Đắk Lắk dự kiến bầu 9 đại biểu Quốc hội và 75 đại biểu HĐND tỉnh
Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ tổng số 9 đại biểu, trong đó có 5 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương và 4 đại biểu do Trung ương giới thiệu.
Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng nay 9/2, các ý nhấn mạnh yêu cầu phải chú trọng đến chất lượng đại biểu và trách nhiệm đối với nhân dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ tổng số 9 đại biểu, trong đó có 5 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương và 4 đại biểu do Trung ương giới thiệu.
Về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, tổng số đại biểu được bầu là 75 đại biểu, gồm 44 đại biểu thuộc cơ quan cấp tỉnh và 31 đại biểu ở địa phương. Số lượng người được giới thiệu để hiệp thương lần thứ nhất là 140 người, trong đó có 44 người ứng cử thuộc cơ quan cấp tỉnh và 96 người ứng cử ở địa phương, đảm bảo ít nhất 35% đại biểu là nữ, từ 35% đại biểu dân tộc thiểu số, 5% đại biểu tôn giáo, 10% đại biểu ngoài đảng, 15% đại biểu dưới 40 tuổi và 75% đại biểu tái cử theo phân bổ.
Các đại biểu đã thảo luận và nhất trí cao với các phân bổ dự kiến được đưa ra. Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm cần phát huy tinh thần dân chủ, thống nhất để lựa chọn được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thực sự có chất lượng, có trách nhiệm để đại diện cho tỉnh Đắk Lắk trên nghị trường.
Ông Trần Quang Vinh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Đắk Lắk nêu ý kiến: "Thông qua Hội nghị hiệp thương lần này và qua công văn của Văn phòng Quốc hội, chúng tôi nhất trí rất cao. Tất cả các đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đều phải có trách nhiệm chung với tỉnh và nhân dân, phản ảnh được tiếng nói của nhân dân. Đây là việc mà chúng tôi hết sức quan tâm"./.