Đại tướng Đoàn Khuê: Những dấu ấn về lý luận và thực tiễn bảo vệ Tổ quốc
Với tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, Đại tướng Đoàn Khuê có nhiều cống hiến và đóng góp vào thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Năm 2007, công trình 'Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học' được Chủ tịch nước ký tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với lời ghi nhận: 'Đặc biệt xuất sắc'.
Những đóng góp to lớn
Sáng qua (27/10), tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Bộ Quốc phòng (BQP) chủ trì phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đại tướng Đoàn Khuê - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của QĐND Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị”.
Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 - 29/10/2023), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng BQP.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo nhấn mạnh: Suốt 60 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Đoàn Khuê đã trải qua nhiều cương vị, trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Dù ở cương vị, điều kiện hoàn cảnh nào, đồng chí Đoàn Khuê cũng luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; mưu lược, quyết đoán, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê, huyện Triệu Phong tổ chức Lễ khánh thành Khu lưu niệm Đại tướng Đoàn Khuê.
Khu lưu niệm được khởi công xây dựng ngày 7/7/2023 trong khuôn viên đất của gia đình Đại tướng ở thôn 1, xã Triệu Lăng, trên diện tích khoảng 7.500m2, tổng mức đầu tư xây dựng 9 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm Đại tướng; Nhà lưu niệm gia đình; công trình phụ trợ; sân hành lễ; đường, bồn hoa cây cảnh; bãi đỗ xe; cổng hàng rào và các công trình phụ trợ khác.
Bên trong Nhà lưu niệm được thiết kế, trang trí, lưu giữ nhiều kỷ vật, ảnh tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Đoàn Khuê với 2 chủ đề: “Quê hương nghĩa nặng, tình sâu” và “Đại tướng Đoàn Khuê - một nhà chính trị, quân sự xuất sắc”.
Khu lưu niệm là công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử và mỹ thuật. Đồng thời là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của QĐND Việt Nam, quê hương Quảng trị anh hùng cho thế hệ trẻ.
Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho biết: Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 90 tham luận của các đồng chí đã và đang giữ trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước và quân đội; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học và nhân chứng lịch sử…
Đề cập khá toàn diện từ truyền thống gia đình, quê hương, quá trình hoạt động cách mạng, phẩm chất, tài năng và những đóng góp nổi bật của Đại tướng Đoàn Khuê đối với quê hương, đất nước, mỗi tham luận là mỗi công trình độc lập, được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, vừa bảo đảm tính khoa học, vừa thể hiện lòng kính trọng và tri ân sâu sắc của quân và dân ta đối với Đại tướng Đoàn Khuê.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhận xét, các tham luận trình bày tại Hội thảo đã đề cập khá toàn diện, từ truyền thống gia đình, quê hương, quá trình hoạt động cách mạng, phẩm chất, tài năng và những đóng góp nổi bật của Đại tướng Đoàn Khuê đối với quê hương, đất nước.
Trong đó, đã làm rõ, nổi bật các nội dung cơ bản: Khẳng định Đại tướng Đoàn Khuê là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, suốt đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân; làm sáng tỏ thêm quá trình hoạt động và những đóng góp to lớn của Đại tướng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Các tham luận cũng phân tích và làm sâu sắc hơn những đóng góp của Đại tướng Đoàn Khuê trong xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là QĐND trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn; khẳng định những cống hiến to lớn của Đại tướng Đoàn Khuê trong tham mưu và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, BVTQ những năm đầu đất nước đổi mới. Khẳng định Đại tướng Đoàn Khuê là người tiêu biểu cho phong cách lãnh đạo, chỉ huy dân chủ, sâu sát thực tiễn và là tấm gương về đạo đức cách mạng. Làm sáng tỏ thêm cội nguồn nuôi dưỡng, hun đúc nên bản lĩnh, tài đức của một vị tướng. Khẳng định Đại tướng Đoàn Khuê là niềm tự hào, động lực cho quân và dân Quảng Trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dấu ấn trong xây dựng Quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ
Đại tướng Đoàn Khuê (bí danh Võ Tiến Trình) sinh ngày 29/10/1923 tại làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, ông đã sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939 khi mới 16 tuổi.
Một trong những đóng góp nổi bật của ông là đã đề xuất, góp phần vào việc đánh giá tình hình thế giới, khu vực và cục diện cách mạng trong nước; điều chỉnh thế bố trí lực lượng và phòng thủ trên các hướng, các địa bàn, vùng biển đảo, biên giới, đất liền, các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa…, bảo đảm khả năng phòng thủ trong mọi tình huống.
Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho biết, trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, đặc biệt là khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu sụp đổ, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đại tướng Đoàn Khuê có nhiều đóng góp về lý luận BVTQ; nêu bật những quan điểm cơ bản về xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đó trong thực tiễn.
Đại tướng Đoàn Khuê là người tham mưu, để xuất và trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) và quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng trên cả nước; từng bước giải quyết những vướng mắc về nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh trong quá trình hoạch định và triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại tướng Đoàn Khuê có đóng góp to lớn vào việc xác định và thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó việc xây dựng QĐND về chính trị là nhiệm vụ hàng đầu, là cơ sở để xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt. Trong xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, về phương diện lý luận cũng như trong chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng luôn coi trọng công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần, xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ; chăm lo công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh...
Đặc biệt, trong thời gian được Đảng, Nhà nước giao trọng trách làm Bộ trưởng BQP, Đại tướng Đoàn Khuê đã đề xuất những luận điểm về chiến lược quốc phòng BVTQ hết sức kịp thời là: Kết hợp chặt chẽ BVTQ với xây dựng đất nước, quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, dựng nước đi đôi với giữ nước; BVTQ gắn chặt với bảo vệ chế độ XHCN; phát huy sức mạnh tổng hợp để BVTQ; quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự cường kết hợp với tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi. Những luận điểm này của Đại tướng Đoàn Khuê được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và được chính thức thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991).
Dấu ấn trong cuốn sách đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh
Từ thực tiễn lãnh đạo và chỉ huy, Đại tướng Đoàn Khuê đã viết nhiều bài, nhiều công trình đề cập đến những vấn đề cơ bản về đường lối quân sự của Đảng, về nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy trên chiến trường, về chiến tranh nhân địa phương, củng cố quốc phòng và xây dựng Quân đội chính quy, từng bước hiện đại, kết hợp kinh tế với quốc phòng để xây dựng và BVTQ.
Đại tướng Đoàn Khuê có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thành công trình “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học”, “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học”…
Đặc biệt, năm 2007, công trình “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học” được Chủ tịch nước ký tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với lời ghi nhận: “Đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, khoa học, công nghệ trong công cuộc xây dựng CNXH và BVTQ”.