Đại úy CSGT và hành trình thiện nguyện không mệt mỏi
Không chỉ giải cứu hàng trăm con chó, mèo, Đại úy Lê Hùng Dương còn dành dụm tiền lương, đi làm thuê để mở quán cơm 0 đồng hỗ trợ người khó khăn.
“Người bố” đặc biệt
Thời gian qua, cái tên Đại úy Lê Hùng Dương (SN 1990), cán bộ Đội CSGT Buôn Ma Thuột, Công an tỉnh Đắk Lắk được rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhắc đến, với những tình cảm đầy sự trân trọng bởi những gì anh đã và đang làm cho xã hội.
Là con út trong gia đình có 5 người con, hoàn cảnh khó khăn nên từ khi còn nhỏ anh Dương đã vất vả mưu sinh, lăn lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Đến năm 2012, anh Dương tốt nghiệp Trường Cảnh sát nhân dân 2 tại Tp.HCM và được bố trí về công tác tại tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, không yên tâm khi thấy bố mẹ đã lớn tuổi, nay ốm mai đau nên chỉ sau 6 tháng công tác tại Ninh Thuận, anh Dương xin chuyển công tác về tỉnh Đắk Lắk để thuận tiện cho việc chăm sóc các bậc sinh thành.
Cách đây 5 năm, Đại úy Lê Hùng Dương được nhiều người biết đến bởi câu chuyện giải cứu hàng trăm con chó, mèo. Đại úy Dương cho hay, ngay từ khi còn rất nhỏ, anh rất yêu thương động vật. Đến năm 2017 (khi đó đang công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk), trong một buổi tối đi làm, anh tình cờ phát hiện 2 đối tượng chạy xe máy chở theo 2 bao tải có dấu hiệu nghi vấn nên lập tức đuổi theo.
Trong lúc hoảng sợ, các đối tượng ném bao tải xuống đất rồi nhanh chân bỏ chạy thoát thân. “Ngay khi dừng xe, tôi mở bao tải ra thì thấy rất nhiều chó bên trong. Đáng nói, trong số này, có một con chó cái đang mang thai gần đến ngày sinh nở. Tuy nhiên, con chó này bị các đối tượng chích điện và nhốt trong bao bịt kín, ngạt thở nên cơ thể rất yếu ớt”, Đại úy Dương nhớ lại.
Trước ánh mắt cầu cứu của con chó mẹ, anh Dương không cầm lòng được nên đã quyết định đem về nhà trọ để chăm sóc. Khoảng 30 phút sau khi về đến phòng trọ, con chó mẹ hạ sinh 2 chú chó con rồi lăn ra chết vì kiệt sức. Ngay sau đó, một con chó con vừa kịp chào đời cũng ngưng thở, chỉ còn lại một chú chó nhỏ thở thoi thóp.
Với tình yêu thương động vật, anh Dương vội ẵm chú chó con mới đẻ đi tìm bác sĩ thú y để cấp cứu và bằng mọi cách giữ lại mạng sống cho nó. Cho đến khi thấy chú chó nhỏ được cứu sống, anh Dương mới thở phào nhẹ nhõm. Sau giây phút sinh tử ấy, anh đặt tên cho chú chó nhỏ là “bé Trề”.
Cũng kể từ sau lần cứu được “bé Trề” đã trở thành cơ duyên đưa anh Dương đi đến việc giải cứu hàng trăm cá thể chó, mèo bị chích điện, đánh đập, bỏ rơi, thậm chí chuẩn bị vào các lò giết mổ.
Không ít lần, anh Dương tự bỏ tiền túi ra để giải cứu những con chó, mèo đang trên đường được đưa đến lò mổ. Thậm chí, có những lần anh Dương đã cảm hóa những người chuyên bắt trộm chó, mèo bằng cách dẫn họ đến lò mổ để họ cảm nhận được động vật bị tra tấn dã man như thế nào. Từ đó, nhiều người đã từ bỏ việc bắt trộm chó, mèo và chuyển sang yêu thương, nhận nuôi chó mèo cùng anh.
Đến nay, sau 5 năm lặng lẽ làm công việc nhiều người cho là "bao đồng", anh Dương đã cùng với một số người bạn giải cứu được hơn 200 con chó, mèo các loại. Xem đàn chó, mèo như các con của mình, anh Dương dành dụm tiền mua thức ăn, thậm chí mua giường, nệm, chăn cho chúng nằm ngủ.
Trở thành “ông bố” đặc biệt của đàn chó, mèo, mỗi ngày từ 5h sáng, anh Dương đã dậy dọn dẹp, đi chợ mua thức ăn rồi mới đến cơ quan. Hơn 11h trưa, sau khi tan làm, anh lại tất bật về nấu cháo, đổ thức ăn ra tô cho những “đứa con” của mình dùng bữa. Với những chú chó, mèo nhỏ hoặc đau ốm, anh không nề hà đến tận chỗ để bón cơm vào miệng cho chúng. Cuối giờ chiều, mọi quy trình lặp lại như thế cho đến 2, 3h sáng, anh mới tranh thủ ngả lưng để chợp mắt trước khi ngày mới bắt đầu.
Anh Dương cho biết, có rất nhiều người đến gặp anh để xin chó, mèo về nuôi. Thế nhưng, anh không đồng ý cho ngay mà trực tiếp đến nhà của người xin nuôi để xác minh điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng. Đồng thời, yêu cầu người nuôi phải cam kết không ăn thịt chó, mèo. Cho đến khi cảm thấy đủ tin tưởng, anh Dương mới chấp nhận cho chúng đến nơi ở mới.
