Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng lính đảo
Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nơi nhiều cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca đến thắp hương. Ảnh: NHẬT HUY
Giữa trùng khơi, lính đảo vẫn được thấy hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh này giúp cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo thêm yên tâm, vững tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.
Một trong những hoạt động của đoàn công tác thuộc Lữ đoàn 146 Hải quân trong chuyến hải trình dài 20 ngày là viếng tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Các thành viên trong đoàn và đông đảo cán bộ chiến sĩ đang công tác tại đảo Sơn Ca thật sự xúc động, bởi trước vị Đại tướng của dân tộc, ai nấy đều có suy nghĩ phải cống hiến sức lực, tâm trí để xứng đáng với những gì mà Đại tướng đã đóng góp cho quê hương Việt Nam.
Tượng đài hướng ra biển
Công viên mang tên Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam là công trình ý nghĩa, được xây dựng tại vị trí trung tâm của đảo. Điểm nổi bật của công viên là bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiên ngang hướng ra biển trời bao la của Tổ quốc. Theo trung tá Đỗ Ngọc Dũng, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng với tổng diện tích hơn 400m2. Bức tượng chân dung Đại tướng cao 1,76m, được tạc từ đá sa thạch nguyên khối do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thực hiện và hoàn thành vào tháng 12/2015. Bức tượng đã thể hiện thần thái uy nghi và quyết đoán của vị tướng thiên tài.
Bao quanh tượng đài là bức tường hình vòng cung chạy thành hai cánh ôm phía sau. Trên bức tường được trang trí hình sóng cuộn gắn gốm mosaic; phía trên là 300 bức ảnh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tư liệu quý của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Toàn bộ 300 bức ảnh này được in trên gốm do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy thực hiện. Ở bức tường bên phải, các bức ảnh được sắp xếp công phu theo trình tự lịch sử, thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đó là hình ảnh về những chiến dịch, những trận đánh và chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Bức tường cánh trái thể hiện các giai đoạn lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam từ ngày 7/5/1955 khi Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển đến nay. Trong đó có nhiều hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với các hoạt động và sự kiện chiến đấu của lực lượng Hải quân.
“Vào các dịp lễ lớn trong năm hoặc các sự kiện quan trọng, nơi đây là điểm đến của nhiều chiến sĩ và người dân đang sinh sống, làm việc tại đảo Sơn Ca”, trung tá Đỗ Ngọc Dũng cho biết.
Bên cạnh công viên này là con đường rộng 6m làm bằng bê tông mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chiều dài khoảng 500m nối với chùa Linh Sơn trên đảo. Đây là con đường do cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca chung sức thực hiện trong nhiều tháng liền.
Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca, cho biết: “Công viên và con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng đã góp phần quan trọng để đảo Sơn Ca ngày càng khang trang, bề thế hơn. Điều đó còn mang ý nghĩa to lớn là tưởng nhớ, tri ân và vinh danh vị tướng huyền thoại của dân tộc, Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, bậc thiên tài quân sự của thế giới. Hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thêm niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Lính đảo đến công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của người. Ảnh: NHẬT HUY
Soi mình trước Đại tướng
Đảo Sơn Ca là một trong những hòn đảo thơ mộng và nhiều cây xanh nhất quần đảo Trường Sa. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu thì công tác xây dựng, chỉnh trang đảo luôn được cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca dốc sức thực hiện. Dòng chữ “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” hiện diện ở các công trình trên đảo. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bởi trong tâm trí của những người lính đảo ở nơi đầu sóng, ngọn gió, câu nói ấy là lẽ sống, là niềm tin bất diệt.
Ở các đảo, cây xanh được ví như “máu mủ” của những người lính đảo. Tại công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, màu xanh tươi mát của những “cây di sản” ở Trường Sa như bàng vuông, phong ba, bão táp và xen lẫn với màu đỏ thắm của hoa giấy trong nắng hè rực rỡ. Cây xanh ở đây dường như được chăm chút kỹ lưỡng hơn, bởi công viên không những là nơi để lính đảo thể hiện tình cảm với vị tướng của dân tộc, mà còn là nơi họ soi mình để thấy mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những công lao to lớn trong sự nghiệp lừng lẫy của mình.
Binh nhất Lê Quốc Việt cho biết: “Khi được giao nhiệm vụ chăm sóc, chỉnh trang cây xanh ở công viên và con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, em cảm thấy rất vinh dự, tự hào. Tại công viên có những tư liệu quý về lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng, giúp những người lính đảo trẻ như tôi hiểu thêm về lịch sử đất nước và sự hy sinh của các thế hệ cha ông. Đó là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm thôi thúc chúng tôi ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc”.
Sự hiện diện của công viên và con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca là lời khẳng định đanh thép ý chí, quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca luôn khắc cốt, ghi tâm những công lao to lớn của Đại tướng dành cho đất nước và nhân dân ta. Đây là niềm tự hào bất diệt để cán bộ, chiến sĩ trên đảo vững niềm tin, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.