Đại tá Elena Vavilova: Chúng tôi đã chọn con đường nhiều bí mật
Elena Vavilova và chồng Andrey Bezrukov là hai điệp viên Nga đã làm việc ở nước ngoài 23 năm. Đầu tiên ở Canada, Pháp, sau đó ở Mỹ. Họ đã thu thập thông tin và sử dụng mật mã để chuyển cho các cơ quan tình báo Nga. Năm 2010, sự nghiệp của họ kết thúc: Cặp đôi bị bắt khi đang tổ chức sinh nhật cho con trai đầu.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của đại tá Elena Vavilova về trường phái đào tạo tình báo Liên Xô, về hoạt động bí mật ở nước ngoài, sự phản bội của đồng nghiệp và một số vấn đề thú vị khác.
Bố mẹ nghĩ chúng tôi làm phiên dịch ở nước ngoài
Elena Vavilova sinh ở thành phố Tomsk. Sau khi tốt nghiệp khoa sử Đại học Quốc gia Tomsk, bà được đào tạo điệp viên tình báo làm việc ở nước ngoài. Trong hơn 20 năm, Elena Vavilova, dưới cái tên Tracey Lee Ann Foley, là thành viên của mạng lưới tình báo mật của Nga làm việc tại Canada, Pháp và Mỹ. Từ năm 1999 cho đến khi bị bắt, Elena sống với chồng Andrey Bezrukov và hai con trai ở thành phố Boston, Cambridge, Massachusetts, nơi bà làm đại lý bất động sản.
- Bà đã 23 năm làm việc ở nhiều nước khác nhau. Việc thích nghi có khó khăn không?
+ Không. Chúng tôi được đào tạo để làm việc này, đây là tính chất công việc. Chúng tôi ở Pháp, Canada và 10 năm cuối cùng ở Mỹ, vì vậy, trong thời gian đào tạo ở Liên Xô, chúng tôi đã được học một số ngoại ngữ, nghiên cứu văn hóa của các nước, phong cách ứng xử của người bản xứ và thậm chí cả đặc điểm tâm lý của họ. Nghĩa là, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để làm việc ở những nước này.
- Để trở thành điệp viên cần có những kỹ năng và kiến thức gì?
+ Làm nghề này, ngay cả trong một cuộc trò chuyện thoáng qua, bạn cũng phải giữ bí mật để mọi người không nhớ đến bạn. Công việc đòi hỏi sự linh hoạt: bạn cần dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh, với bất kỳ người đối thoại nào, để có thể nói chuyện bình thường với mọi người ở các trình độ khác nhau - từ giới tinh hoa chính trị đến một công nhân bình thường - bởi trong từng trường hợp cụ thể, bạn phải thể hiện trình độ kiến thức và học vấn phù hợp.
Sống và làm việc ở nước ngoài, bạn cần đóng vai là người của dân tộc khác, vì vậy, trước hết bạn phải hòa nhập hoàn toàn với môi trường nơi bạn làm việc. Các đồng nghiệp của tôi, những điệp viên mật, đã nhanh chóng tiếp thu những đặc điểm dân tộc - phong cách nói chuyện, ứng xử - và trở nên giống người Mexico, người Pháp và người Mỹ. Vì vậy, để hòa nhập vào xã hội nơi mình làm việc, chúng tôi đã nghiên cứu cả những đặc điểm dân tộc.
- Bà được đào tạo nghề tình báo ở Liên Xô như thế nào?
+ Các điệp viên được đào tạo riêng, giáo viên làm việc với từng người một. Trước mắt chúng tôi đặt ra một nhiệm vụ khó khăn - chuẩn bị làm việc mà không hề có kinh nghiệm giao tiếp với người nước ngoài. Vậy trong điều kiện đó, nghiên cứu văn hóa và tâm lý như thế nào? Ban đầu chỉ thông qua ngôn ngữ. Chúng tôi bắt đầu bằng việc học tiếng Pháp: xem phim qua các băng video lớn, ghi nhớ phong cách giao tiếp, lời thoại, cử chỉ của nhân vật. Về thực chất, chúng tôi cũng là những diễn viên. Ở giai đoạn cuối, chúng tôi được học với người bản ngữ - đó là một đảng viên cộng sản Pháp sống ở Liên Xô và kết hôn với một nữ nghệ sĩ xiếc. Và mặc dù sống ở Liên Xô, nhưng ông hoàn toàn khác người Nga. Việc giao tiếp với ông giúp chúng tôi rất nhiều trong việc hiểu và tiếp thu những đặc điểm tính cách và hành vi của người Pháp.
