Đại tướng Võ Nguyên Giáp với công tác dân vận
Vào tháng 10/2001, nhân kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2001) và cũng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2001), Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” (đợt đầu tiên) cho Đại tướng. Nhân dịp này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại một số chi tiết trong đời hoạt động của mình, trong đó có đoạn: “Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, hôm nay gặp các đồng chí tôi nhớ tới Bác Hồ kính yêu của chúng ta, trong những năm đầu cách mạng.
Thời kỳ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hôm đó ở trong hang Pác Bó (Cao Bằng), một đêm giá lạnh ngồi xung quanh bếp lửa với Bác, có tôi, đồng chí Vũ Anh, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Phùng Chí Kiên… trao đổi về ý kiến xây dựng lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang. Trong số chúng tôi có người băn khoăn, nếu ta khởi nghĩa vũ trang sẽ khó khăn vì thiếu thốn vũ khí, súng đạn. Bằng giọng nói rất ôn tồn và bình thản, nhưng tôi còn nhớ mãi, Bác nói: “Không lo đâu có người khắc có súng, người trước súng sau. Để làm được việc đó các chú sẽ đi làm dân vận”. Thực hiện lời nói đó của Bác, tôi và các đồng chí khác trở thành những cán bộ dân vận, trực tiếp đi vận động đồng bào”.
Như chúng ta đều biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài năng lớn về nhiều phương diện, trong đó lịch sử hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta đã làm nổi danh Đại tướng và Đại tướng đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhân dân nhiều nước trên thế giới đã gắn chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ngược lại, khi nói đến Đại tướng thì người ta phải nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, như chi tiết ở trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “các đồng chí khác trở thành những cán bộ dân vận, trực tiếp đi vận động đồng bào”. Điều này thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng và cả đến những năm tháng Đại tướng nghỉ hưu và cả khi ông “đi xa”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Bảng năm 1997. Ảnh tư liệu
Ngay từ ngày đầu thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) (22/12/1944), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Chỉ thị: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên cần phải duy trì lực lượng vũ trang các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dẫn dắt cán bộ vũ trang của các địa phương giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất am hiểu lịch sử và sức mạnh của cả dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của các triều đại phong kiến nước ta. Khi tổng kết thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao sự hy sinh, đóng góp sức người sức của của nhân dân, yếu tố quyết định góp phần thắng lợi trên chiến trường.
Đại tướng viết: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược, là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém vấn đề chiến thuật. Khó khăn về cung cấp quả thật không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ không kém tình hình chiến đấu. Chính vì vấn đề cung cấp khó khăn như vậy cho nên quân địch đã không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn ấy. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đó là vô cùng tận. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”.
Ngay từ ngày đầu thành lập lực lượng vũ trang, ý thức rất cao về công tác dân vận trong quá trình thành lập lực lượng này để đứng lên chiến đấu giành độc lập, hòa bình cho Tổ quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất thấm thía lời dạy của Bác Hồ. Đại tướng kể lại việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho Đội tiền thân của QĐNDVN. Đại tướng kể: “Nghe tôi báo cáo xong, Bác phê bình rất nhẹ nhàng: Các đồng chí làm công tác vận động quần chúng tốt nhưng bộc lộ lực lượng sớm quá. Bác có ý nhấn mạnh: Xét về tình hình chung của cả nước thì thời cơ khởi nghĩa vũ trang chưa tới. Nếu Cao - Bắc - Lạng đứng lên đơn độc khởi nghĩa sẽ thất bại. Cuộc đấu tranh của nhân dân lúc này không chỉ đơn thuần là đấu tranh chính trị như trước mà phải có hình thức đấu tranh thích hợp. Bác nói: Chúng ta cần phải thành lập Đội Giải phóng quân. Chọn các đồng chí ưu tú trong lực lượng du kích, tự vệ. Tôi cùng các anh Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên làm kế hoạch thành lập một trung đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng là bí thư chi bộ, tôi là chính trị viên.
Sau khi trình bày Bác nói được rồi, nhưng lúc này tổ chức hoạt động vũ trang chưa phải tiêu diệt địch là chính (Tất nhiên diệt địch là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang). Nhưng lúc này tiêu diệt địch để phát động nhân dân cho nên hoạt động chính trị hơn là quân sự. Tuyên truyền hơn tác chiến. Trước mắt ta thêm hai chữ “tuyên truyền” nên tên của Đội là “Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Sau này lớn mạnh ta tổ chức Giải phóng quân. Trước khi chia tay về, Bác còn nói: “Trong vòng một tháng phải có hành động, thời cơ đã có, trận đầu ra quân nhất định phải thắng: Dựa vào dân thì nhất định thắng. Có dân thì có tất cả”.
“Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời ở khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Kim Mã, tổng Hoàng Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ban Chỉ huy Đội họp bàn và quyết định đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Chọn đánh các đồn này vì ở đây ta đã xây dựng được cơ sở quần chúng. Ở đồn Phai Khắt ta có em bé Hồng thường xuyên ra vào đồn mua hàng, thuốc lá cho giặc. Ở đồn Nà Ngần, có anh Đức Long thường xuyên ra vào do đó nắm chắc sự bố phòng của quân địch. Đánh vào đây ta chắc chắn sẽ giành thắng lợi vì dựa chắc vào dân. Thực tế trận đánh đã diễn ra rất nhanh, sau 5 đến 10 phút ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Qua trận đánh đầu tiên này tôi rút ra bài học về công tác dân vận: Có dân là có tất cả, dựa vào dân thì nhất định thắng lợi. Từ đó tôi thấm thía bài học công tác dân vận”.
Khi nói Đại tướng dân vận thì cũng phải nói đến Lời tuyên thệ của QĐNDVN ngày nay có gốc là Mười lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đọc trong lễ thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944, sau này được lấy làm ngày thành lập QĐNDVN. Nội dung "Mười lời thề" được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, soạn thảo. Nội dung cơ bản của 10 lời thề được giữ nguyên cho đến ngày nay (chỉ có một số chi tiết nhỏ được thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử). Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đọc 10 lời thề, trong đó Điều 1 là: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”. Để giữ tốt mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân như “cá với nước”, “mỗi chiến sĩ xin thề: khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng 3 điều răn: không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân; 3 điều nên: kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân để gây lòng tin cậy, ái đãi đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, giết giặc cứu nước...”. Sau này, trong nhiều bài viết của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Quân đội nhân dân phải hết sức chăm lo quan hệ tốt giữa quân đội với nhân dân. Quan hệ đó dựa trên sự nhất trí, giết giặc cứu nước, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp đi đến thắng lợi. Tình quân dân như tình cá nước, câu nói ấy thật đầy ý nghĩa”.
Ngày 2 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và căn dặn: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao cho chú chức Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mệnh mà quốc dân giao phó”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó, dù ở bất cứ cương vị nào, từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ... hay cả khi đã cao tuổi không đảm nhận trọng trách gì vẫn luôn hết lòng hết sức phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân dân.
Ngày 13/10/2013, Điếu văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có đoạn: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta suy tôn Đồng chí là Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Khi còn sống, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là tấm gương như thế. Đến khi mất đi, Đại tướng tiếp tục là tấm gương để mọi người noi theo. Bởi vì, dân tộc Việt Nam ta có truyền thống nếu ai có công thì được dân lập đền thờ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người được lập đền thờ trong mỗi tấm lòng của người dân Việt Nam.