Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng: Nỗ lực để xứng danh nghệ sĩ hai lần chiến sĩ

Đến hẹn lại lên, 5 năm một lần, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam lại tổ chức Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân. Trước thềm Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với Đại tá, Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Quốc Trượng - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống duy nhất tham gia Hội diễn.

Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018 là nơi quảng bá các tác phẩm xuất sắc và giới thiệu những tài năng mới trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó có sân khấu. Là đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống duy nhất, thưa Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng, Nhà hát Chèo Quân đội mang tới Hội diễn những vở diễn đặc sắc nào?

- Sau hơn 3 tháng nỗ lực, miệt mài tập dượt, tại Hội diễn lần này, cán bộ, chiến sĩ Nhà hát Chèo Quân đội sẽ trình làng hai vở diễn mới là “Rặng trâm bầu” (do Đoàn 2 của Nhà hát thể hiện) và “Những người mẹ” (Đoàn 1).

Vở diễn “Rặng trâm bầu” của tác giả Trinh-Trần Hồng Vân phỏng theo ý tưởng bộ phim cùng tên của đạo diễn Bùi Đình Thứ, do Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng làm đạo diễn. Vở “Rặng trâm bầu” tập trung khắc họa nổi bật trí tuệ và sức mạnh con người Việt Nam trong giai đoạn cam go, khốc liệt nhất của cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và lật đổ ngụy quyền.

Từ trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc cách mạng, khát vọng về một tương lai dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã thôi thúc triệu triệu trái tim yêu nước, đoàn kết và vùng lên kiên cường.

Vở chèo “Những người mẹ” do biên kịch Trần Hồng Vân chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Xuân Đức, đạo diễn: NSND Lê Hùng. “Những người mẹ” tập trung khai thác góc khuất số phận người lính cách mạng trong và sau cuộc chiến, tôn vinh phẩm chất cao đẹp của những người mẹ Việt Nam luôn bao bọc, chở che, bảo vệ người lính cách mạng.

Qua tác phẩm, chúng tôi muốn xây dựng hình tượng bộ đội Cụ Hồ trung với nước, hiếu với dân, là hình tượng đẹp mãi trong lòng nhân dân, có sức lan tỏa và ảnh hưởng tốt đẹp trong chiến đấu, lao động, sản xuất hôm nay.

Qua hai tác phẩm, tập thể nghệ sĩ, diễn viên, chiến sĩ muốn chuyển tải thông điệp góp phần ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại. Mỗi tấm gương, mỗi số phận cuộc đời sẽ trở thành những bài học, kinh nghiệm quý báu góp phần hun đúc lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, nuôi dưỡng trí tuệ con người Việt Nam trong xây dựng và phát triển, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Là người nghiên cứu nghệ thuật Chèo, tôi biết, không gian văn hóa của Chèo cổ là nông thôn Bắc bộ, không gian văn hóa của Chèo Văn minh, Chèo Cải lương đầu thế kỷ XX là thành thị vùng Bắc bộ. Chủ thể văn hóa của Chèo là nông dân và thị dân vùng Bắc bộ. 1.000 năm qua, nghệ thuật Chèo không ra khỏi không gian văn hóa này và không hề thay đổi chủ thể. Với hai vở trên, có thể thấy Nhà hát Chèo Quân đội đã có những thử nghiệm táo bạo khi dịch chuyển không gian văn hóa và chủ thể văn hóa của Chèo?

- Nhà hát Chèo Quân đội đã mang chèo vào TP Hồ Chí Minh (HCM) biểu diễn trước năm 2014. Khán giả TP HCM, miền Tây Nam bộ nói, trước chưa bao giờ xem chèo, nay được xem chèo thấy càng xem càng thấy hay, càng xem càng thấy yêu. Có khán giả khi chúng tôi diễn ở rạp 3 đêm thì đến xem cả 3.

