Đăk Lăk: Cần làm rõ 'kết luận giám định tâm thần' trong vụ án ly hôn
Ông Cao Xuân Bình có đơn phản ánh, trong khi Tòa đang thụ lý vụ án ly hôn giữa ông và vợ - bà Đặng Thị Bình, thì mẹ đẻ của bà Bình đã gửi đơn đến Tòa án yêu cầu tuyên bà Bình hạn chế năng lực hành vi dân sự, nhưng ông lại không hề hay biết về việc này.
Ly hôn, chia tài sản và chứng nhận... tâm thần
Theo đơn của ông Cao Xuân Bình (SN 1982, trú Thôn 4, xã Eaphê, huyện Krông Pắc, Đăk Lăk), ông và bà Đặng Thị Bình (SN 1985, trú tại Thôn 4, xã Eaphê, huyện Krông Pắc, Đăk Lăk) là vợ chồng. Do cuộc sống hôn nhân phát sinh nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết nên bà Bình đã đơn phương nộp đơn tại TAND huyện Krông Pắc để yêu cầu giải quyết việc ly hôn.
Thời gian chung sống, vợ chồng ông Bình có một số tài sản chung. Trong số các tài sản này có nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Trong đơn ông Bình nêu: “Các tài sản là nhà, đất này trước đây tôi để một mình vợ tôi đứng tên. Đến khoảng năm 2016, khi vợ chồng còn hạnh phúc chúng tôi đã cùng nhau đến Văn phòng công chứng để lập văn bản sáp nhập tài sản riêng thành tài sản chung để tôi cùng đứng tên với vợ trên các giấy tờ chủ quyền. Việc làm này chỉ là thủ tục hành chính chứ thực chất các tài sản này đều do chúng tôi cùng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân chứ không phải là tài sản riêng của vợ tôi”.
Ông Bình cho biết, ngày 30/5/2017 TAND huyện Krông Pắc thụ lý vụ án ly hôn giữa hai người, đến ngày 3/8/2017, bà Nguyễn Thị Thanh Thái - là mẹ đẻ của bà Bình - làm đơn gửi Tòa án yêu cầu tuyên bà Bình hạn chế năng lực hành vi dân sự. Theo ông Bình, ông không hề hay biết việc làm này của bà Thái. Ông Bình cho rằng việc bà Thái yêu cầu tuyên bố bà Bình hạn chế năng lực hành vi dân sự là “có chủ đích từ trước”, mà theo ông là ngoài mục đích lấy tài sản ra còn đẩy ông vào “thế chỗ” các món nợ mà bà Bình đứng vay trước đó.
Hồ sơ tài liệu thể hiện, bà Thái với tư cách là mẹ ruột của bà Bình đã nộp đơn tại TAND huyện Krông Pắc để yêu cầu Tòa án tuyên bà Bình mất năng lực hành vi dân sự. Để giải quyết vụ việc, TAND huyện Krông Pắc tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần (PYTT). Hai lần trưng cầu giám định, lần thứ nhất được thực hiện tại Trung tâm PYTT khu vực Tây Nguyên (do bà Thái cùng Tòa án lựa chọn, tiến hành) và lần thứ hai tại Trung tâm PYTT khu vực Miền Trung.
Theo đó, Kết luận giám định PYTT lần đầu số 79/KLGĐTC ngày 3/10/2017 của Trung tâm PYTT khu vực Tây Nguyên kết luận các nội dung: “1. Kết luận về y học: - Từ đầu năm 2016 đến 19/6/2017: Bị trầm cảm nhẹ (F32.0 - ICD10). - Từ 19/6/2017 đến nay: Bị bệnh trầm cảm vừa (F32.1 - ICD10). Kết luận về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi: - Từ đầu năm 2016 đến nay: Hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi”.
Kết luận giám định PYTT lần hai số 650/KLGĐTC ngày 24/7/2018 của Trung tâm PYTT khu vực Miền Trung kết luận các nội dung:“Thời điểm từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2017: Kết luận về mặt y học: Phản ứng trầm cảm kéo dài trong rối loạn sự thích ứng (F43.21). Kết luận về năng lực hành vi dân sự: Khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Thời điểm từ đầu năm 2018 đến hiện tại: Kết luận về mặt y học: Giai đoạn trầm cảm nặng kèm triệu chứng loạn thần (F32.3). Đối tượng cầm được điều trị ngoại trú liên tục. Kết luận về năng lực hành vi dân sự: Mất hoàn toàn năng lực hành vi dân sự.”