“Tôi luôn xem “các bé” (tức chó, mèo – PV) như các con, thậm chí như cục vàng và yêu thương chúng hơn cả bản thân mình. Chính vì thế, nhiều anh em thân thiết nhưng không chăm sóc chó, mèo tốt thì có xin nuôi tôi cũng cương quyết không cho”, anh Dương chia sẻ.
Mở quán cơm 0 đồng để giúp người khó khăn
Không chỉ thầm lặng giải cứu chó, mèo, Đại úy Lê Hùng Dương còn được nhiều người nể phục bởi dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng anh dành dụm tiền lương, đi làm thuê nhiều việc để mở quán cơm 0 đồng nhằm chăm lo bữa ăn cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.
Đôi bàn tay thoăn thoát đảo nồi thịt đang sôi trên bếp, anh Dương cho hay: “Cách đây khoảng gần 1 năm, một hôm tôi đang ngồi ăn mỳ trước nhà thì có người bán vé số đi tới hỏi xin vài chục ngàn đồng để ăn bữa cơm. Lúc này, tôi móc trong túi được 200.000 đồng tặng người đàn ông bán vé số dạo. Cũng từ đó, tôi đã ấp ủ ý định mở quán cơm 0 đồng hỗ trợ người lao động khó khăn, cơ nhỡ”.
Với tinh thần “lá rách đùm lá rách hơn”, không lâu sau đó, anh Dương lặn lội đi tìm thuê chỗ để mở quán cơm 0 đồng. Sau khi lặn lội nhiều nơi, anh cũng tìm được một bãi đất trống trên đường 10/3 (phường Tân Lợi, Tp.Buôn Ma Thuột) với diện tích khoảng 60m2.
Lúc này, anh tìm chủ đất để hỏi thuê thì được báo giá 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi biết được tấm lòng thiện nguyện của Đại úy CSGT, chủ đất lập tức giảm giá còn 2 triệu đồng/tháng, thời hạn thuê 5 năm.
Thuê được đất, anh Dương bắt tay vào mở quán cơm. Do kinh phí ít ỏi nên anh phải tự tay làm mọi việc, từ làm nền, trộn hồ, bắn tôn, cắt sắt, hàn xì... Thế nhưng, thi công được khoảng 3 tháng, anh Dương đành phải tạm dừng vì thiếu kinh phí.
Anh Dương chia sẻ: “Mỗi tháng, lương của tôi được khoảng 11 triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí để nuôi, chăm sóc đàn chó, mèo đã hết gần 20 triệu đồng. Chưa kể, tiền phụ dưỡng cha mẹ già mỗi tháng nên không thể nào có đủ kinh phí để hoàn thành quán cơm 0 đồng như ý định ban đầu. Chính vì vậy, bất kể ai thuê gì, tôi cũng sẵn sàng đi làm không ngần ngại hay xấu hổ. Bởi chỉ cần có kinh phí để chăm có cho “các bé” và hoàn thành quán cơm 0 đồng thì việc gì tôi cũng có thể làm được miễn là không vi phạm pháp luật”.
Đến ngày 19/8/2022, sau 7 tháng vất vả, ngược xuôi, quán cơm 0 đồng của anh Dương cũng thành hình với số vốn hơn 200 triệu đồng.
Hiểu được tấm lòng nhân đạo cao quý của Đại úy CSGT Lê Hùng Dương, nhiều bạn bè, người quen đã đến góp sức, hỗ trợ anh đi chợ, nấu cơm. Bên cạnh đó, nhiều “tấm lòng vàng” còn mang rau, củ, quả, gạo, thực phẩm đến hỗ trợ anh Dương duy trì quán cơm 0 đồng.
Hàng tuần từ thứ Năm đến Chủ nhật, quán cơm 0 đồng của anh Dương lại phục vụ miễn phí từ 50-70 suất cơm/ngày cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.
Đặc biệt, dù miễn phí nhưng anh Dương luôn kỹ càng trong khâu vệ sinh thực phẩm. Bàn ghế được xếp ngay ngắn, lau chùi sạch sẽ, các món ăn đa dạng. Không chỉ phục vụ tại chỗ, mỗi buổi trưa anh Dương và mọi người còn tận tay mang những suất cơm 0 đồng đến các bệnh viện, chợ lớn, các tuyến phố... để tìm người lao động khó khăn trao tặng. Thậm chí, anh còn đến tận nơi chở những người lớn tuổi, già yếu, tật nguyền đến quán cơm 0 đồng dùng bữa, rồi lại chở họ quay về chỗ làm.
Vội vã chuẩn bị những hộp cơm để mang đi trao tặng, em Lê Tấn An, SN 2002, trú tại phường Tân Lợi, Tp.Buôn Ma Thuột cho hay: “Sau một thời gian đến phụ anh Dương tại quán cơm 0 đồng, em đã học được sự nhẫn nhịn và tình yêu thương bao la của anh dành cho động vật và người lao động khó khăn. Mỗi ngày anh phải làm rất nhiều việc từ sáng sớm đến khuya nhưng luôn hòa đồng, vui vẻ với mọi người”.
Không chỉ gửi gắm tình yêu thương qua những suất cơm 0 đồng, anh Dương còn dành thời gian để hỏi thăm hoàn cảnh của từng người với mong muốn hiểu và tìm cách giúp đỡ họ nhiều hơn.
“Tôi không dám hứa sẽ duy trì quán cơm 0 đồng được bao lâu. Tuy nhiên, khi nào còn sức thì tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để mời họ những bữa cơm có cá, thịt, rau”, anh Dương chia sẻ.
Cũng tại quán cơm 0 đồng, anh Dương còn thiết kế “tủ” quần áo 0 đồng để người lao động khó khăn được lựa chọn những bộ đồ ưng ý do các mạnh thường quân từ khắp nơi gửi về.