Đại thắng mùa Xuân năm 1975 -Bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về Nhân dân Việt Nam. Thắng lợi to lớn đó, bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không những ghi vào lịch sử dân tộc ta như mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giành thắng lợi quyết định trong trận quyết chiến chiến lược.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trở thành mốc son lịch sử dân tộc Việt Nam; là chiến thắng chung của cả nước và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Để đi đến thắng lợi to lớn và quyết định này, trước hết phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, yếu tố then chốt quyết định trong suốt tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của Nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc chiến tranh ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Bốn mươi bảy năm đã trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Nghị quyết Đại hội IV (12/1976) của Đảng khẳng định: “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta”1; mà “trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng”2.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc đọ sức quyết liệt giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đó là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài nhất, lớn nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Nhân dân Việt Nam. Xét toàn cục về mặt chiến lược, nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại đó là vai trò lãnh đạo của Đảng với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện; cùng với đó là sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để đến với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học sâu sắc nhất về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chúng ta có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm quý báu sau:
Một là, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã sớm đánh giá đúng kẻ thù, có chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo từng bước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Đánh giá đúng bản chất, âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 7/1954) chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương”. Những hoạt động của Mỹ ở miền Nam nước ta đã bộc lộ rõ dã tâm của chúng muốn biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ để chuẩn bị chiến tranh xâm lược mới nhằm đánh chiếm cả miền Bắc Việt Nam, đè bẹp phong trào giải phóng dân tộc và ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á.
Đánh giá đúng kẻ thù, Hội nghị lần thứ 15 (1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) chỉ rõ: Mỹ - Diệm chẳng những là kẻ thù của nhân dân miền Nam đang bị chúng thống trị mà còn là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân miền Bắc đã được giải phóng. Trong Diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng họp tháng 9/1960, Đảng ta chỉ rõ: “Nhân dân ta từng chịu đau khổ vì bọn đế quốc và ngày nay còn bị bọn Mỹ - Diệm chia cắt đất nước, giày xéo miền Nam. Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon ngủ yên”3. Với quan điểm xem xét khoa học, biện chứng và cách mạng, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) Đảng ta chỉ rõ: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân”4, Đảng ta khẳng định: Mỹ và tay sai có quân đông nhưng không có cơ sở chính trị sâu rộng và vững chắc, tuy quân sự chúng còn mạnh, nhưng chính trị của chúng lại rất yếu mà yếu nhất là ở nông thôn. Từ đó, Đảng ta xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”5. Với chủ trương đúng đắn đó, phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam đã nổ ra và nhanh chóng phát triển thành cao trào, khởi nghĩa từng phần và giành thắng lợi, đưa cách mạng miền Nam vượt qua thử thách, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
Hai là, về sự lãnh đạo, chỉ đạo nắm thời cơ giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Để đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, cuộc kháng chiến của quân dân ta phải trải qua đấu tranh lâu dài, gian khổ suốt 21 năm dòng mới tạo được thời cơ kết thúc chiến tranh. Thời cơ trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được tạo ra bởi sức mạnh của Nhân dân trên cả hai miền đất nước.
Sau khi Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 được ký kết, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã nắm vững thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 2 năm 1974-1975... hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam trong năm 1975”6. Chiến thắng Chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn, hàng chục tỉnh, thành phố, thị xã đã được giải phóng, gần một nửa binh lực quân ngụy trên toàn miền Nam đã bị tiêu diệt và tan dã. Khả năng tập trung lực lượng để tăng cường phòng thủ Sài Gòn bị hạn chế. Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đủ điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”7.
Ba là, nét nổi bật về nghệ thuật chỉ đạo phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy. Đó là sự kết hợp giữa những đòn tiến công quân sự bằng các trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của bộ đội chủ lực đánh thẳng vào các đô thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch và kết hợp chặt chẽ với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, đập tan bộ máy kìm kẹp của ngụy quân, ngụy quyền ở địa phương, cơ sở để giành quyền làm chủ. Để chỉ đạo các lực lượng đẩy nhanh tiến công, trong bức điện gửi vào chiến trường 18 giờ 00 ngày 27/3/1975, Bộ Chính trị đã chỉ thị: “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, chiếm lĩnh các công sở... và vận động binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị quân ngụy”8. Sự nổi dậy mạnh mẽ của đông đảo nhân dân trên các địa bàn từ nông thôn đến thành thị đã tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực tập trung lực lượng vào mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tiến công, nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch. Lực lượng du kích đã cùng nhân dân bao vây, bức hàng, vận động địch ra trình diện, giữ trật tự an toàn vùng mới giải phóng, bảo vệ các nhà máy, công sở, không để địch phá hoại... Để chuẩn bị cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Trong bức điện gửi Trung ương Cục miền Nam, 15 giờ 30 ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị chỉ thị: “… Sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội. Sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động”9.
Bốn là, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi trọn vẹn. Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá, so sánh lực lượng giữa ta và địch, nắm bắt thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trước thời cơ đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định: “Nắm chắc thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”10. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sài Gòn - Gia Định là hướng tiến công chiến lược chủ yếu và cũng là mục tiêu chiến lược cuối cùng của ta. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, để thực hiện cách đánh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ta đã sử dụng đại bộ phận lực lượng tinh nhuệ thọc sâu kết hợp các lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn then chốt ven đô, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới tiến nhanh theo các trục đường, đánh thẳng vào nội đô các mục tiêu đã lựa chọn, kết hợp các lực lượng đánh từ ngoài vào với đánh từ trong ra khiến cho quân địch bị chia cắt, phân tán và nhanh chóng bị đập tan. Đó là nét độc đáo sáng tạo về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tiến công thần tốc, táo bạo và bất ngờ. Cách đánh đó đã đưa lại hiệu quả to lớn, giành thắng lợi trong một thời gian ngắn. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược Đảng, 5 cánh quân chủ lực hùng mạnh của ta tiến hành tổng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định cùng với sự phối hợp chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương và phong trào nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, chúng ta đã đập tan sự kháng cự của địch, buộc nội các chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi.
Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã đi qua 47 năm, nhưng những bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập sâu rộng quốc tế, khi tình hình an ninh, chính trị trong khu vực đang có những diễn biến phức tạp, nhất là những tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển đảo, sự cạnh tranh ảnh hưởng của một số nước lớn ở một số khu vực đang diễn ra khá mạnh mẽ thì sự kiên định tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh trí tuệ, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới, xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh.
Bốn mươi bảy năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng và niềm tự hào về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã chọn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
Chú thích:
1,2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.472, 484.
3,4,5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.82-85.
6. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Việt Nam những sự kiện quân sự thế kỷ XX, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.499.
7. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1991, tập 2, tr.178.
8,9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.90, 167.
10. Đại tướng Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.210.