Đại sứ Vuyiswa Tulelo: Nam Phi sẵn sàng học hỏi những kinh nghiệm tốt nhất tại Hội nghị P4G 2025
Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Vuyiswa Tulelo trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn cấp cao Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4, dự kiến diễn ra từ 16-17/4 tại Hà Nội.

Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Vuyiswa Tulelo khẳng định, có nhiều cơ hội để hai nước hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo theo hướng bao trùm, lấy con người làm trung tâm. (Nguồn: Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam)
Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi trong khuôn khổ chương trình nghị sự của Hội nghị P4G 2025?
Nam Phi đang tích cực hợp tác với phía Việt Nam trong khuôn khổ các biên bản ghi nhớ song phương trên nhiều lĩnh vực đã được hai bên thống nhất. Đồng thời, Nam Phi cũng đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam trong thực hiện Báo cáo triển vọng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ mục tiêu của Hội nghị P4G, Nam Phi sẵn sàng học hỏi những kinh nghiệm tốt nhất nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Một trong những thách thức lớn đối với cộng đồng MSME là khó tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, Nam Phi sẵn sàng thảo luận về các giải pháp tài chính sáng tạo có thể được áp dụng tại chính đất nước mình.
Hiện Nam Phi đang triển khai Chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Việt Nam cũng đang có những bước tiến đáng kể trong đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Đây có thể là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước, đồng thời phù hợp với chương trình nghị sự P4G, trong đó có Mục tiêu phát triển bền vững số 7 (SDG 7) - năng lượng tái tạo, vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nam Phi.

Theo xếp hạng toàn cầu về chỉ số thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) công bố năm 2024, Việt Nam đạt điểm số 73,32 và xếp thứ 54/166 quốc gia được xếp hạng. (Nguồn: Green Edu)
Đâu là những cơ hội dành cho doanh nghiệp Nam Phi tham gia vào các dự án hợp tác công tư trong khuôn khổ P4G tại Việt Nam, thưa Đại sứ?
Hội nghị P4G tập trung thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó Nam Phi ưu tiên Mục tiêu số 2, số 6 và số 7 trong giai đoạn hai. Chương trình nghị sự của P4G giúp cộng đồng MSME có khả năng tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính, nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xanh và bền vững. Đồng thời, P4G cũng tạo điều kiện để cộng đồng MSME có cơ hội học hỏi chuyên môn kỹ thuật, giúp họ nâng cao năng lực và hướng tới mở rộng quy mô tài chính.
Bên cạnh đó, cộng đồng MSME còn được kết nối với thị trường quốc tế thông qua các hội thảo trực tuyến và hội nghị thượng đỉnh, qua đó góp phần khẳng định vị thế của Nam Phi như một trung tâm quan trọng trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Trong trung và dài hạn, điều này sẽ giúp xây dựng một lực lượng doanh nghiệp xanh, tạo tiền đề cho họ phát triển thành các công ty vừa và lớn, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Nam Phi theo hướng phát thải carbon thấp và tăng trưởng bền vững.
Nam Phi là một trong những quốc gia tiên phong trong công nghệ xanh và phát triển bền vững. Đại sứ có thể chia sẻ các chính sách, kinh nghiệm thực tiễn của đất nước mình trong giảm thiểu biến đổi khí hậu, xây dựng năng lượng tái tạo với cách tiếp cận bao trùm, lấy con người làm trung tâm mà Việt Nam có thể áp dụng?
Nam Phi đã thành lập Ủy ban Tổng thống về biến đổi khí hậu trong nhiệm kỳ chính phủ thứ 6. Đến năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh COP26, Nam Phi chính thức công bố Chương trình JETP.
Khi bước sang nhiệm kỳ chính phủ thứ 7 vào năm 2024, Nam Phi đã ban hành Đạo luật biến đổi khí hậu quốc gia nhằm củng cố cam kết phát triển bền vững.
Nam Phi đã công bố Kế hoạch đầu tư JETP nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và xây dựng một xã hội có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hướng tới các mục tiêu quan trọng như: tạo việc làm chất lượng cao, nâng cao an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhóm Đối tác quốc tế (IPG), bao gồm Pháp, Đức, Anh, Liên minh châu Âu và Mỹ, cùng với các quốc gia khác như Hà Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Canada và Thụy Sỹ, đã cam kết hỗ trợ Nam Phi trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Sự hỗ trợ này tập trung vào phát triển ngành điện, hydro xanh và phương tiện năng lượng mới, giúp Nam Phi giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Sau Nam Phi và Indonesia, Việt Nam là quốc gia thứ ba đạt được thỏa thuận thành lập Chương trình JETP. (Nguồn: Getty)
Chương trình JETP cam kết thực hiện quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng, đảm bảo sự tham gia và hỗ trợ cho các nhóm yếu thế. JETP cũng hỗ trợ cộng đồng MSME thông qua các chính sách đào tạo kỹ năng, tiếp cận nguồn tài chính, nâng cao năng lực và xây dựng chuỗi giá trị cho các cơ hội kinh doanh mới.
G20 đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ và bao trùm. Vì vậy, Nam Phi đã chọn chủ đề cho nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình là “Đoàn kết, Bình đẳng và Bền vững”.
Chính sách đối ngoại của Nam Phi với G20 tập trung bốn trụ cột chính: (1) thúc đẩy lợi ích quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển trong nước (2) tăng cường chương trình nghị sự của châu Phi và thúc đẩy sự phát triển bền vững của lục địa (3) thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, tăng cường quan hệ giữa các nước đang phát triển (4) định hình cấu trúc đa phương toàn cầu, đảm bảo quyền lợi của các nước đang phát triển thông qua đối thoại Bắc - Nam.
Việc tham gia G20 giúp Nam Phi đưa ra định hướng chiến lược nhằm xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, mang tính đại diện và phù hợp hơn với lợi ích các nước đang phát triển trong khuôn khổ các cơ chế đa phương quan trọng như Liên hợp quốc. Nam Phi đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lợi ích các quốc gia đang phát triển trong G20, đảm bảo rằng G20 luôn quan tâm đến nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển ở châu Phi và các quốc gia thuộc khối Nam toàn cầu.
Hiện có nhiều cơ hội để Nam Phi và Việt Nam hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo theo hướng bao trùm, lấy con người làm trung tâm. Hai nước có thể xem xét các cuộc trao đổi song phương để thúc đẩy hợp tác Nam - Nam trong những lĩnh vực chiến lược đã đề cập trước đó.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.
Diễn đàn cấp cao Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).
Đến nay, Diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công – tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội để cùng đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Hỗ trợ của P4G cho các nước đối tác chủ yếu thông qua hình thức đối tác công – tư, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.