Đại tá Hoàng Long Xuyên – Cổ tích giữa đời
Đại tá Hoàng Long Xuyên thung dung bước qua 2 thế kỷ. Trải qua 4 cuộc kháng chiến vệ quốc và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông cầm quân chỉ huy nhiều trận đánh mà ít người biết. Tính ông kín đáo, kiệm lời. Năm nay 104 tuổi, ông vẫn rành rọt nhắc lại những ký ức đã trên 80 năm như cổ tích giữa đời.
Trung đoàn Long Xuyên
Lần đầu tiên tôi gặp Đại tá Hoàng Long Xuyên khi ông vừa từ Bắc Sơn (Lạng Sơn) về nhà riêng ở thị trấn Chùa Hang (Thái Nguyên). Không cần nghỉ ngơi, người lính già khi ấy 99 tuổi đã kể cho tôi nghe những năm tháng đời binh nghiệp của mình trong ánh chiều hè dần buông. Đời binh nghiệp của ông gắn bó với Lạng Sơn.
Ông từng làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 Lạng Sơn; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn… Trung đoàn 28 trong ký ức của nhiều cựu chiến binh vẫn thường được gọi bằng cái tên thân thuộc: Trung đoàn Long Xuyên.
"Trung đoàn 28 xây dựng từ đại đội giải phóng, đến tiểu đoàn chủ lực rồi trung đoàn. Thấy cần phải có trung đoàn chủ lực của Việt Bắc thì Bộ mới lấy một tiểu đoàn chủ lực của Lạng Sơn, một tiểu đoàn chủ lực của Bắc Kạn và một tiểu đoàn chủ lực ở Cao Bằng thành lập Trung đoàn 174.
Lúc ấy ông Chu Huy Mân làm Chính ủy, ông Đặng Văn Việt làm Trung đoàn trưởng. Còn ông vẫn tiếp tục xây dựng trung đoàn tỉnh Lạng Sơn. Bởi vì trên bảo ông đã nắm được và quen được các cơ sở rồi. Nhiệm vụ trên giao thế nào thì ông chấp hành thôi, mệnh lệnh là phải thực hiện, cháu ạ".
Nghe Đại tá Hoàng Long Xuyên kể đến đây, tôi nhớ tới những cán bộ lão thành cách mạng mà tôi từng có may mắn được gặp gỡ và trò chuyện. Đối với các ông, từ thuở khai sinh quân đội, người chiến sĩ nào cũng sẵn sàng đi bất cứ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì do tổ chức phân công mà không nề hà, thắc mắc, băn khoăn.
Trở về Tổ quốc
Năm 24 tuổi, Hoàng Long Xuyên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Võ Nguyên Giáp cử sang Trung Quốc học quân sự tại phân hiệu Trường Võ bị Hoàng Phố.
Tại đây, ông đã gặp nhiều đồng chí, về sau đã giữ những chức vụ cao cấp trong quân đội như Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu trưởng đầu tiên, Thượng tướng Vũ Lập, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đàm Quang Trung, Trung tướng Nam Long, Đại tá Mai Trung Lâm, Đại tá Thanh Phong… Cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1944, đoàn thanh niên học quân sự rời thị trấn Đại Kiệt (Trung Quốc) về Tổ quốc.
Bốn năm trời xa đất nước, xa quê hương, xa đoàn thể, xa đồng chí, nay được trở về ai nấy bồi hồi xúc động. Riêng ông còn thấy nhớ quê nhà và nhớ mẹ da diết. Về quê hương rồi mà không biết tình hình xóm làng, người thân ra sao?
Như hiểu được suy nghĩ từ sâu thẳm tấm lòng người con chí hiếu, gần tối hôm ấy, đồng chí Bắc Việt gặp riêng ông: "Đồng chí Long Xuyên, thượng cấp giao nhiệm vụ cho đồng chí, đêm nay đi cùng đồng chí Hồng An và đồng chí Ngọc vào địa phương đồng chí công tác và thăm mẹ đồng chí".
