Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mở ra giai đoạn mới trong tiến trình cách mạng thế giới
Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến thắng mang tầm vóc lịch sử vĩ đại, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, khẳng định thành công của đường lối đối ngoại đúng đắn và sáng tạo của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - một trong những nhân tố cơ bản góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã góp phần thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên toàn cầu, tác động mạnh mẽ tới tiến trình cách mạng thế giới.

Các chiến sĩ Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN
Những thập niên đầu thế kỷ XX, sau sự thành công của Cách mạng tháng 10 Nga, cục diện thế giới đã có những thay đổi nhanh chóng và hết sức sâu sắc. Đó là sự xuất hiện 3 "dòng thác" cách mạng vĩ đại trong đời sống chính trị thế giới: Cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng đòi dân sinh, dân chủ, bảo vệ hòa bình, trở thành xu hướng chủ yếu của thời đại.
Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước ta trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử, nơi tập trung những mâu thuẫn của thời đại: Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản; mâu thuẫn giữa các lực lượng hòa bình và dân chủ với các thế lực phản động gây chiến; mâu thuẫn giữa đế quốc với đế quốc. Vì vậy, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta không những có ảnh hưởng quyết định đến tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của cách mạng thế giới.
Đại thắng mùa Xuân 1975 góp phần mở ra một giai đoạn mới trong cục diện quốc tế, giai đoạn mà nhân dân thế giới gọi là “thời kỳ sau Việt Nam”. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lớn mạnh nhanh chóng về mọi mặt. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đã hình thành nên mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh tuy lập trường chính trị khác nhau, song đều có một quan điểm chung là ủng hộ nhân dân Việt Nam. Mỗi chiến thắng của Việt Nam đều được coi là chiến thắng chung tại các vùng giải phóng của họ và trở thành động lực để tiến hành cuộc cách mạng trong nước.
Trên bán đảo Đông Dương, tháng 5/1975, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã kiên quyết và kịp thời phát động đấu tranh bằng “ba đòn chiến lược” (nổi dậy của quần chúng; tiến công bằng quân sự, gây áp lực; nổi dậy ly khai của một bộ phận binh sĩ) và “mũi đấu tranh pháp lý” giành quyền làm chủ trong cả nước, dẫn đến sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào khẳng định: “Thắng lợi 30/4/1975 là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử và quốc tế to lớn, đánh bại ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, thúc đẩy quá trình tan rã không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân mới trong phạm vi toàn thế giới, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại đó đã tạo cơ hội nghìn năm có một cho cách mạng Lào, đồng thời, cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội" [1].
Ở Campuchia, phối hợp chặt chẽ với chiến thắng của nhân dân Việt Nam, quân và dân nước bạn đã mở cuộc tổng công kích, lật đổ chế độ Lon Non, giải phóng Phnôm Pênh vào ngày 17/4/1975. Ngày 30/4/1975, đồng chí Norodom Sihanouk, Quốc trưởng Campuchia gửi điện mừng nhấn mạnh: “Thắng lợi hoàn toàn của các bạn đánh bại đế quốc này là trang đẹp nhất trong lịch sử hàng mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam rất giàu những chiến công yêu nước. Thắng lợi này của Việt Nam cũng là thắng lợi của tất cả các dân tộc ở Đông Dương chúng ta và của toàn thể các dân tộc trong thế giới thứ ba” [2].
Trên toàn châu Phi chưa bao giờ có sự kiện quốc tế nào được chú ý theo dõi kỹ bằng sự kiện “hấp hối” của chế độ Sài Gòn. Cuộc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của nhân dân Việt Nam là cơ sở của sự xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và châu Phi. Chỉ tính trong 3 năm (1973-1975), đã có tới 14 nước châu Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam [3]. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đưa đến cho nhân dân châu Phi những bài học lịch sử quý báu. Nhờ có kinh nghiệm chiến tranh của cách mạng Việt Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi được thúc đẩy mạnh mẽ. Cho đến ngày nay, tinh thần chiến thắng 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với các nước chậm phát triển chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và phụ thuộc vào các nước lớn trong tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, tôn giáo, giành độc lập hoàn toàn.
Có thể khẳng định rằng, năm tháng trôi qua, nhưng thời gian không thể làm mờ đi những ảnh hưởng và tác động to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đối với tiến trình phát triển của cách mạng thế giới. “Với những chiến công hiển hách ấy, nhân dân ta xứng đáng đứng vào hàng các dân tộc tiên phong đấu tranh cho những lý tưởng đẹp đẽ của loài người, góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình cách mạng thế giới. Và Đảng ta, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, ngày nay đã trở thành một đảng Mác - Lênin lớn mạnh, một đảng tôi luyện về chính trị, vững mạnh về tư tưởng và tổ chức, một đội ngũ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế” [4].
[1] Nhiều tác giả, 40 năm Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, H, 2015, tr.364.
[2] Nhiều tác giả, 40 năm Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, H, 2015, tr.366.
[3] Bộ Quốc phòng - Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H, 2011, tr.1376.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2004, tr.472.