệp cho các mặt hàng là sản phẩm có nguồn gốc thực vật và những vướng mắc phát sinh.

Bộ Công Thương, Bộ Y tế triển khai ban hành và trực tiếp hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm theo thẩm quyền quản lý đã được phân công tại Nghị định 15/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ đối với nhóm 18 mặt hàng theo quy định tại điều 7 Lệnh 248.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục tăng cường đôn đốc và trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh 248 và 249 (đặc biệt việc chậm cấp mã số đăng ký đối với nhóm mặt hàng có nguồn gốc thực vật và nhóm mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý đăng ký).

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/dai-su-quan-viet-nam-tai-trung-quoc-go-kho-viec-xin-visa-cho-xuat-khau-nong-san-1084116.html