Đái tháo nhạt khác gì với đái tháo đường?
Bạn đọc QUỐC TOẢN (Tây Ninh) hỏi: Gần đây tôi đi tiểu liên tục dù không uống lượng nước nhiều hơn so với trước đây. Có phải tôi mắc bệnh đái tháo nhạt? Bệnh này khác gì với đái tháo đường?.
TS-BS TRẦN VIẾT THẮNG, Phó Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời: Bệnh đái tháo đường là người bệnh đi tiểu nhiều và trong nước tiểu có đường. Còn bệnh đái tháo nhạt là bệnh nhân cũng đi tiểu nhiều nhưng trong nước tiểu không có đường. Đái tháo nhạt là tình trạng rối loạn khả năng cân bằng nước trong cơ thể.
Đối với đái tháo nhạt, ở vùng thùy sau tuyến yên có dự trữ và tiết ra một hoóc-môn chống bại niệu (ADH) giúp điều hòa lượng nước tiểu trong cơ thể. Khi uống nước ít, hoóc-môn tiết nhiều ra sẽ đi tiểu ít và nước tiểu có màu vàng đặc lại. Ngược lại, khi uống nhiều nước, hoóc-môn này sẽ ức chế, nước tiểu sẽ được thải nhiều ra và trong hơn.
Nguyên nhân đái tháo nhạt được ghi nhận có thể do bị rối loạn tâm lý nên người bệnh uống nước rất nhiều và khi đó sẽ đi tiểu nhiều. Nguyên nhân thứ hai là do tổn thương hoặc những bất thường trong tác dụng của ADH. Vì lý do nào đó mà người bệnh bị suy giảm tiết hoóc-môn này nên dẫn đến việc đi tiểu nhiều không kiểm soát được. Hoặc nguyên do nữa là tổn thương ở thận nên khó cảm nhận được hoóc-môn ADH.
Để xác định có bị đái tháo nhạt hay không, anh cần gặp bác sĩ để theo dõi chặt chẽ và làm xét nghiệm tìm nguyên nhân do uống quá nhiều nước hay bất thường hoóc-môn ADH. Nếu do bất thường hoóc-môn ADH mà không điều trị kịp thời thì người bệnh có thể mất nước, tụt huyết áp.
Bệnh đái tháo nhạt thường không thể phòng ngừa được. Tùy vào nguyên nhân dẫn đến đái tháo nhạt, các bác sĩ sẽ tư vấn liệu pháp điều trị khác nhau.