Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Hà Tĩnh về tình hình kinh tế - xã hội

Sáng 20-10, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương có buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Hà Tĩnh về tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn và việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị của địa phương.

Dự buổi làm việc tại điểm cầu Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng có các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại biểu cơ quan một số bộ, ngành Trung ương; đại biểu chỉ huy một số tổng cục, cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.

 Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu chủ trì buổi làm việc.

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành thuộc hai tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, tháng 5-2023, Bộ Quốc phòng đã cùng một số bộ, ngành trực tiếp làm việc với tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Thái Nguyên về những nội dung trên. Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã thống nhất nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của hai địa phương.

 Lãnh đạo và cán bộ các bộ, ngành Trung ương tham dự buổi làm việc tại điểm cầu Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng.

Lãnh đạo và cán bộ các bộ, ngành Trung ương tham dự buổi làm việc tại điểm cầu Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng.

Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương thường xuyên có sự trao đổi, hằng tháng cập nhật tiến độ giải quyết khó khăn, vướng mắc gửi Bộ Quốc phòng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo dõi, tiếp tục chỉ đạo. Với cách làm này, thời gian qua, nhiều khó khăn, vướng mắc của hai địa phương đã được các bộ, ngành tập trung giải quyết, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của 2 tỉnh và cả nước.

Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi trên, quá trình triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn theo đề nghị của địa phương vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Tại buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu đã nghe lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Hà Tĩnh báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm 2023 đến nay… Báo cáo của tỉnh Thái Nguyên cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 4,35% so với cùng kỳ (cao hơn bình quân chung cả nước là 4,24%). Đối với tỉnh Hà Tĩnh, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, quý sau tốt hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 7,68% (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 15/63 tỉnh, thành).

 Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và chỉ huy các tổng cục, cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng tại buổi làm việc.

Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và chỉ huy các tổng cục, cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng tại buổi làm việc.

Ngoài các kết quả, lãnh đạo hai tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung cấp thiết, mong muốn được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng tháo gỡ. Đối với tỉnh Hà Tĩnh, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tiến gần đến mục tiêu cả năm đề ra nhưng các chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác như thu ngân sách, vốn đầu tư toàn xã hội, giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao; việc thực hiện đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới còn nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lực...

Còn đối với tỉnh Thái Nguyên, khó khăn nổi bật hiện nay là công tác quản lý quỹ đất và giải phóng mặt bằng sạch đấu giá quyền sử dụng đất, định giá đất còn vướng mắc; nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên chưa được khắc phục hiệu quả; khó khăn trong công tác đấu thầu ngành y tế ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn về thị trường, nguồn lực tài chính; một số chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế chưa đạt yêu cầu; công tác giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung còn chậm…

 Quang cảnh buổi làm việc trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh chụp qua màn hình).

Quang cảnh buổi làm việc trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh chụp qua màn hình).

Trước khó khăn này, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, sớm giải quyết các đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hai tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Qua báo cáo và kiến nghị, đề xuất của hai tỉnh, tại buổi làm việc, trong thẩm quyền của mình, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã phát biểu ý kiến làm rõ một số nội dung; đưa ra các định hướng, gợi mở để lãnh đạo hai tỉnh nghiên cứu, triển khai vận dụng hiệu quả vào tình hình thực tế của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các tồn đọng, vướng mắc liên quan khác trên địa bàn.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu làm rõ một số nội dung tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu làm rõ một số nội dung tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang đánh giá cao công tác chuẩn bị của UBND tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Thái Nguyên; biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân 2 tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, khẳng định những kết quả đó đã góp phần vào thành tựu chung trong bức tranh kinh tế-xã hội của cả nước.

Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, thời gian qua, trước những khó khăn vướng mắc của 2 tỉnh, các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc xử lý, giải quyết, đạt nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, tìm biện pháp xử lý. Trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị thời gian tới, lãnh đạo các bộ, ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Về phía mình, lãnh đạo hai tỉnh cần chủ động, tích cực hơn nữa để rà soát, xử lý những vấn đề nội tại của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

 Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu trung tâm Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng.

Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu trung tâm Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng.

Đối với một số tồn tại, khó khăn, hạn chế và các kiến nghị đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét như vấn đề liên quan đến sản xuất công nghiệp, kinh doanh vận tải, một số cơ chế, chính sách hội nhập, hợp tác quốc tế, về thủ tục tài chính sau khi thu hồi đất; công tác chính sách nhà ở xã hội, quy hoạch đô thị,… Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị lãnh đạo và các cơ quan chức năng Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… cần tập trung nghiên cứu, đề ra phương án giúp địa phương sớm tháo gỡ.

Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu, sau buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo của hai địa phương, ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ Quốc phòng tổng hợp, sớm báo cáo để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nắm, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

Tin, ảnh: VĂN CHIỂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-tuong-phan-van-giang-lam-viec-voi-tinh-thai-nguyen-va-tinh-ha-tinh-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-747918