Nhà hát Chèo Quân đội đã mạnh dạn đưa cốt truyện, nhân vật vùng Nam bộ vào chèo từ năm 2015. Thử nghiệm đầu tiên là vở chèo “Người chiến sĩ năm xưa”, tên cũ là “Chiến binh” viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vùng Nam bộ. Vở diễn này đã đoạt Huy chương Vàng. Vì vậy hai vở diễn này không phải là thử nghiệm mới.

Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng.

Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng.

Muốn có một vở diễn hay trước hết phải có một kịch bản hay, vì “kịch bản là linh hồn của vở diễn”. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của sân khấu kịch nói chung, sân khấu Chèo nói riêng hiện nay là thiếu các kịch bản hay. Vậy Nhà hát Chèo Quân đội đã khắc phục nguồn kịch bản như thế nào, thưa Đại tá?

- Để có các kịch bản hay, tụ hội tinh hoa các nhà biên kịch toàn quốc, được sự quan tâm, cho phép của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, hàng năm Nhà hát chúng tôi đã mở trại sáng tác kịch bản, mở các cuộc vận động sáng tác kịch bản về đề tài vũ trang và cách mạng.

Hưởng ứng cuộc vận động, các tác giả, các nhà biên kịch yêu sân khấu chèo, đặc biệt chiếu chèo quân đội duy nhất đã gửi kịch bản về. Trên cơ sở ấy, chúng tôi có điều kiện chắt lọc những tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật cao đưa vào dàn dựng hàng năm.

Đại tá có thể giới thiệu về Nhà hát Chèo Quân đội - chiếu chèo chiến sĩ. Sân khấu Chèo hiện đại vẫn đang lúng túng tìm đường đi. Vậy Nhà hát Chèo của ông chọn đi đường nào để không “Gieo vừng ra ngô”, biến Chèo thành “Kịch cắm Chèo”, “Kịch cắm ca”?

- Nhà hát Chèo Quân đội tiền thân là Đoàn Nghệ thuật Chèo Tổng cục Hậu cần, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân thời kỳ đổi mới. Trải qua hơn 64 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, hiện là chiếu chèo duy nhất của quân đội, chiếu chèo chiến sĩ. Chúng tôi là những người nghệ sĩ hai lần chiến sĩ.

Đó là chiến sĩ LLVT và chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng trong Quân đội. Hiện Nhà hát có 5 NSND, trên 20 Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Có thể kể các NSND: Đào Lê, Ngọc Viễn, Tự Long, Quốc Trượng, Minh Tiến; Các NSƯT: Thùy Linh, Duy Từ, Phương Thúy, Đình Óng, Văn Chính, Tiến Lợi…

64 năm qua, Nhà hát chúng tôi đã có hàng trăm vở diễn. Dấu ấn trong thời kỳ đổi mới, hội nhập của Nhà hát là vào các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980, 1985, Nhà hát đã trình làng bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” của Đại tá, NSND Tào Mạt gây chấn động. “Bài ca giữ nước” - bộ ba đỉnh cao của nghệ thuật chèo trong thế kỷ XX đã giúp Nhà hát đoạt ba Huy chương Vàng.

Định hướng nghệ thuật hiện nay của chúng tôi là đổi mới chèo để đáp ứng thị hiếu của khán giả. Tuy nhiên, việc đổi mới ấy không làm mất đi chất chèo, vẫn giữ hồn cốt của chèo. Thời gian qua, chúng tôi đã khẳng định chính mình khi duy trì những đêm đỏ đèn sân khấu vượt mức quy định. Như năm 2017, Nhà hát chúng tôi biểu diễn hơn 200 buổi trong khi chỉ tiêu 1 năm là 120 buổi diễn. Hiện chúng tôi đã biểu diễn 180 lượt, vượt chỉ tiêu 50 %.

Xin cảm ơn Đại tá và chúc Nhà hát giành giải thưởng lớn từ Hội thi.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/dai-ta-nsnd-nguyen-quoc-truong-no-luc-de-xung-danh-nghe-si-hai-lan-chien-si-420659.html