Đại tá Đoàn Sự: Tôi không thể quên chuyện Bác Hồ yêu cầu trả nhuận bút

Phiên dịch tiếng Trung cho Bác Hồ khoảng dăm năm ở Bắc Kinh, tôi về ngành xuất bản quân đội với lắm chuyện quân cơ. Quân cơ là bởi tôi lúc đấy còn là em ruột của Cục trưởng Cục Quân báo, Bộ Quốc phòng. Nhưng nếu hỏi nhớ nhất điều gì suốt 30 năm ở NXB Quân đội Nhân dân, tôi không thể quên chuyện phân minh tiền bạc của Bác Hồ. Bác yêu cầu trả nhuận bút cho Bác.

Đại tá Đoàn Sự (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) và cán bộ ĐSQ Việt Nam ở Trung Quốc đón Bác Hồ đến thăm. Ảnh nhân vật cung cấp

Đại tá Đoàn Sự (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) và cán bộ ĐSQ Việt Nam ở Trung Quốc đón Bác Hồ đến thăm. Ảnh nhân vật cung cấp

Toát mồ hôi viết lời tựa

Nhắc trả nhuận bút vì Bác đòi hỏi mọi cái phân minh. Rạch ròi nên Bác cũng kỹ và thẳng tính. Ở đời gần ai luôn phân minh, kỹ tính và thẳng tính thì đại phúc. Chúng tôi muốn biên soạn cuốn sách tập hợp những căn dặn của Bác, nảy sinh từ cảm hứng của Nhị Thập Tứ Hiếu, tác phẩm văn học Trung Hoa kể lại sự tích 24 tấm gương hiếu thảo biên soạn thời Đại Nguyên (1271-1368).

Mấy năm làm phiên dịch, nhiều lần tôi thấy Bác nhắc đến chữ Hiếu như căn bản đạo đức: “Khai nhân tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu”. Bác nói bất hiếu với cha mẹ là vô đạo đức, không thể tin dùng. Rất may ý tưởng làm sách được Bác đồng ý. “Thế cũng được”, rồi Bác hỏi định đặt tên sách thế nào. “Thưa Bác, Người Tốt Việc Tốt ạ”. “Không hay lắm”. Thế là hội ý lại từ đầu. Các chuyện Bác kể là gì? Rặt người thật việc thật. Nhưng nếu chỉ “người tốt việc tốt” thì khác gì nhiều sách khác cùng thể loại? Đứng đầu quốc gia, Bác không bàn đao to búa lớn mà toàn những hằng ngày ở thôn xóm, nhà máy, ruộng đồng. Thế “Vì Nước Vì Dân có được không ạ”?

Bác gật và nhắc: “Này, có lời nói đầu đấy nhé”. Chúng tôi đề xuất Bác chấp bút thì bị xua tay ngay: “Các chú tìm người khác chứ lị”. “Thưa, giáo sư Nguyễn Khánh Toàn được không ạ”. “Nhưng tay này phải khéo léo. Hay tự ái đấy”. Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn cùng quê Nghệ An trẻ hơn Bác 15 tuổi, cũng bôn ba trường đời và học vấn, từng là chủ bút tờ Le Nhà Quê ở Sài Gòn rồi tờ L’annam. Sau này ông còn ngồi ghế chủ tịch hội đồng chỉ đạo nghiên cứu phiên dịch và xuất bản bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Còn lúc ấy, ông là thứ trưởng Bộ Giáo dục, chức mà năm 1946 ông từng đảm nhiệm. Ông là linh hồn hai cuộc cải cách giáo dục đầu tiên năm 1950 và lần tứ hai 1960.

Đoạn cuối bài “Trích thư gửi ban thường trực của ban tổ chức Ngày Thương binh Liệt sỹ” dài hơn một trang được trả nhuận bút 40 đồng ẢNH: TRUNG NGUYÊN

Đoạn cuối bài “Trích thư gửi ban thường trực của ban tổ chức Ngày Thương binh Liệt sỹ” dài hơn một trang được trả nhuận bút 40 đồng ẢNH: TRUNG NGUYÊN

Vừa đặt vấn đề, GS Toàn chối phắt “Ôi, không nhận đâu. Cụ khó tính lắm”. Gãy đũa gãy bát ông mới đồng ý. Quả tình ông viết rất hay. Đọc xong, Bác bảo: “Văn phong trôi chảy đấy nhưng, ôi trời ơi, một hai trang thì được. Chứ trường thiên tiểu thuyết thế này, những năm sáu trang thì ai đọc”. Thấy vẻ mặt tôi lúc xuất hiện lại, ông Toàn lên tiếng: “Biết ngay mà. Thế nào cụ cũng bẻ bai”. “Anh biết gì nào?”. “Cụ không dùng, đúng không?”. “Anh nhầm rồi nhé. Cụ khen văn phong và bảo rút còn một hai trang”. Cuối cùng, Bác hạ một câu nhẹ cả người: “Có thế chứ” và không quên nhắc: “À mà sách không phải cho không đâu. Cho, người ta coi thường. Họ vứt đi đấy”. Chúng tôi đưa sách biếu Bác tiêu chuẩn nhà nước 20 cuốn nhưng “Bác chỉ nhận hai cuốn thôi, một cho Bác, một cho chú Vũ Kỳ. Còn lại, các chú bán chứ không biếu”. Tiếc là cuốn này không thấy lưu ở Thư viện Quốc gia.

