Đắk Lắk cần chủ động chuẩn bị 'hành trang' về quy hoạch để có thể 'đi sau nhưng về trước'

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn Đắk Lắk chủ động chuẩn bị 'hành trang' về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù… nhằm cụ thể hóa các ý tưởng, tầm nhìn phát triển, để có thể 'đi sau nhưng về trước' trong quản trị, cung cấp môi trường đầu tư tốt nhất, hỗ trợ nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Đắk Lắk phải giải quyết được những tồn tại, vướng mắc, thách thức đang đặt ra

Dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 17/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, đây là lần đầu tiên cả nước hình thành đồng bộ hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành quốc gia và quy hoạch địa phương. Đây là bộ công cụ quan trọng để xác định phương án phân bổ nguồn lực tốt nhất trong tầm nhìn tổng thể để phát triển đồng bộ.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Phân tích về vị trí, tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk với các quy hoạch khác, những công việc cần triển khai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk phải giải quyết được những tồn tại, vướng mắc, thách thức đang đặt ra cũng như có tầm nhìn, chiến lược khơi thông các nguồn lực, tiềm năng, tạo ra cơ hội phát triển mới.

Theo Phó Thủ tướng, Tây Nguyên, cũng như Đắk Lắk đang có lợi thế do phát triển sau nên còn gìn giữ được những giá trị vô cùng quý giá về thiên nhiên, cảnh quan, hệ sinh thái, bản sắc văn hóa. Đồng thời rút ra bài học từ những tồn tại, bất cập, hạn chế của quá trình phát triển nóng ở nhiều địa phương, đô thị do tầm nhìn quy hoạch hạn chế, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, chưa thích ứng biến đổi khí hậu, thiếu quỹ đất,…

Bên cạnh đó, Đắk Lắk, cũng như các tỉnh Tây Nguyên cần nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, tầm quan trọng của hạ tầng kết nối nội tỉnh, nội vùng và giữa Tây Nguyên với các vùng khác, và quốc tế.

"Đây là những thách thức phải được nhìn nhận đầy đủ", Phó Thủ tướng nói và cho rằng Đắk Lắk phải giải quyết hài hòa mối quan hệ đất, nước, rừng, để có thể phát triển và gìn giữ được vùng đất Tây Nguyên hết sức giàu tiềm năng tự nhiên, hệ sinh thái, nguồn sinh thủy của nhiều con sông lớn, hội tụ đa dạng các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, nhưng cũng rất dễ bị tổn thương.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh.

TP. Buôn Ma Thuột sẽ là hình mẫu xây dựng những đô thị mới trong rừng và có rừng trong đô thị

Đánh giá cao sự quyết tâm, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền các cấp của Đắk Lắk trong cải cách thủ tục hành chính vì doanh nghiệp, nhân dân, Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh chủ động chuẩn bị "hành trang" về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù, hạ tầng năng lượng… nhằm cụ thể hóa các ý tưởng, tầm nhìn phát triển, để có thể "đi sau nhưng về trước" trong quản trị, cung cấp môi trường đầu tư tốt nhất, hỗ trợ nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Về không gian phát triển, Phó Thủ tướng yêu cầu Đắk Lắk nghiên cứu kỹ Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với những tư tưởng tầm nhìn mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hạ tầng đồng bộ, thông minh; nông thôn là sự chuẩn bị cho quá trình đô thị hóa; phát triển kinh tế đô thị với các hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ, thương mại…

Ủng hộ định hướng mở rộng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột gắn với bảo tồn những giá trị thiên nhiên, bản sắc văn hóa riêng có, Phó Thủ tướng cho rằng đây sẽ là hình mẫu xây dựng những đô thị mới trong rừng và có rừng trong đô thị.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm khu trưng bày các sản phẩm OCOP của Đắk Lắk tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm khu trưng bày các sản phẩm OCOP của Đắk Lắk tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trao đổi về lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), Phó Thủ tướng gợi mở hướng phát triển thủy điện tích năng, nghiên cứu và chuyển giao công nghiệp năng lượng tái tạo, bảo đảm nguồn năng lượng xanh ổn định trở thành một lợi thế quan trọng thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk kết hợp với các địa phương của Tây Nguyên, phát huy ưu thế cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú…, hình thành những sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa khác biệt, độc đáo. "Lễ hội cà phê gắn với những cánh rừng, lễ hội của đồng bào dân tộc là minh chứng rõ ràng cho thế mạnh về du lịch nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu của Đắk Lắk", Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành với Đắk Lắk trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng mong muốn Đắk Lắk khẩn trương lập các quy hoạch chi tiết về đô thị, vùng động lực, nông thôn, hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, phân khu chức năng về nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, du lịch,…, tích hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia chuyên ngành; trưng bày, quảng bá, giới thiệu về diện mạo của Đắk Lắk nguyên sơ, văn hóa, hiện đại và phát triển; đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa các quy hoạch, tạo điều kiện cho Đắk Lắk tiếp tục đóng vai trò trung tâm, động lực của Tây Nguyên.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dak-lak-can-chu-dong-chuan-bi-hanh-trang-ve-quy-hoach-de-co-the-di-sau-nhung-ve-truoc-post281357.html