Ông Bình cho biết, ông Bình không đồng ý với kết quả giám định PYTT của cả hai lần giám định. Lý do ông đưa ra là: Lần thứ nhất, ông không hề hay biết mà chỉ được thông báo kết quả; Lần thứ hai, ông yêu cầu tiến hành giám định tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) nhưng không được chấp nhận. Ông Bình khẳng định, bà Bình hoàn toàn bình thường.
Để chứng minh, ông Bình đưa ra một số bằng chứng như: Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2017 trở về trước bà Bình còn sống chung với ông tại thôn 4, xã Eaphê, vợ chồng ông kinh doanh dịch vụ nấu nướng và tổ chức tiệc cưới. Hoạt động kinh doanh phát triển rất rầm rộ, hiệu quả. Bà Bình là người quán xuyến toàn bộ hoạt động kinh doanh từ nấu nướng, nhận tiệc, tổ chức tiệc. Với đặc thù công việc bà Bình phải khám sức khỏe định kỳ và tham gia tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lần khám sức khỏe, tập huấn kiến thức bà Bình đều bình thường, đều tham gia và hoàn thành khóa học. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, bà Bình thực hiện rất nhiều các giao dịch tại các ngân hàng (vay tiền, chuyển tiền), công ty bảo hiểm, xác lập giao dịch tại Văn phòng công chứng… Tất cả các giao dịch này chính bà Bình tự thực hiện, ký tên, lăn tay một cách bình thường.
Từ trình bày của ông Bình cùng với những tài liệu ông Bình cung cấp thấy rằng, thời điểm này bà Bình đã thực hiện các giao dịch tại các ngân hàng. Điều này đặt ra câu hỏi, nếu một người khó khăn trong nhận thức, điều khiển hành vi, mất hoàn toàn NLHV có được phép thực hiện hay không? Thực tế, đây là những giao dịch quan trọng, được thực hiện trước mặt Công chứng viên có thẩm quyền và được Công chứng viên ghi nhận “đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi” (?!).
Chờ đợi phán quyết ở cấp Phúc thẩm
Quá trình giải quyết vụ việc, ngày 29/3/2019 TAND huyện Krông Pắc có Quyết định số 02/2019/QĐST-VDS, thể hiện: “1.1/ Tuyên bố chị Đặng Thị Bình... mất năng lực hành vi dân sự.”
Tuy nhiên, ngày 15/4/2019, TAND huyện Krông Pắc ban hành Thông báo 08/2019/TB-TA sửa đổi, bổ sung quyết định đã tuyên. Theo nội dung thông báo này, TAND Huyện Krông Pắc cho rằng: “Xét thấy cần sửa chữa, bổ sung quyết định do trong quá trình đánh máy lỗi chính tả tại Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự về việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự ....”. Cụ thể, “1.1/ Tuyên bố chị Đặng Thị Bình. ... Thời gian từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2017 là người khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi; Thời gian từ đầu năm 2018 đến hiện nay: Mất năng lực hành vi dân sự…”
Không đồng ý với các quyết định và thông báo của của TAND huyện Krông Pắc, ông Bình đã có đơn kháng cáo. Ông cho rằng: nếu như theo Quyết định 02/2019/QĐST-VDS với nội dung nêu trên có hiệu lực thì rõ ràng bà Bình không thực hiện được việc hủy các văn bản sáp nhập tài sản riêng thành tài sản chung vợ chồng đã ký vào các năm 2016 và 2017. Trong khi đó, với Thông báo 08/2019/TB-TA, theo nội dung quyết định đã được thay đổi như trên thì các giao dịch dân sự mà bà Bình tham gia trong giai đoạn từ đầu năm 2016 đến nay sẽ bị tuyên vô hiệu...
Ngoài ra, ông Bình cho rằng trong quá trình giải quyết, TAND huyện Krông Pắc chưa xem xét, đánh giá hết các chứng cứ mà ông cung cấp; đồng thời chưa làm rõ được việc có hay không sự khác nhau trong hai kết luận giám định PYTT và lý do của sự khác biệt này. Ông Bình cho biết, ông hi vọng cấp Phúc thẩm sẽ xem xét vụ việc một cách thấu tình đạt lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.