Cán bộ ta còn khuyết điểm

Hồi ấy, chúng tôi còn biên soạn cuốn Hồ Chủ tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân và được NXB QĐND ấn hành năm 1962. Sách tập hợp các bài nói chuyện của Bác cũng như thư gửi lực lượng vũ trang. Bác ít chung chung mà thường đi thẳng vấn đề. Đây là một đoạn phát biểu của Bác tại Trường Chính trị Trung cấp Quân đội ngày 25/10/1951: “Hôm nay Bác đến thêm. Thấy các chú khỏe mạnh, học tập có kết quả, Bác mừng. Bác nói chuyện với các chú bảy điểm:… II.

Cán bộ ta còn khuyết điểm. Từ khi bắt đầu kháng chiến đến nay, nhân dân ta tiến bộ, quân đội ta tiến bộ. Cũng do tiến bộ đó ta mới thấy lộ ra nhiều khuyết điểm. Những khuyết điểm ấy là khuyết điểm trong lúc trưởng thành. Nhưng vẫn là những khuyết điểm cần sửa chữa. Cán bộ ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mấy hôm nay các chú tự phê bình kiểm thảo đã tìm ra nhiều khuyết điểm khá lớn.

Khuyết điểm nào cũng có hại. Chỉ lấy một bệnh cá nhân mà nói cũng rõ tai hại của nó. Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa. Đó là chỉ biết mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở. Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra vô kỷ luật, thiếu kiên quyết chấp hành mệnh lệnh… Mọi việc đều khó khăn. Đánh giặc càng khó khăn hơn. Nếu dễ thì ai làm cũng được. Không phải chờ đến các chú… Thấy được khuyết điểm là một bước tiến bộ. Nhưng đấy mới chỉ là bước đầu. Thấy rồi phải lo sửa. Đang sửa thì phải sửa cho hết. Đã sửa rồi thì phải giữ mình đừng để mắc phải nữa’.
Còn đây là đoạn Bác huấn thị tại Hội nghị Tổng kết Chiến dịch Tây Bắc ngày 29/1/1953: “…

Nhưng các chú còn có những khuyết điểm như sau:1-Cán bộ thương yêu binh sĩ chưa đúng mức, còn thiếu sót như khi bộ đội mệt mỏi đau yếu, hay là đối với thương binh. 2-Đối với của công, các chú chưa thấm nhuần chính sách. Mỗi viên đạn, mỗi khẩu súng là mồ hôi nước mắt của đồng bào mình. Chính sách chiến lợi phẩm còn nhiều đơn vị làm chưa đúng, sử dụng còn bừa bãi không công bằng, dân chủ, để cho bộ đội thắc mắc, tỵ nạnh, ảnh hưởng xấu đến đoàn kết. 3-Làm việc còn nhiều tính chất quan liêu, đại khái, kế hoạch sơ suất, chủ quan khinh địch vì đánh thắng nhiều … Còn việc nữa Bác dặn: Các chú về phải nhớ cất nhắc các đội viên và cán bộ lâu năm. Có chiến sĩ năm sáu năm không được cất nhắc. Về đơn vị các chú chuyển lời hỏi thăm của Bác tới các cán bộ và chiến sĩ”.

Đại tá Đoàn Sự với cuốn sách được Bác Hồ nhắc phải trả nhuận bút và nhuận ảnh đàng hoàng ẢNH: TRUNG NGUYÊN

Đại tá Đoàn Sự với cuốn sách được Bác Hồ nhắc phải trả nhuận bút và nhuận ảnh đàng hoàng ẢNH: TRUNG NGUYÊN

Chúng tôi trình lên Bác 10 cuốn. Định chỉ gặp anh Vũ Kỳ thì không ngờ Bác ra và hỏi sách in thế nào. Bác vẫn nhận hai cuốn: “Một để Bác xem và một chú Kỳ giữ. Thế các chú có trả nhuận bút không?”. Ông Nguyễn Kim, giám đốc NXB Quân đội Nhân dân, và tôi lúc bấy giờ là trưởng phòng quản lý xuất bản hoảng quá. “Các chú phải trả chứ quỵt là không được. Bác từng làm báo ở Paris, một xu cũng phải trả đủ ấy chứ. Thế các chú định trả nhuận bút thế nào?”. “Thưa Bác, sẽ tính cao nhất ạ”. “Không. Phải phân loại chất lượng bài thành ba bậc. Bài nào của Bác xứng đáng bậc một thì trả đúng. Nhưng đừng có tính tất cả các bài thành bậc một đấy nhé. Người ta cười cho đấy”.

Hồi ấy nhuận bút bài cao nhất 55 đồng/trang. Loại hai 45 đồng/trang và loại ba 35 đồng/trang. Chúng tôi bàn với nhau rải đều mức nhuận bút cho từng nấy bài để khỏi bị phê bình. Nhuận bút chuyển đến, Bác bảo anh Vũ Kỳ ghi chép cẩn thận, cất vào túi để gặp dịp mua quà tặng thiếu nhi, phụ nữ, cụ già. “Thế nhuận ảnh thế nào, các chú dùng ảnh của người ta có trả cho họ không?”. “Thưa Bác, có ảnh không rõ tác giả. Có nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản nhưng không liên lạc được ạ”. “Thế là không ổn. Tất cả các tác giả ảnh phải tìm cho ra địa chỉ và trả người ta sòng phẳng”.
_________
* Nguyên Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Quân đội; nguyên Phó Giám đốc NXB QĐND

Hoàng Quốc Dũng ghi

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dai-ta-doan-su-toi-khong-the-quen-chuyen-bac-ho-yeu-cau-tra-nhuan-but-1513166.tpo