Có lần chúng tôi được sống một tuần trong ngôi nhà ở ngoại ô, nơi người ta tái hiện toàn bộ cuộc sống của thế giới phương Tây. Ở đó lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc máy nướng bánh mỳ và máy giặt tự động. Chúng tôi chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng nước ngoài, xem phim nước ngoài, mô phỏng hoàn toàn cuộc sống ở đất nước khác. Thỉnh thoảng, một phụ nữ “đóng vai” người nước ngoài đến gặp chúng tôi và hỏi chúng tôi về cuộc sống ở đất nước được giả định, và chúng tôi trả lời bà như thể chính chúng tôi là cư dân của đất nước đó. Đây là cách chúng tôi kiểm tra kiến thức và trình độ ngoại ngữ của mình. Nhiều năm sau, tôi biết bà ấy từng là điệp viên mật và khi về nước, bà trở thành giáo viên.
Nhưng tất nhiên, trong điều kiện chân không như vậy thì không thể chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt cho công việc ở nước ngoài; sau đó diễn ra một số chuyến đi tu nghiệp ở nước ngoài, nơi chúng tôi phải đóng vai người ngoại quốc. Lần đầu tiên tôi được đến Berlin. Tiếp theo, chúng tôi đã đến thăm một số quốc gia trung lập. Chúng tôi nghĩ ra một câu chuyện về cuộc sống và sở thích của mình như những khách du lịch bình thường. Sau đó, chúng tôi đến Bắc Mỹ, Canada, nơi chúng tôi bắt đầu làm việc thực sự.
- Những người thân biết gì về nghề nghiệp của bà?
+ Những người thân không biết gì về nghề nghiệp của tôi. Chúng tôi đã chọn một con đường nhiều bí mật, nhưng điều này cần thiết cho công việc - để tránh rò rỉ thông tin. Bố mẹ nghĩ rằng chúng tôi là những phiên dịch lần đầu tiên chuyển đến Moscow để làm việc tại một viện xã hội học, sau đó được mời ra nước ngoài. Nhưng họ không biết nước nào cũng như chi tiết về chuyến đi của chúng tôi. Khi Internet và điện thoại di động xuất hiện, việc duy trì chế độ ẩn danh trở nên phức tạp hơn, vì rất khó giải thích cho những người thân biết vì sao không thể nhắn tin hoặc gửi email. Nhưng lúc bấy giờ họ đã quen với cách giao tiếp ít ỏi như vậy và không hỏi những câu không cần thiết. Họ biết rằng chúng tôi đã lựa chọn và hài lòng với cuộc sống của mình. Thế là đủ.
Đối với chúng tôi, việc không thể liên lạc với người thân là một thử thách nặng nề. Ngoài ra, các con tôi, vốn sinh ra ở Canada, không biết gì về mối liên hệ của chúng tôi với nước Nga và chưa bao giờ nghe chúng tôi nói tiếng Nga. Đối với các cháu, chúng tôi là những bậc bố mẹ người Canada bình thường. Tôi rất buồn vì các con tôi không được gặp gỡ với họ hàng và trong những ngày vui, ông bà không có mặt. Để bù đắp thiệt thòi cho các cháu, gia đình chúng tôi thường đi ra ngoài thành phố vào cuối tuần, còn trong dịp nghỉ hè, chúng tôi đi du lịch khắp đất nước.
Tiếc rằng sự hiểu biết của các con tôi về nước Nga lại được hình thành từ môi trường thông tin xung quanh và gây ấn tượng không mấy tốt đẹp. Các cháu đã sống những năm tháng trưởng thành ở Mỹ, nơi hình ảnh người Nga trên phim ảnh được thể hiện không tốt lắm. Nhưng chúng tôi không thể làm gì khác. Vì vậy, vợ chồng tôi đã dạy các con suy nghĩ, phân tích và tự rút ra kết luận. Khi lớn lên, các cháu bắt đầu quan tâm đến các nước châu Âu khác, nghiên cứu lịch sử và ngôn ngữ của họ, và về sau chính điều này đã giúp chúng tôi vượt qua khủng hoảng khi bị bắt.
