Đái tháo đường Thai kỳ và cách phòng ngừa
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một thể của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con, như tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, ngạt sơ sinh,...
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ĐTĐTK "là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai".
Ở Việt Nam, năm 2004 tỷ lệ này từ 3,9% tăng lên 20,3% năm 2012 và 20,9% năm 2017 tùy theo tiêu chuẩn chẩn đoán và đặc điểm dân cư . Tại Nghệ An, qua nghiên cứu, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ trên địa bàn Thành phố Vinh có chiều hướng tăng lên hàng năm: năm 2011 là 11.45%; năm 2013 -2015 là 20,5 %; năm 2019 tỷ lệ ĐTĐTK được chẩn đoán tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An chiếm hơn 50%.
Mặc dù hiểu biết về ĐTĐTK đã được quan tâm hơn tuy nhiên tỷ lệ thai phụ bị ĐTĐTK bị bỏ sót cũng như được phát hiện muộn vẫn còn khá nhiều và dẫn đến các kết cục sản khoa bất lợi.
ĐTĐTK nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con, như tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, ngạt sơ sinh, tử vong chu sinh, thai to làm tăng nguy cơ đẻ khó và mổ đẻ,... Trẻ sơ sinh của những bà mẹ có ĐTĐTK có nguy cơ hạ glucose máu, hạ canxi máu, vàng da; khi trẻ lớn hơn sẽ có nguy cơ béo phì và ĐTĐ tuýp 2...
Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi cùng Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân – Trưởng khoa Nội tiết sinh sản Bệnh viện Nội tiết Nghệ An về bệnh Đái tháo đường thai kỳ.
PV: Thưa Bác sĩ, xin Bác sĩ cho biết đối tượng nào có nguy cơ ĐTĐTK?
Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân: Những đối tượng có nguy cơ cao mắc ĐTĐTK gồm những đối tượng sau: Người thừa cân, béo phì. Tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ, đặc biệt là người ĐTĐ thế hệ thứ nhất. Tiền sử sinh con ≥ 4000g. Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm tiền sử ĐTĐTK trước, glucose niệu dương tính.
Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, ≥ 35 tuổi là yếu tố nguy cơ cao của ĐTĐTK. Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sanh non, thai dị tật. Chủng tộc: châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc ĐTĐTK cao. Hội chứng buồng trứng đa nang.
PV: Thưa Bác sĩ, xin Bác sĩ cho biết các tai biến thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ?
Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân: Đối với Thai phụ mắc ĐTĐTK có thể dẫn đến những hậu quả cho cả mẹ và thai nhi.Với mẹ làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai. Về lâu dài, các thai phụ mắc ĐTĐTK tăng nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch. Thai phụ mắc ĐTĐTK có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường.
Với thai nhi và trẻ sơ sinh ĐTĐTK ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sẩy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức.
Sau sinh dễ gặp Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh; Bệnh lý đường hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp; Dị tật bẩm sinh; Tử vong ngay sau sinh; Tăng hồng cầu; Vàng da sơ sinh;Các ảnh hưởng lâu dài: Gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2, rối loạn tâm thần - vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị ĐTĐTK có nguy cơ ĐTĐ và tiền ĐTĐ tăng gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi.
PV: Xin Bác sĩ cho biết khi nào cần đi khám để phát hiện ĐTĐTK?
Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân: Tất cả các thai phụ nên được kiểm tra đường huyết bằng nghiệm pháp tăng đường huyết 3 mẫu dành cho phụ nữ mang thai ở tuần thai 24-28, riêng những đối tượng nguy cơ cao nói trên cần kiểm tra đường huyết ngay khi phát hiện có thai.
PV: Xin Bác sĩ cho biết chế độ ăn uống, luyện tập và sử dụng thuốc như thế nào?
Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân: Thai phụ mắc ĐTĐTK cần thực hiện tốt các biện pháp sau.
Thứ nhất người bệnh phải thực hiện chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng của người mẹ được cung cấp phải tùy thuộc vào trọng lượng trước khi có thai cũng như tình trạng tăng cân kể từ lúc mang thai và tùy thuộc vào việc đánh giá nhu cầu năng lượng trước đó. Qua đó, thầy thuốc mới tìm được nhu cầu thích ứng cụ thể với từng người bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Khi bị đái tháo đường thai kỳ, người mẹ cần chú ý đến thực phẩm và thời điểm ăn. Nên thực hiện đúng lời khuyên của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Ngoài ba bữa ăn chính trong ngày, bạn cần ăn thêm 2 đến 3 bữa ăn vặt vào cùng thời điểm mỗi ngày. Nên dùng các loại carbohydrat (tinh bột) hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen, nui còn chứa nhiều chất xơ....
Hạn chế hoặc không dùng thực phẩm chứa chất béo bão hòa như bơ, mỡ, nội tạng động vật. Bạn không cần ăn kiêng, ngược lại cần đảm bảo nguồn thực phẩm đa dạng đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho cả mẹ và con.
Thứ hai, đối với đái tháo đường thai kỳ thì việc tập luyện phải hết sức thận trọng. Khi đang tập luyện, người bệnh cảm thấy mệt mỏi phải ngừng tập và cần được nghỉ ngơi. Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào cũng cần có sự thảo luận giữa bệnh nhân và thầy thuốc để lựa chọn hình thức và thời lượng tập luyện thích hợp nhất.
Người phụ nữ đái tháo đường thai kỳ có thể luyện tập ở mức trung bình và tránh một số hoạt động nhất định cho đến sau khi sinh nở. Trong tập luyện, người bệnh cần giữ nhịp tim không vượt quá 140 lần/phút, không nên để tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài và tránh tập luyện quá sức. Cũng như các bà mẹ mang thai khác, người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ nên đi bộ hoặc bơi lội nếu có điều kiện.
Ngoài ra, Phụ nữ ĐTĐTK cần tập thể dục đều đặn để giúp cơ thể điều hòa glucose trong máu. Nếu chế độ tập luyện và ăn uống vẫn không kiểm soát được đường huyết, bắt buộc người bệnh phải dùng thuốc. Người bệnh đái tháo đường thai kỳ phải được điều trị bằng insulin với liều lượng do bác sĩ nội tiết chỉ định, cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị, tránh gây hạ đường huyết và các tai biến khác.
Giảm cân hợp lý trước khi mang thai chứ không nên giảm cân trong thời kỳ mang thai vì cơ thể phải làm việc nhiều để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Khi có thai cần đi khám thai đúng lịch, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra đường huyết để có thể có các biện pháp can thiệp kịp thời tránh xẩy ra tai biến đáng tiếc.
Xin Cảm ơn Bác sĩ!
Mọi thắc mắc về bệnh Đái tháo đường thai kỳ, xin liên hệ Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, số 11, đường Mai Hắc Đế, phường Quán Bàu, TP. Vinh, Nghệ An.
Điện thoại: Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân: 0986595600
Hotline: 0901715656
Email: benhviennoitietnghean@gmail.com