Đại Từ vào cuộc quyết liệt cho công tác giảm nghèo bền vững

Trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã nỗ lực không ngừng trong công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.

Đại Từ là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên với dân số khoảng 181.800 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,9%. Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo, các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.

 Đại diện lãnh đạo huyện Đại Từ trao hỗ trợ nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo xã Cát Nê

Đại diện lãnh đạo huyện Đại Từ trao hỗ trợ nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo xã Cát Nê

Trong giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra kế hoạch hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,2% trở lên. Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu này, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cấp huyện, xã; thành lập tổ công tác thực hiện Chương trình; phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các dự án giảm nghèo; lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo.

Nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hiệu quả nhằm xóa đói giảm nghèo, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra các cơ hội phát triển lâu dài cho cộng đồng.

Thành quả đạt được không chỉ phản ánh sự cải thiện rõ rệt trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà còn là minh chứng cho hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, mang lại hy vọng và động lực mới cho cả vùng nông thôn. Qua đó, nhiều hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ sản xuất, sửa chữa và xây dựng mới nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt chỉ tiêu so với kế hoạch hàng năm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp giúp giảm nghèo bền vững

Giai đoạn qua, huyện Đại Từ đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các mô hình, dự án thuộc Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Một số dự án đem lại hiệu quả cao có thể kể đến như: dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và cải thiện dinh dưỡng; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững (mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ việc làm bền vững); Dự án truyền thông về giảm nghèo thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình;...

Huyện đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 3 mô hình giảm nghèo (hỗ trợ phân bón phát triển cây chè, hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, hỗ trợ chăn nuôi trâu sinh sản) tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn huyện, để hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ thoát nghèo bền vững, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo giai đoạn đoạn 2021-2025.

Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản đã giúp bà con ở huyện Đại Từ ổn định sinh kế

Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản đã giúp bà con ở huyện Đại Từ ổn định sinh kế

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Đại Từ đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách về giảm nghèo và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tới cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn huyện. Công tác tuyên truyền được thể hiện đa dạng thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi tuyên truyền, phóng sự truyền hình, bài viết trên trang thông tin điện tử tỉnh,…

Đặc biệt, huyện cũng đã tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tới các cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, xóm, qua đó nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội cũng thường xuyên thực hiện tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tới các hội viên và Nhân dân trên địa bàn huyện.

Trong năm qua, huyện cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã nội dung về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025.

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 1,87%

Bằng sự quyết tâm cao độ của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực của nhân dân cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đại Từ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2022-2025, trên địa bàn huyện Đại Từ có 4.022 hộ nghèo và 3.063 hộ cận nghèo.

Theo báo cáo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong giai đoạn 2022-2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 7,84% xuống còn 2,23% vào cuối năm 2024, bình quân mỗi năm giảm 1,87% (vượt kế hoạch của UNND huyện 1,2%/năm). Tính đến tháng 11/2024, số hộ nghèo của huyện đã giảm từ 4.022 hộ xuống còn 1.134 hộ, giảm 2.888 hộ nghèo, đạt 115,52 kế hoạch.

Với quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong giai đoạn tới, các cấp ủy, chính quyền huyện Đại Từ tiếp tục quan tâm đến công tác giảm nghèo. Để Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt hiệu quả, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, quán triệt đầy đủ đến các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư, nhất là người nghèo, hộ nghèo về quan điểm chỉ đạo và nội dung Chương trình giảm nghèo của huyện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, huyện huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo với phương châm Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân thực hiện, huy động từ các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo đã đề ra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, trong đó, tập trung vào phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; hoàn thiện, vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dai-tu-vao-cuoc-quyet-liet-cho-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-131271.htm