Đắk Glong nỗ lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số

Thực hiện Dự án 1 'Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt' theo Chương trình 1719, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông có thêm điểm tựa, động lực vươn lên ổn định cuộc sống...

Giúp đồng bào an cư, lạc nghiệp

Mùa mưa năm nay, gia đình chị H’Thương, dân tộc Mạ ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong không còn sống trong cảnh bị dột và lo sợ mưa gió. Căn nhà mới kiên cố, khang trang được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn thực hiện Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình 1719).

Cuối năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình 1719, gia đình chị H’Thương được ngân sách trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 4 triệu đồng và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà bảo đảm “3 cứng” là nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng.

Căn nhà không chỉ giúp cho gia đình chị an cư mà còn là động lực để chị nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Chị H’Thương phấn khởi nói: "Nhờ được chính quyền các cấp hỗ trợ mà tôi xây được căn nhà kiên cố. Đây là động lực để gia đình tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, hy vọng cuộc sống tốt hơn".

Được hỗ trợ từ Dự án 1, Chương trình 1719, gia đình chị H’Thương ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong có được căn nhà kiên cố

Được hỗ trợ từ Dự án 1, Chương trình 1719, gia đình chị H’Thương ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong có được căn nhà kiên cố

Trong căn nhà vừa mới xây xong, anh K’Sé, thôn Tân Tiến, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong không giấu nổi niềm vui và sự xúc động. “Cũng may có Nhà nước hỗ trợ, nếu không gia đình tôi không biết đến bao giờ mới có được căn nhà mới để ở. Giờ có nhà rồi, gia đình có thêm động lực phát triển kinh tế để thoát nghèo và ổn định cuộc sống”, anh K’Sé chia sẻ.

Trường hợp của ông K’Bọt, thôn 2, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Gia đình ông thuộc diện đặc biệt khó khăn khi tuổi đã cao nhưng phải gồng mình chăm lo cho đứa con mắc bệnh tâm thần. Mặc dù có đất ở, nhưng trước đây, trong quá trình mua bán đất chưa rõ ràng dẫn đến vướng mắc liên quan đến sổ đỏ của gia đình. Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương đã tháo gỡ vướng mắc, giúp ông hoàn thành các thủ tục hành chính để tiến tới làm nhà ở.

Là hộ đồng bào nghèo, căn nhà đang ở từ thời xưa đã xuống cấp nghiêm trọng. Có được căn nhà kiên cố là niềm mong mỏi nhiều năm nay của ông K’Bọt. Tuổi càng về già, có niềm vui nào hơn khi có được nơi an cư lạc nghiệp trong ngôi nhà "3 cứng".

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, đến nay, toàn xã có 18 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ nhà ở, đất ở trong giai đoanh 2022 – 2024 từ Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” thuộc Chương trình 1719. Các hộ được hỗ trợ giao đất ở đồng thời xem xét hỗ trợ nhà ở, gắn phương án làm nhà ở trên diện tích đất được giao; tránh tình trạng các hộ được giao đất ở nhưng lại không có nhà ở”.

Nhờ nguồn lực từ Chương trình 1719 đã giúp người dân vùng đồng bào DTTS huyện Đắk Glong xây dựng nhà mới kiên cố (Ngôi nhà kiên cố của hộ chị H'Thủy, bon Kon Hao, xã Đắk ha, huyện Đắk Glong từ nguồn vốn Chương trình 1719)

Nhờ nguồn lực từ Chương trình 1719 đã giúp người dân vùng đồng bào DTTS huyện Đắk Glong xây dựng nhà mới kiên cố (Ngôi nhà kiên cố của hộ chị H'Thủy, bon Kon Hao, xã Đắk ha, huyện Đắk Glong từ nguồn vốn Chương trình 1719)

Xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm vào năm 2030

Song song với việc hỗ trợ sinh kế, tạo đà giúp người dân phát triển kinh tế, thì hỗ trợ nhà ở cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng được huyện Đắk Glong quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Với hàng trăm căn nhà được xây dựng, nhiều hộ đồng bào DTTS đã có nơi ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất. Từ đó, tạo tiền đề kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Theo rà soát, huyện Đắk Glong còn hơn 3.300 hộ dân khó khăn về nhà ở. Trong đó, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn có nhu cầu hỗ trợ sửa chữa 1.700 căn, xây mới 1.600 căn. Nhiều nhất ở các xã Quảng Hòa 410 căn, Quảng Sơn hơn 240 căn, Đắk R’măng 227…

Thực hiện Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” theo Chương trình 1719, giai đoạn 2021-2025, huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng 400 căn nhà.

