Đại sứ Việt Nam tại Romania: Chúng tôi đang chạy đua với thời gian
Để đảm bảo an toàn cho bà con, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với cộng đồng người Việt tại Romania để tổ chức, hỗ trợ bà con trong quá trình di tản, hoàn thành các thủ tục cần thiết cho công dân lên chuyến bay hồi hương trong ngày 7/3.
Theo thống kê sơ bộ, cho đến thời điểm hiện nay, số lượng bà con người Việt di tản từ Ukraine sang Romania đã lên tới hơn 800 trường hợp. Để đảm bảo an toàn cho bà con, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với cộng đồng người Việt tại Romania để tổ chức, hỗ trợ bà con trong quá trình di tản cũng như đảm bảo an ninh an toàn, hoàn thành các thủ tục cần thiết cho công dân lên chuyến bay hồi hương trong ngày 7/3.
Phóng viên VOV đang có mặt tại thủ đô Bucharest, Romania đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong về nội dung này.
PV: Thưa Đại sứ, ông có thể cho biết những thông tin tổng hợp tính đến thời điểm này về công tác hỗ trợ bảo hộ công dân Việt Nam ở Romania?
Đại sứ Đặng Trần Phong: Thừa lệnh của Bộ trưởng và lãnh đạo của Bộ Ngoại giao, tôi lên đường trong 2 ngày 3-4/3 để động viên, hỗ trợ và tổ chức thu xếp để đưa bà con chuyến đầu tiên từ Moldova về Romania, Bucharest. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ của sứ quán và của cộng đồng ở đây, bởi vì cộng đồng ở đây nhỏ và nguồn lực thì cũng không phải là mạnh, nhưng mọi người rất nhiệt tình. Họ nói với chúng tôi rằng, họ sẵn sàng nhường nhà cho bà con nhưng vẫn không đủ và chúng tôi phải nhờ đến các trung tâm tiếp nhận tị nạn của Romania. Như các bạn biết đấy, các trung tâm này hiện nay đã đầy. Điều quan trọng nhất là chúng tôi xin cho bà con được lưu trú cho đến khi chúng ta tổ chức được chuyến bay về nước.
PV: Trong quá trình tác nghiệp trực tiếp tại địa bàn, chúng tôi đã chứng kiến thời điểm nào cũng có người của cộng đồng trực 24/24 tại các điểm đón người di tản cũng như cán bộ nhân viên Đại sứ quán đã trực xuyên đêm xuyên ngày. Đại sứ có thể chia sẻ cụ thể hơn những khó khăn trong suốt chiến dịch vừa qua của Đại sứ quán cũng như của cộng đồng người Việt tại đây ?
Đại sứ Đặng Trần Phong: Trong 4 ngày qua, chúng tôi túc trực suốt ngày đêm. Ở đây, việc không di chuyển dễ dàng, từ chỗ này sang chỗ kia cách nhau mười mấy cây số. Nhưng tôi nghĩ là vấn đề thời gian, chạy đua với thời gian là thách thức lớn nhất. Thứ hai là nguồn lực, sứ quán chúng tôi có 5 cán bộ ngoại giao phải huy động cả phu nhân, phu quân, vừa phải đảm bảo công việc hằng ngày của sứ quán, vừa phải tập trung vào chiến dịch, cũng như lo việc gia đình.
Một khó khăn khác mà chúng tôi phải đối diện là chính quyền Romania chỉ cho những người chạy nạn được tạm trú 48 tiếng và được hỗ trợ chỗ ăn ở ban đầu, sau thời gian đó các cơ quan đại diện phải hỗ trợ cho công dân của mình. Sứ quán chúng tôi chỉ có hơn 10 người, do đó về mặt khả năng chúng tôi không thể bố trí chỗ ăn ở cho tất cả bà con được. Thế nhưng, tôi đã đề nghị dựa trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và trên cơ sở hợp tác nhân đạo, phía Romania đã cho phép bà con ở đây đến khi có chuyến bay. Dù vậy, vẫn còn một khó khăn nữa là nhiều trường hợp bà con không có giấy tờ. Đây là vấn đề phía bạn kiểm soát rất gay gắt và chúng tôi đã làm việc với Cục lãnh sự để có phương án tốt nhất cho bà con.
PV: Đại sứ có thể chia sẻ những thông tin về các hoạt động hỗ trợ và tạo điều kiện để cho bà con về trong chuyến bay cứu trợ trong ngày 7/3?
Đại sứ Đặng Trần Phong: Hiện nay danh sách chúng tôi chốt được là 283 người theo số lượng quy định. Chúng tôi cũng phải tính tới khả năng có thể có một số người xảy ra sự cố bất trắc nào đó và chúng tôi phải chuẩn bị thêm 15 người dự bị. Việc này chúng tôi làm trên cơ sở kinh nghiệm những gì đã từng làm trước đây. Hiện danh sách đã hoàn tất, các thủ tục thông báo cho Bộ Ngoại giao cũng hoàn tất. Các vướng mắc về giấy tờ chúng tôi vẫn đang tiếp tục tháo gỡ. Hiện tại, vấn đề là làm sao tổ chức xe khớp giờ thông báo cho từng người, từ lúc bà con di chuyển từ trong thành phố ra đến sân bay, đi vào phòng chờ lên máy bay là cả một quá trình không thể để ứ đọng được.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.