Đại sứ Trung Quốc: Quan hệ Trung - Mỹ hiện rất đáng lo ngại
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương cho rằng, ở Mỹ đang tồn tại 'chứng ám ảnh Trung Quốc' và quan hệ hai nước hiện nay rất đáng lo ngại.
Theo thông tin trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ này 19/8, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh tiếng Anh của Đài truyền hình Al Jazeera mới đây, Đại sứ Trung Quốc Tần Cương cho rằng, Trung Quốc bị hiểu lầm và đánh giá sai là một thách thức hoặc thậm chí là một mối đe dọa đối với Mỹ và đang cố gắng thay thế nước này.
Ông cho biết Trung Quốc muốn duy trì mối quan hệ hợp tác ổn định với Mỹ, bởi Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc và Mỹ có trách nhiệm chung và lợi ích chung rất lớn.
Theo ông, tình hình quan hệ Trung-Mỹ hiện nay rất đáng lo ngại và đang xuống dốc. Ông cho rằng, “đã đến lúc đặt các nhận thức thông thường, lợi ích chung và trách nhiệm chung trở lại trung tâm của quan hệ Trung - Mỹ. Khác biệt không nên là cái cớ cho sự đối đầu hoặc dẫn chúng ta đi sai đường dẫn đến xung đột đối đầu”.
Ông nhấn mạnh, ở Mỹ thực sự tồn tại “chứng ám ảnh Trung Quốc” và nó vẫn đang lan rộng. Ông rất lo lắng về mức độ tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ. Tình trạng này xảy ra là do Trung Quốc bị coi như một thách thức và sự tràn lan của “chứng ám ảnh Trung Quốc” ở Mỹ.
Ông cũng chỉ trích chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ông nhấn mạnh, Quốc hội là một bộ phận của chính phủ Mỹ, có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện chính sách đối ngoại của nước này. Mỗi quốc gia chỉ có một chính sách đối ngoại, không thể cơ quan hành pháp một kiểu, Quốc hội một kiểu. Ông tái khẳng định “rất không hài lòng với những gì đã xảy ra và cho rằng cơ quan hành pháp Mỹ đã không nỗ lực hết sức ngăn cản bà Pelosi thăm Đài Loan”.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, Trung Quốc không cho rằng việc “tách rời” giữa hai nước phù hợp với lợi ích của bất kỳ bên nào. Với quy mô, tầm ảnh hưởng và trách nhiệm của Trung Quốc và Mỹ, việc “tách rời” sẽ gây thiệt hại cho hai bên và cho cả thế giới. Ông khẳng định, Trung Quốc không muốn “tách rời” và hy vọng hai bên có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn trong quan hệ song phương thông qua trao đổi và hợp tác nhiều hơn./.