Ngôi nhà đang được xây dựng của anh K'Trường, bon Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong từ nguồn vốn Chương trình 1719, năm 2024

Ngôi nhà đang được xây dựng của anh K'Trường, bon Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong từ nguồn vốn Chương trình 1719, năm 2024

Theo UBND huyện Đắk Glong, năm 2022 – 2024, tổng nguồn vốn giao thực hiện nội dung hỗ trợ đất ở và nhà ở là hơn 10,7 tỷ đồng. Năm 2022 – 2023, địa phương đã thực hiện giải ngân hơn 3,7 tỷ đồng. Kết quả, thực hiện hỗ trợ đất ở cho 32 hộ (diện tích bình quân từ 80m2 - 600m2) và 58 căn nhà ở (diện tích bình quân mỗi căn nhà từ 30m2 - 100m2). Cụ thể, số hộ được hỗ trợ đất ở và nhà ở tại xã Quảng Khê 12 hộ; xã Đắk Plao 6 hộ; xã Đắk Som 15 hộ; xã Đắk R’măng 8 hộ; xã Quảng Sơn 20 hộ; xã Đắk Ha 26 hộ; xã Quảng Hòa 3 hộ. Năm 2024, tính đến tháng 5, địa phương đã giải ngân, hỗ trợ đất ở cho 3 hộ và xây được 17 căn nhà. Địa phương đang tiếp tục triển khai, tháo gỡ khó khăn, thực hiện các thủ tục hỗ trợ và giải ngân nguồn vốn Dự án 1 của Chương trình 1719.

Theo kế hoạch 2022 – 2023, toàn huyện còn 64 hộ được xét hỗ trợ đất ở và 62 hộ được hỗ trợ nhà ở nhưng chưa thực hiện được, chuyển nguồn sang 2024; thực hiện mức hỗ trợ ngân sách địa phương theo Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND ngày 13/12/2023 của HĐND tỉnh Đắk Nông.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương, Chương trình 1719 đã ban hành từ năm 2021, nhưng thực chất chương trình mới chỉ thực hiện từ tháng 6/2022 đến nay. Nguồn vốn chương trình phân bổ cho địa phương trước, các văn bản ban hành sau. Trong khi đó một số văn hướng dẫn chưa phù hợp với tình hình thực tế, phải điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy không thể thực hiện giải ngân nguồn vốn mà phải chờ văn bản hướng dẫn của Trung ương, tỉnh. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi giải ngân vốn đạt tỷ lệ thấp.

Thực hiện hỗ trợ đất ở, nhà ở Dự án 1, Chương trình 1719, huyện giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì, phối hợp với các phòng, ban có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện, bảo đảm chính sách đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở thuộc đối tượng được hỗ trợ. UBND cấp xã thực hiện rà soát, bình xét, lập danh sách hộ gia đình được hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng; thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ đất ở theo quy định.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn, vướng mắc. Địa phương không có quỹ đất công nên việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn huyện chủ yếu thực hiện bố trí xen ghép cho các đối tượng thụ hưởng, cần nhiều thời gian để làm thủ tục hồ sơ hỗ trợ như: điều tra, xác minh điều kiện cụ thể của từng hộ, thực hiện các thủ tục hành chính để cấp giấy chứng nhận… Do đó, tiến độ giải ngân còn chậm. Bên cạnh đó, các đối tượng thụ hưởng đều là hộ nghèo. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ của nhà nước và vốn vay, không có khả năng huy động vốn đối ứng để thực hiện bố trí đất ở, đất sản xuất. Một số hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất trên địa bàn các xã: Quảng Khê, Đắk Plao, Đắk Som nằm trong quy hoạch ranh phân khu chức năng phát triển du lịch (theo quyết định 2081/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 huyện Đắk Glong, Đắk Nông). Hiện nay, các diện tích nằm trong ranh phân khu chức năng phát triển du lịch này không thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giữ nguyên hiện trạng nên gặp khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ đất ở, nhà ở cho các hộ nghèo…

Đối với hỗ trợ nhà ở, nhiều hộ dân có nhu cầu hỗ trợ nhà ở đa số chưa đáp ứng đầy đủ các quy định cần thiết về đất đai. Cụ thể như vị trí không quy hoạch đất ở, chưa có giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất không chính chủ; đất ở hiện trạng bản đồ cũ; đất chưa định vị thổ cư; vướng các quy hoạch khác… Vì vậy, việc thực hiện xây dựng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do giá vật liệu tăng cao nên nguồn kinh phí hỗ trợ chưa đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng.

Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đối tượng khác đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình 1719 đã tạo điểm tựa để đồng bào DTTS vươn lên ổn định cuộc sống. Căn nhà không chỉ có ý nghĩa vật chất to lớn mà còn là nguồn cổ vũ, động viên để các hộ an cư lạc nghiệp, tích cực lao động sản xuất để thoát nghèo. Huyện Đắk Glong đặt mục tiêu trước năm 2030 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS; Hoàn thành cơ bản xóa nhà ở tạm, nhà dột nát.

Hiện nay, dựa trên Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG; Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình 1719; Quyết định số 04/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình 1719; Thông tư 02/2022/TT-UBDT… giúp địa phương có cơ chế đặc thù và định mức để đưa Chương trình 1719 - chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước vào tổ chức thực hiện.

Mẫn Doanh

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-glong-no-luc-ho-tro-nha-o-cho-ho-ngheo-dan-toc-thieu-so-219223.html