Chúng tôi sẵn sàng tự bào chữa trước tòa, nhưng không có lý do gì để phủ nhận
Ngày 27/6/2010, Elena và chồng Andrey Bezrukov bị bắt do một trong những người phụ trách mạng lưới tình báo phản bội. Họ bị buộc tội hoạt động gián điệp ở nước ngoài; và chẳng bao lâu, cùng với 10 đồng nghiệp, họ được trở về Nga trong khuôn khổ cuộc trao đổi điệp viên bị bắt giữa Nga và Mỹ.
- Bà có nhớ ngày bị bắt không? Các con bà phản ứng thế nào khi biết bà là nhân viên tình báo Nga?
+ Đối với các cháu, đó là một cú sốc thực sự. Các cháu không thể tin được. Chỉ sau khi ảnh của chúng tôi và các nhân viên tình báo khác xuất hiện trên báo, các cháu mới tin rằng đó là sự thật.
- Bà có biết kẻ phản bội không?
+ Chúng tôi bị bắt cả một nhóm 10 người. Chúng tôi bị đại tá Cục Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga Aleksandr Poteev phản bội, ông ta là một trong những người lãnh đạo mạng lưới của chúng tôi. Chúng tôi quen biết ông ta, thỉnh thoảng gặp nhau, ông ta cũng biết nhiều về chúng tôi.
- Các cơ quan tình báo Mỹ đối xử với bà và các đồng nghiệp như thế nào? Trong tù có khó khăn lắm không?
+ Sau khi bị bắt, tôi và các nhân viên tình báo khác đều không tiết lộ bất cứ thông tin nào. Nhưng qua lời cáo buộc được đưa ra, rõ ràng là người Mỹ đã nhận được thông tin chi tiết về chúng tôi, kể cả tên thật của chúng tôi; và chúng tôi không hy vọng vào một kết thúc dễ dàng.
Trước khi bị bắt, hiểu rằng có thể bị lộ, nên chúng tôi đã bàn bạc xem cần phản làm gì trong trường hợp này. Chồng tôi nói với tôi rằng nếu điều đó xảy ra, anh ấy sẽ nhận mọi trách nhiệm về mình, gọi là, để giảm nhẹ gánh nặng của tôi. Nhưng khi kẻ phản bội nêu cả tên tôi thì ý định này trở nên vô nghĩa. Chúng tôi sẵn sàng tự bào chữa trước tòa, nhưng rất khó trốn tránh trách nhiệm - và chúng tôi hiểu điều đó...
Ở trong tù không hề dễ dàng, tuy nhiên, người Mỹ đã đối xử đúng mực với chúng tôi. Không hề có sự thô lỗ, đánh đập hay tra tấn, thậm chí họ còn tôn trọng chúng tôi. Báo chí Nga viết rằng Mikhail Vasenkov (một trong 10 nhân viên tình báo bị bắt) đã bị tra tấn dã man trong nhà tù Mỹ, nhưng điều đó không phải sự thật.
Chúng tôi ở tù không lâu, ít lâu sau, chúng tôi được trao đổi với các tù binh Mỹ bị giam giữ vì tội làm gián điệp ở Nga. (Cuộc trao đổi diễn ra vào tháng 7/2010 tại sân bay Vienna, sau đó tất cả các nhân viên tình báo Nga được tự do và trở về nhà). Chúng tôi trở về Nga cùng các con và ban đầu rất khó thích nghi với nước Nga mới, nhưng chúng tôi đã dần dần khắc phục được.
- Bà đã xuất bản một số cuốn sách và hiện đang viết cuốn tiếp theo, xin bà cho biết nội dung?
+ Mặc dù tất cả các cuốn sách đều là tác phẩm hư cấu, nhưng trong đó có rất nhiều yếu tố tự truyện. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên, “Người phụ nữ biết giữ bí mật”, mô tả một số tình huống thực tế mà tôi và Andrey đã đối mặt khi làm nhiệm vụ. Hiện nay, tôi đang viết tiếp câu chuyện về một nhân viên tình báo Nga làm việc dưới vỏ bọc ở Hong Kong. Nhân tiện xin nói, nữ nhân vật của tác phẩm này, Dasha, sinh ra ở Irkutsk.