Trời đã tối hẳn, ba người lên đường. Đầu tháng 11, trời rét buốt. Đồng chí Hồng An dẫn mọi người đi qua con đường bí mật, xuyên đèo, xuyên qua núi rừng tránh các trạm phục gác tuần tra. Giữa đêm khuya, ba người đã đến cánh đồng gần bản. Đồng chí Hồng An cùng đồng chí Ngọc xuống làng liên lạc với cơ sở. Long Xuyên ở lại đợi.
Khá lâu sau hai đồng chí mới về cho biết: "Liên lạc được với cơ sở rồi, sớm mai khi mở cổng làng cho dân đi làm, cơ sở sẽ đưa cơm đến chỗ ta đã hẹn. Mẹ đồng chí Long Xuyên sẽ lên đây gặp đồng chí".
Nghe vậy, ông vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp gặp được mẹ. Lo vì mẹ gần bảy mươi tuổi rồi, tính mẹ thường dễ xúc động. Cả đêm ấy ông thao thức ngóng chờ trời sáng.
Trời sáng hẳn. Ngồi trên bãi lá cây đợi mẹ, rồi thấy có tiếng người ho, ông Long Xuyên vội vàng đứng dậy nói với hai đồng chí: "Mẹ tôi đến đấy! Tiếng ho ấy là mẹ tôi!". Rồi ông chăm chú nhìn về phía con đường mòn. Từ xa, mẹ ông đang lom khom bước từng bước một. Vui mừng khôn xiết, tim ông thắt lại. Ông vội vã bước nhanh xuống đón mẹ.
Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, đoạn cùng ngồi xuống bên đường. Bà cụ nhìn con trai sau 4 năm xa vắng, rồi lại nhìn hai đồng chí cùng đi. Những giọt nước mắt chảy tràn trên gương mặt nhăn nheo, mẹ ông nghẹn ngào: "Con ơi! Từ ngày con ra đi, bố mẹ, các anh chị và các em của con sống khổ nhục lắm! Nhà ta ở xóm bên kia không còn nữa. Tây và bọn phản động bắt phá dỡ nhà, dồn làng. Nhà ta chúng nó bắt dồn sang làng Đông Hoan rồi. Hai anh và thằng em của con không còn nữa".
Cuộc gặp chỉ chóng vánh trong vài phút. Bà cụ lại lom khom theo con đường mòn trở về nhà kèm theo lời dặn dò: "Các con phải cẩn thận các con nhé! Mẹ về đây, ở lâu thằng thôn trưởng nó sẽ nghi".
Gắn bó với núi rừng Việt Bắc
Từ khi có cán bộ quân sự trở về, phong trào cách mạng toàn huyện Hòa An phát triển mạnh mẽ. Các tổ chức vũ trang của Mặt trận Việt Minh tiến hành đánh phá các cơ sở tổ chức của Pháp, Nhật.
Khoảng trung tuần tháng 3 năm 1945, phân đội của ông Long Xuyên nhận được lệnh cấp trên nhanh chóng đến địa điểm Phổ Nuống (sau này thuộc xã Nam Tuấn) tập trung mít tinh toàn tỉnh và phân công công tác. Ông Đàm Minh Viễn liên Tỉnh ủy viên lãnh đạo trực tiếp thay mặt cấp trên giao nhiệm vụ Đông tiến mở đường giao thông liên lạc tới Lạng Sơn và mở rộng căn cứ Cao Bằng đến các huyện thuộc Lạng Sơn.
Phương châm hoạt động của đoàn Đông tiến, theo lời kể của ông Long Xuyên là: "Lấy chính trị làm trọng, quân sự hỗ trợ cho chính trị. Phân đội là một đơn vị chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân, xuống Lạng Sơn cùng cán bộ chính trị, quân sự tỉnh Lạng Sơn xây dựng cơ sở quần chúng và đánh đồn địch. Trận đầu tiên phải thắng để gây thanh thế cho Việt Minh ở tỉnh Lạng Sơn. Ở Cao Bằng, ta đã thắng giòn giã Phai Khắt, Nà Ngần".
