Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Tên gọi Luật lực lượng dự bị động viên không có vướng mắc gì

Thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV) sáng 11-6, một số ĐBQH đề nghị, Luật này phải giúp xây dựng LLDBĐV hùng hậu để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) phát biểu về dự thảo Luật LLDBĐV

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) phát biểu về dự thảo Luật LLDBĐV

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật LLDBĐV là tên gọi của Luật và đối tượng của LLDBĐV có nên bao gồm cả con người và phương tiện kỹ thuật hay chỉ quy định về con người.

Phát biểu đầu tiên, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) góp ý, việc quy định phương tiện kỹ thuật là LLDBĐV như trong dự thảo luật cần được cân nhắc, cho phù hợp với Hiến pháp 2013 và các chủ trương, quy định của Đảng.

Theo ĐB, quy định LLDBĐV là con người thì mới phù hợp với Điều 4 về nguyên tắc xây dựng LLDBĐV vững mạnh về chính trị, tư tưởng, có trình độ chiến đấu cao. Hơn nữa, nếu quy định như dự thảo luật thì tên gọi của dự thảo luật cũng phải điều chỉnh để có thể bao trùm hết được phạm vi điều chỉnh bao gồm cả người và phương tiện kỹ thuật.

Ngược lại, ĐB Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) không đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Phương Tuấn và nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định phương tiện kỹ thuật vào dự thảo Luật LLDBĐV. Lý do vì trong mối quan hệ với Luật Quốc phòng thì Luật Quốc phòng là luật quy định chung, còn Luật LLDBĐV là luật kỹ thuật để triển khai tinh thần của Luật Quốc phòng.

“Trong Luật Quốc phòng đã có quy định về việc khi tổng động viên hoặc động viên cục bộ thì Quân đội được bổ sung phương tiện, kỹ thuật và khi thiết quân luật thì Quân đội quản lý đất nước ở địa bàn thiết quân luật được phép huy động phương tiện kỹ thuật từ số tổng động viên này, do vậy dự thảo Luật LLDBĐV quy định bổ sung trường hợp huy động quân sự là hoàn toàn có lý” - ĐB Mai Bộ phân tích.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đề nghị giữ nguyên tên gọi của Luật LLDBĐV

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đề nghị giữ nguyên tên gọi của Luật LLDBĐV

Góp ý thêm vào dự án luật, ĐB Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An) đề nghị việc xây dụng Luật LLDBĐV phải kế thừa nghệ thuật quân sự của cách mạng Việt Nam và đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới là chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh phi truyền thống, quy luật của các cuộc chiến tranh gần đây...

Thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật LLDBĐV phát biểu giải trình trước Quốc hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trích dẫn Điều 66 Hiến pháp; khoản 1 Điều 25 Luật Quốc phòng quy định QĐND là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và LLDBĐV.

Cùng đó, Điều 2 Pháp lệnh về LLDBĐV quy định, LLDBĐV bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội. Do vậy, dự thảo Luật LLDBĐV quy định LLDBĐV bao gồm cả con người và phương tiện kỹ thuật.

Về tên gọi, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật LLDBĐV vì thực tiễn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về LLDBĐV, các đơn vị, địa phương không có vướng mắc gì về tên gọi này.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-tuong-ngo-xuan-lich-ten-goi-luat-luc-luong-du-bi-dong-vien-khong-co-vuong-mac-gi/813766.antd