Sau một ngày chuẩn bị lương thực và kiểm tra lại vũ khí, đạn dược, đêm 18 tháng 3 năm 1945, phân đội Long Xuyên xuất phát theo đường mòn xuyên rừng tiến xuống xã Văn Trình, rồi xã Tuất Tính thuộc huyện Thạch An. Hai xã này giáp giới huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Xã Tuất Tính là quê của Trung tướng Đàm Văn Ngụy, nguyên Tư lệnh Quân khu 1. Tại đây, đã có một ít cơ sở do Đàm Văn Ngụy xây dựng. Phân đội Long Xuyên dừng lại ở xã Tuất Tính một ngày đêm, chuẩn bị để vượt qua ranh giới giữa hai huyện Thạch An, Tràng Định.
Giải phóng quân đã lần lượt chiếm kho muối ở Bản Trại (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) chia cho dân, đánh đồn Pò Mã, diệt phỉ bảo vệ thị trấn Bình Gia, giải phóng Điềm He,… Khu giải phóng được nối liền từ căn cứ Cao Bằng đến các huyện thuộc Lạng Sơn…
Sau chiến thắng Biên giới, năm sau (1951) Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Đại đoàn 316 trên cơ sở 3 trung đoàn: Trung đoàn 174, Trung đoàn 98 và Trung đoàn 176. Trung đoàn trưởng Hoàng Long Xuyên tiếp tục ở lại xây dựng bộ đội chính quy cho Tỉnh đội Lạng Sơn.
Miền Bắc được giải phóng, ông được cử sang làm Tư lệnh Công an vũ trang (nay là Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) Khu tự trị Việt Bắc. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tổ chức lại điều ông phụ trách công tác Quân pháp, mà như lời ông kể thì bây giờ gọi là Điều tra hình sự trong Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Vừa làm nhiệm vụ của Quân đội, vừa làm nhiệm vụ của Công an, do cấp trên giao phó, ông chia sẻ với tôi: "Ông không được học hành nhiều lắm đâu, nhưng mà ông cố gắng" để làm tốt công việc.
Nhân nhắc lại thế hệ bạn bè của ông thời đi hoạt động bí mật, ông cười nhẹ với tôi rằng: "Mất hết rồi, cháu muốn hỏi ai cũng chẳng có nữa đâu".
Rồi ông nhắc tới những dũng tướng gắn liền với núi rừng Việt Bắc như Đại tá Thanh Phong - Tư lệnh phó Liên khu Việt Bắc; Trung tướng Nam Long - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng; Đại tá Mai Trung Lâm - Chính ủy kiêm Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc; Thượng tướng Đàm Quang Trung - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 1, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…
Tôi càng ngạc nhiên hơn khi ông cho biết mình có bệnh tim. Vậy mà người lính già vóc hạc ấy có một sức sống tiềm tàng. Trả lời câu hỏi của tôi, bí quyết gì để sống đại thọ và minh mẫn như vậy, ông cười nhẹ như một làn gió thoảng:
"Bí quyết của ông là sống lạc quan. Sau này có con cháu cũng hết sức quan trọng. Các con, các cháu đều khỏe mạnh, học giỏi, công ăn việc làm ổn định. Đó là điều kiện sống ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình".
Bỗng nhớ ra còn một người bạn cũ, Đại tá Hoàng Long Xuyên nhắc tôi trước khi ra về: "Vẫn còn một người, Đặng Văn Việt - Hùm xám đường số 4 đấy. Ông ấy ở Hà Nội".
Người lính ngoại bách niên lại thủng thẳng đưa tôi ra cổng khi những hạt nắng chiều vương. Mùa xuân Canh Tý (2020), Đại tá Hoàng Long Xuyên bước tiếp mùa xuân thứ 104. Có khách đến chơi, ông thung dung từ trong nhà ra cổng đón. Hai tay đút túi áo, lưng vẫn thẳng, mắt vẫn tinh, giọng vẫn sang sảng.
Đại tá Hoàng Long Xuyên sinh năm 1917 tại Cao Bằng. Ông đã trải qua nhiều đơn vị công tác trong Quân đội. Năm 1962, ông về công tác tại Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), sau đó làm Giám đốc Công an của toàn Liên khu Việt Bắc. Năm 1986, ông nghỉ hưu, quân hàm Đại tá (hưởng lương cấp bậc Thiếu tướng)... Đại tá Hoàng Long Xuyên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, huy chương cao quý, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/dai-ta-hoang-long-xuyen-o-tich-giua-doi-587401/